Ngày 10/6/2023, tại Trường Đại học Phenikaa (Hà Nội), Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố trong cả nước.

Nhiều phong trào, cá nhân tiêu biểu về học tập suốt đời

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là phong trào quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và hành động về xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho mọi công dân.

Thủ tướng khẳng định, học tập, làm việc, cống hiến và hưởng thụ là nhu cầu tất yếu, khách quan của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân tốt, công dân số, công dân toàn cầu.

Dân tộc Việt Nam ta là một dân tộc cần cù, hiếu học và luôn có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong khó khăn. Truyền thống đó có từ thời xa xưa, tiêu biểu là tư tưởng tự học, tự lập, học tập suốt đời của thầy giáo Chu Văn An, tấm gương mẫu mực về tôn sư trọng đạo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Và chính Người cũng là một tấm gương vĩ đại, mẫu mực về tự học, tự rèn luyện, học tập suốt đời.

Theo Thủ tướng, những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả nước.

Nền giáo dục nước ta đã có những chuyển biến quan trọng; mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người; nhiều điểm yếu về giáo dục đã được khắc phục; có nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp, mang lại cơ hội học tập cho người dân ở mọi lứa tuổi.

Vai trò các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và của xã hội, nhất là Hội Khuyến học được tăng cường, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ý thức học tập suốt đời đã và đang thấm nhuần vào từng người, từng dân tộc, từng gia đình, từng dòng họ, từng khu dân cư, từng cơ sở đào tạo, từng vùng, miền... Nhiều phong trào dòng họ, làng, xã thi đua học tập được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.

Thủ tướng chia sẻ, đất nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới, trải qua đại dịch Covid-19, phải đóng cửa trường học. Tuy nhiên, cùng với khoa học, công nghệ phát triển chúng ta đã mở ra một cơ hội học tập thông qua internet, thông qua trực tuyến. Thủ tướng cho rằng, việc học trực tuyến này cần tiếp tục duy trì, phát huy được tinh thần tự học, thông qua khoa học công nghệ để học tập.

Có nhiều tấm gương người khuyết tật, điển hình như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Thậm chí có nhiều người ở những lĩnh vực khác nhau vươn lên, khẳng định mình có ích cho gia đình và xã hội.

Có những bác trên 60, 70 tuổi vẫn hằng ngày cắp sách đến trường; thậm chí có những cụ 80, 90 tuổi, vượt qua cả tuổi tác để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng đại học, thạc sỹ để thỏa ước mơ của cuộc đời mà tuổi trẻ không có điều kiện thực hiện.

“Đây thực sự là những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, “học, học nữa, học mãi”; “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự tổ chức, đoàn thể, phục vụ Tổ quốc, dân tộc và nhân loại”.

Học tập để chứng minh rằng dân tộc ta không thua kém bất cứ dân tộc nào

Thủ tướng khẳng định, chúng ta đang sống trong một thế giới không ngừng biến động nhanh chóng, kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi tri thức, hiểu biết, kỹ năng, tay nghề và khả năng thích ứng cao với mọi tình huống.

Vì thế, vai trò của học tập, rèn luyện, tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đặc biệt quan trọng. Lời căn dặn của Bác Hồ “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực tế đã chứng minh, không có quốc gia phát triển nào mà không bắt đầu từ giáo dục. Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… Đến nay đã có hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “thành phố giáo dục, thành phố học tập”. "Điều này cho thấy, phong trào học tập không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn lan tỏa ra quốc tế, đây là sự tất yếu của phát triển loài người, còn sống còn phải học tập", Thủ tướng khẳng định.

Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm mọi người dân đều bình đẳng trong học tập, Thủ tướng đề nghị tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập...

Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Nâng cao ý thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức xã hội và của từng người dân về vai trò của xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng xã hội học tập theo hướng đa dạng hóa, gắn học với hành, tài với đức, phù hợp với các đối tượng, từng địa phương thông qua các mô hình mới, các làm hay.

Đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa. Hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả những ai có nhu cầu học tập đều được đáp ứng thỏa mãn. Hỗ trợ những người yếu thế, hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.

Huy động sự chung tay đóng góp toàn xã hội để tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí và quyết tâm, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập.

Khuyến khích phát triển bình đẳng, theo quy định của pháp luật đối với các loại hình đào tạo, không phân biệt giữa công lập với ngoài công lập, liên doanh, liên kết…

Tập trung củng cố hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa; hình thành các thư viện cố định và di động ở từng khối xóm, khu phố; khuyến khích văn hóa đọc ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển các trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục thường xuyên. Xóa các vùng thiếu về điện, sóng viễn thông, tạo điều kiện cho mọi nhà, mọi nơi tiếp cận Internet và các thành tựu công nghệ mới. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin.

"Chúng ta nói phải xây dựng công dân số, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng không có sóng, không có điện thì không làm được gì. Đó là các hạ tầng nền tảng rất quan trọng. Thời gian vừa qua, chúng tôi đang thống kê lại, rà soát lại, dứt khoát chúng ta phải xóa những nơi không có điện, không có sóng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng cần xây dựng và phát huy hiệu quả vai trò của các Quỹ, Hương ước, Quy ước trong dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị để đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời. Tăng cường tuyên truyền về phong trào và điển hình tiêu biểu, tạo động lực, truyền cảm hứng, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả; tạo sự lan tỏa trong xã hội để khích lệ tinh thần nhà nhà học tập, người người học tập, thôn bản học tập, xã học tập, huyện học tập, tỉnh học tập, cả nước học tập.

"Tôi muốn nhấn mạnh, chúng ta phải chung sức đồng lòng, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn để người người học tập, nhà nhà học tập, cộng đồng học tập, xã hội học tập và cả nước học tập. Học tập bất cứ nơi nào, khi nào có thể, học tập tất cả các lĩnh vực. Học tập để hoàn thiện mình về đức, trí, thể, mỹ. Học tập để đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân Việt Nam và học tập để chúng ta không tự ti, không tự mãn.

Học tập để chúng ta xây dựng đất nước ngang tầm với các nước phát triển, năm châu bốn bể. Học tập để chứng minh rằng dân tộc ta không thua kém bất cứ dân tộc nào. Sức mạnh của dân tộc bắt nguồn từ nhân dân, bắt nguồn từ văn hóa".

Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập/.

Năm 2021, Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước đó, các đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” và Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” đã được triển khai.

Việc triển khai các Đề án này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Hiện cả nước có 17.459 cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó có 71 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh; 619 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; 10.469 trung tâm học tập cộng đồng; 5.642 trung tâm ngoại ngữ - tin học; 658 cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống.

Đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1, trong đó 46/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. 63/63 tỉnh/thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 1.