Nguy cơ thường trực trong hoạt động trải nghiệm

Đã gần nửa năm trôi qua, nhưng Nguyễn Thanh N., hiện là sinh viên năm thứ nhất ở Hà Nội vẫn còn ám ảnh với những gì đã trải qua ở mùa hè năm ngoái, vào những tháng ngày cuối cùng của lớp 12. Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, em cùng các bạn trong lớp cùng tham gia buổi tham quan, dã ngoại ở Cao Bằng. Chuyến đi tưởng chừng đã kết thúc tốt đẹp với tràn ngập niềm vui, kỷ niệm tuổi học trò cùng nhiều bức ảnh đẹp. Thế nhưng mọi sự không như mong muốn lúc buổi sáng cuối cùng, khi cả lớp tham quan thác Bản Dốc....

Cú trượt chân rơi thẳng xuống thác ban đầu được đánh giá không quá ảnh hưởng khi N. tỉnh lại sau đó không lâu, cơ thể không trầy xước nặng nề. Bệnh viện tuyến huyện khi ấy cho rằng N. hoàn toàn có khả năng theo xe cùng các bạn về Hà Nội buổi chiều cùng ngày. Tuy nhiên, một giáo viên cẩn thận đã yêu cầu bệnh viện cho N. được chụp phim lồng ngực. Và ngay khi hình ảnh phim với hai lá phổi trắng xóa được đưa ra từ phòng chụp với kết luận đuối nước khô, N. lập tức được đưa lên viện tỉnh cấp cứu.

Chỉ sau đó không lâu, N. bắt đầu rơi vào tình trạng hôn mê. Sau đó, gia đình quyết định đưa em về Bệnh viện Bạch Mai dù quãng đường di chuyển xa đi kèm nhiều nguy cơ. Trải qua những giờ phút nguy kịch, các bác sĩ Bạch Mai cùng giành lại sự sống cho N., giúp em quay lại cuộc sống, học tập bình thường sau gần 2 tháng:

“Đó là giai đoạn thực sự khủng khiếp với gia đình mình khi cái chết luôn trực chờ và mình thì còn quá trẻ. Sau khi bình phục hoàn toàn và có thời gian nhìn lại, mình thấy sự cẩn thận, suy xét kỹ lưỡng như thầy giáo mình là điều tối cần thiết trong nhiều trường hợp, đặc biệt trước những tai nạn xảy ra”, N. chia sẻ.

Nguyễn Thị Minh Thảo, một hướng dẫn viên có nhiều năm trong nhóm dẫn tour trải nghiệm cho rằng, ở mỗi cấp học, các hướng dẫn viên đều phải đối mặt với những nguy cơ khác nhau có thể xảy ra bất kì lúc nào. Với các cấp học nhỏ, tai nạn có thể xảy ra khi học sinh tham gia các trò chơi cảm giác mạnh. Huyết áp thấp, mệt mỏi do say xe, thiếu cẩn trọng trong tuân thủ quy định an toàn theo Minh Thảo hoàn toàn có thể trở thành căn nguyên cho những tai nạn đáng tiếc, thậm chí để lại hậu quả đáng tiếc về tính mạng. Ở bậc THPT, hoạt động trải nghiệm hiện nay thường tổ chức hai ngày, một đêm ở các điểm du lịch ở vùng biển, vùng núi, thường quãng đường di chuyển xa cộng thêm đêm lưu trú, các bạn trẻ vì tò mò sẽ khó tuân thủ những quy định về giờ giấc, khu vực di chuyển hoặc có thể sử dụng cả các chất kích thích như bia, rượu...

Một quy trình hướng dẫn an toàn luôn được Thảo và các đồng nghiệp thực hiện trước mỗi chuyến dẫn học sinh, sinh viên trải nghiệm thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, Thảo cho rằng vẫn cần phối hợp giữa nhà trường, thầy cô, phụ huynh và chính các em nhằm tuân thủ những quy định nhằm đưa các bạn trẻ đi về an toàn.

“Kỹ năng an toàn cho học sinh mới chỉ là kiến thức, chưa thành kỹ năng”

Lý giải việc hiện nay nhà trường, gia đình và nhiều tổ chức liên quan đến trẻ em đã và đang chuẩn bị cho học sinh rất nhiều kỹ năng để bước vào cuộc sống, các tai nạn thương tích vẫn xảy ra với các em, cụ thể tại chính các hoạt động trải nghiệm, Th.s Nguyễn Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục trẻ em Ngày Mới cho rằng đang có sự vênh giữa dạy học và thực hành các kỹ năng

“Phải khẳng định hiện nay học sinh được tiếp nhận kỹ năng an toàn mới dừng lại ở kiến thức nhiều hơn. Tức là các bạn biết việc khi đến một nơi nào đó phải tuân theo các yêu cầu chung của tập thể. Tuy nhiên, về hành vi thì lại chưa thay đổi và khi đến những điểm tham quan trải nghiệm, có những thứ thu hút hơn mà quên đi quy định, quy tắc an toàn”, Th.s Nguyễn Thị Hà phân tích.

Thông thường trước, trong mỗi chuyến đi, giáo viên hoặc hướng dẫn viên đều cung cấp những nội quy, quy định về việc các bạn học sinh bạn sẽ được hoặc không được làm gì. Nhưng chỉ nói thôi sẽ khiến thông tin ít tác động và lưu trữ trong bộ nhớ của học sinh vốn hiếu động và lại thiếu kinh nghiệm. Chị Hà cho rằng ngay từ cấp học nhỏ, hình thức đóng vai trải nghiệm một vài tình huống giả định sẽ giúp học sinh nhớ lâu và sâu những nội dung đảm bảo an toàn.

Bên cạnh đó, Th.s Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng hoạt động trải nghiệm dã ngoại cần có những quy định về số lượng học sinh tham gia. Tại cùng một điểm trong một thời điểm có đến cả ngàn con người lại đang trong độ tuổi thanh, thiếu niên sẽ khó phân bổ nguồn lực con người gồm thầy cô, phụ huynh, hướng dẫn viên để giám sát, hướng dẫn.

Tại các điểm tổ chức tham quan trải nghiệm cho học sinh cũng cần tổ chức nghiêm túc hệ thống cảnh báo an toàn. Ví dụ như ở biển thì khoanh khu vực nước nông, sâu, giờ tham gia bơi lội an toàn hoặc buộc phải lên bờ. Khu vực núi đồi cần cảnh báo những điểm trơn trượt, những điểm tiềm ẩn nguy cơ sụt lở... Thậm chí có thể tạo cẩm nang với những ghi chú, hướng dẫn ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hành để học sinh nhanh chóng nắm bắt, Th.s Nguyễn Thị Hà gợi ý.

Một sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường với học sinh trong việc nhắc nhở, quản lý, giám sát suốt tiến trình tham quan dã ngoại cũng góp phần giảm thiểu những tai nạn thương tích và thành công cho mỗi chuyến đi.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung: