Phát biểu tại Lễ trao học bổng, GS. Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam chia sẻ với nỗi buồn và sự lo âu của toàn dân tộc Việt Nam trước sự mất mát nặng nề do bão Yagi. Ông khẳng định, trong năm tới Hội khoa học gặp gỡ Việt Nam và quỹ Vallet sẽ cố gắng tìm cách hỗ trợ đặc biệt cho học sinh, sinh viên ưu tú bị thiệt hại nặng nề trong bão lũ vừa qua.

Trước khi diễn ra Lễ trao học bổng, toàn bộ đại biểu và học sinh có mặt tại khán phòng đã dành một phút mặc niệm cho đồng bào xấu số và những mất mát, đau thương mà nhân dân miền Bắc phải hứng chịu trong cơn bão Yagi.

Gửi lời cảm ơn chân thành đến GS Odon Vallet, Ban tổ chức học bổng và những người bạn luôn đồng hành trong suốt chặng đường 25 năm của quỹ học bổng, GS. Trần Thanh Vân cũng nhắn gửi nhiều điều đến các em học sinh tham dự buổi lễ.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu học. Cách đây hơn 1000 năm, Việt Nam đã có Trường đại học đầu tiên là Quốc Tử Giám (Văn Miếu, Hà Nội). Trường đại học thành lập trước nhiều đại học ở Châu Âu và Châu Mỹ.

Về mặt khoa học, chúng ta có sự thành công của GS. Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields về Toán Học. Ở lĩnh vực Vật lý, GS. Đàm Thanh Sơn được trao huy chương Dirac (ông cũng đồng hành với Hội gặp gỡ Việt Nam từ năm 1993). Nhắc đến các thế hệ đi trước, GS.Trần Thanh Vân mong muốn các em tiếp nối tinh thần hiếu học của dân tộc ta.

“Học bổng là khích lệ lớn cho các cháu, sẽ kết nối để các cháu bay xa hơn trên con đường học vấn để ngày sau thành công, thành tài, phụng sự Tổ quốc”.

GS. Trần Thanh Vân cũng nhắc lại lời căn dặn thế hệ trẻ của Bác Hồ trong ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng 8: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

GS khẳng định “các cháu là tương lai của dân tộc, nền phát triển quốc gia nằm trên vai các cháu. Hôm nay chúng ta đặt tất cả hy vọng ở các cháu, tương lai của nước Việt”.

Dự Lễ trao học bổng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gửi cảm ơn sâu sắc tới Quỹ Vallet và Hội gặp gỡ Việt Nam đã dành sự quan tâm và hỗ trợ quý báu cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong suốt 25 năm qua, Quỹ học bổng Vallet đã thực hiện sứ mệnh cao cả với mục tiêu hỗ trợ và khuyến khích học sinh, sinh viên Việt Nam có thành tích xuất sắc và có tiềm năng, đem lại ảnh hưởng sâu rộng, tích cực, góp phần thúc đẩy giáo dục và sự phát triển của đất nước Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định, tại Việt Nam Quỹ Vallet và Hội gặp gỡ Việt Nam đã tạo dựng một trong những chương trình học bổng nổi bật nhất, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hỗ trợ các tài năng trẻ.

Bà Lê Thị Thu Hằng bày tỏ sự trân trọng và biết ơn, GS Trần Thanh Vân, GS. Lê Kim Ngọc cùng các cộng sự đã nỗ lực không mệt mỏi, đóng góp to lớn cho quỹ học bổng này. Đó chính là tấm lòng, nghĩa cử đồng bào của những người dân nước Việt dù là ở trong nước hay ngoài nước, cũng như sự gắn bó chặt chẽ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với cội nguồn dân tộc.

Gửi lời hỏi thăm và cảm ơn sâu sắc tới GS Odon Vallet - người khởi nguồn sáng kiến ý nghĩa này, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, đây chính là biểu hiện của tình hữu nghị và mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Pháp. Đồng thời, đặt kỳ vọng vào những học sinh, sinh viên nhận Học bổng Vallet giữ vững đam mê học tập, đặt ra những mục tiêu lớn, dám mơ ước và nỗ lực hết mình để đạt được ước mơ đó để đóng góp sức mình cho công cuộc phát triển đất nước.

Học bổng Vallet nuôi dưỡng những tài năng khoa học

TS Espéran Padonou, Giám đốc Quỹ Vallet chia sẻ, ông sinh ra tại Bénin (một quốc gia ở Tây Phi). Bố ông từng là một y tá với mức lương thấp còn mẹ là một người giúp việc. Cha mẹ TS Espéran Padonou đã cổ vũ ông tiếp tục việc học để thoát khỏi nghèo đói nhưng đối với ông trường học bắt đầu khá tồi tệ. Lúc bắt đầu học đại học, Espéran Padonou đã gặp một tai nạn khiến ông phải kéo dài việc học thêm một năm nữa.

