Xuất phát từ quan điểm phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu, trở thành mục tiêu Thiên niên kỉ của Liên hợp quốc và Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn tới, việc phổ biến rộng rãi nhận thức về phát triển bền vững, cung cấp những luận cứ khoa học, chủ trương, chính sách, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, các kế hoạch và sự tham gia của toàn xã hội vào phát triển trở nên cấp thiết.
Từ năm 2020, trường đại học Mỏ - Địa chất đã coi hoạt động nghiên cứu Khoa học xã hội gắn với phát triển bền vững trở thành nhiệm vụ thường xuyên thông qua các hội thảo chuyên đề, thu hút đông đảo các nhà khoa học, giới nghiên cứu và đã tiến tới trở thành hội thảo quốc gia từ năm 2022.
Năm 2024, Hội thảo Khoa học quốc gia: "Khoa học xã hội với sự phát triển bền vững" được tổ chức lần thứ hai do Khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Mỏ - Địa chất tiếp tục phối hợp cùng Đại học Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải và Trường ĐH Thủy lợi.
Hội thảo đã nhận được hơn 80 dự thảo báo cáo từ các nhà khoa học và chuyên gia ngành Lý luận chính trị thuộc 26 cơ sở giáo dục trên toàn quốc, chọn ra 66 báo cáo đăng tải trong “Tuyển tập báo cáo hội thảo khoa học quốc gia “Khoa học Xã hội với sự phát triển bền vững”. Hội thảo khoa học quốc gia và tuyển tập báo cáo đều căn cứ trên bốn nội dung: Những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững; Kinh tế, môi trường với phát triển bền vững; Văn hóa, xã hội với phát triển bền vững; Giáo dục, đào tạo với phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Triệu Hùng Trường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết phát triển bền vững nằm trong chiến lược xây dựng thành trường đa ngành, đa lĩnh vực của nhà trường. Thời gian gần đây, các nghiên cứu của đội ngũ giảng viên nhà trường đều theo định hướng phát triển bền vững. Hội thảo kỳ vọng nhận được những trao đổi, thảo luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học nhằm làm dày dặn thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho công tác giảng dạy đồng thời giới khoa học, giảng viên các trường đại học kết nối, hợp tác trong việc định hướng các chủ đề, đề xuất, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học mới đáp ứng được yêu cầu phát triển xã hội và hội nhập quốc tế.
Trong phần báo cáo của mình, TS Ngô Văn Hưởng, trường đại học Mỏ - Địa chất khẳng định vẫn tiếp tục theo hướng nghiên cứu “Quan hệ biện chứng giữa các trụ cột trong phát triển bền vững và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về sự hài hòa giữa các trụ cột trong phát triển bền vững”.
Ba trụ cột được chỉ ra ở đây gồm tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội. Từ đó soi rọi vào thực tế của Việt Nam. Cụ thể ở trụ cột kinh tế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tìm kiếm mô hình phát triển sản xuất và tiêu thụ. Ở trụ cột môi trường: góp phần sử dụng bền vững tài nguyên và khoáng sản cũng như kiểm soát khí thải, biến đổi khí hậu.
Trụ cột công bằng xã hội được cho là thay đổi nhiều nhất, tùy thuộc từng giai đoạn nhưng cơ bản vẫn tập trung vào vấn đề giữ gìn hòa bình, phân bố của cải hợp lý trong xã hội, thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe, chú trọng quyền cơ bản của người dân và xây dựng hệ thống pháp luật công bằng.
TS Ngô Văn Hưởng nhấn mạnh 5 điểm nhằm thực hiện được sự phát triển hài hòa của ba yếu tố như không đánh đổi môi trường, tiến bộ xã hội với kinh tế; tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng nhằm áp dụng được với từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, kĩ thuật, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cả ba trụ cột; tăng cường hợp tác quốc tế và học tập kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển bền vững.
TS Nguyễn Thị Cẩm Tú, Trường đại học Thủy Lợi chọn mô hình tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, một quốc gia Châu Á phát triển có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, chỉ ra những bài học kinh nghiệm với chính sách bảo vệ tài nguyên và môi trường bền vững của quốc gia này.
Hội thảo có nhiều ý kiến trao đổi, phản biện về vấn đề phát triển bền vững của Việt Nam. Nhiều báo cáo tập trung vào những vấn đề cụ thể Việt Nam đang trải qua như báo cáo “Phát triển bền vững du lịch biển ở các tỉnh ven biển miền Trung của Việt Nam” của Th.s Dương Thị Tuyến Nhung, Trường đại học Mỏ - Địa chất.
Các ý kiến phản biện đồng thời cũng góp ý cho việc tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu đã chỉ ra một số vấn đề như cần tìm kiếm những bài học kinh nghiệm từ các quốc gia tương đồng hơn về văn hóa-kinh tế-chính trị-xã hội cho mô hình tăng trưởng xanh hay quan tâm hơn vấn đề an ninh quốc phòng trong phát triển du lịch biển...
Phiên hai của hội thảo khoa học tập trung vào các vấn đề về giáo dục, bộ ba tiêu chuẩn đo lường các yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp (ESG) hay xu hướng nghèo của người cao tuổi ở Việt Nam, tập trung làm rõ những vấn đề thực tiễn cùng những khuyến nghị nhằm cải thiện vướng mắc giữa ba trụ cột tiến tới phát triển bền vững.
Hội thảo khoa học quốc gia “Khoa học xã hội với phát triển bền vững” lần thứ 2- 2024 tạo môi trường kết nối các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên và sinh viên, nhằm tăng cường trao đổi tri thức về lý luận và thực tiễn, nhận dạng xu thế và thách thức đối với nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội gắn với phát triển bền vững.