Việc học cấp 3 không quá tốt nhưng Espéran Padonou có kết quả xuất sắc khi tốt nghiệp với thành tích cao nhất ở đất nước Bénin. Tuy vậy, lúc đó ông không có nhiều cơ hội để tiếp tục việc học đại học. May mắn, có một người đã nói với Espéran Padonou rằng, ông ấy sẽ tặng cho anh một suất học bổng để tiếp tục học đại học ở Paris. Đó chính là GS Odon Vallet.

Là người từng nhận học bổng Vallet, sau khi có những thành công nhất định, TS Espéran Padonou đã đồng hành với GS Odon Vallet để trao học bổng này tại Pháp, Việt Nam và Bénin.

Là một trong số những người đầu tiên nhận học bổng năm 2003, anh Nguyễn Đình Hà, cựu học sinh chuyên Toán trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, cho biết: thời điểm sang Pháp du học gặp nhiều khó khăn, anh được nhận hỗ trợ 4.500 Euro để thi vào trường Bách khoa Paris, Pháp. Học bổng Vallet đã trở thành bước ngoặt lớn trong cuộc của anh Hà. Anh đã có công việc tại Nhật, Mỹ trong vai trò Giám đốc Quỹ đầu tư. Hiện anh Hà tự thành lập Quỹ đầu tư tại Singapore.

Gửi lời cảm ơn tới GS. Odon Vallet, GS. Trần Thanh Vân và GS. Lê Kim Ngọc, anh Đình Hà nói học bổng là vinh dự của anh cách đây 20 năm và của các em học sinh, sinh viên hiện tại.

Tiếp tục chắp cánh những ước mơ

Là một trong 457 học sinh nhận Học bổng Vallet tại Nhà hát Hồ Gươm, Nguyễn Hữu Tiến Hưng – sinh viên năm nhất Trường Đại học Y Hà Nội chia sẻ niềm vinh dự và hạnh phúc khi nhận được học bổng lâu đời và sự quan tâm của các giáo sư, các nhà khoa học đến từ Pháp. Với tình cảm đó, học bổng là nguồn khích lệ, giúp em tiếp tục trau dồi kiến thức ở bậc đại học trong thời gian tới.

Tại kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2024, Nguyễn Hữu Tiến Hưng đã xuất sắc giành Huy chương Vàng với điểm số cao nhất đoàn Việt Nam và xếp thứ 17 toàn cầu.

Là một trong 8 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Yên Bái nhận Học bổng Vallet, Sạch Thùy Trâm, học sinh lớp 12A2 cho biết, năm học vừa rồi em đạt nhiều thành tích cao ở môn Khoa học tự nhiên. Học nội trú từ lớp 6, quen với cảnh xa nhà nên tự lập và chăm chỉ là bí quyết giúp Trâm học tập tốt.

Vừa qua, huyện Yên Bình, Yên Bái – nơi Trâm sinh ra có nhiều ngôi nhà bị ngập lụt và sạt lở. Gia đình em ở khu cao nhưng đồng ruộng cũng ngập hết, mùa màng xác định mất trắng.

Với Đặng Thị Bạch Tuyết, học sinh lớp 12A3, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú tỉnh Cao Bằng, Học bổng Vallet là nguồn động viên lớn lao với những nỗ lực học tập suốt thời gian qua. Năm học vừa rồi, Tuyết có điểm tổng kết trung bình môn 9.0. Nữ sinh quê Thạch An, Cao Bằng mong muốn trở thành học viên của Học viện Kỹ thuật để tiết kiệm tiền học phí cho gia đình. Em kể, bố mẹ em đều làm nông, ngoài ra không có nguồn thu nhập nào khác. Tuyết nói rằng em sẽ trân trọng và sử dụng Học bổng Vallet hiệu quả, xem đây là động lực để tiếp tục phấn đấu trong những năm học tới.

Năm 2024, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trao tặng hơn 2100 suất học bổng cho sinh viên, học viên sau đại học và học sinh trung học xuất sắc trong cả nước với trị giá hơn 40 tỷ đồng. Cụ thể, học bổng trị giá 15 triệu đồng/suất đối với học sinh phổ thông, 29 triệu đồng/suất đối với sinh viên, 45 triệu đồng/suất đối với nghiên cứu sinh.

Cùng ngày, tại Hà Nội, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quỹ Vallet để tri ân GS Odon Vallet, Chủ tịch Quỹ, từ 25 năm nay đã trao hơn 70 000 học bổng cho học sinh và sinh viên Pháp, Việt Nam và Benin./.