Học 6-7 năm ra trường tay trắng bằng cấp: Không bằng THCS, THPT, không bằng nghề!
Ngày 31/03, phụ huynh của hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam đã kêu cứu tới các cơ quan báo chí về việc con em họ theo học bậc Cao đẳng của Học viện Múa Việt Nam từ năm lớp 6, lớp 7… Tuy nhiên, đến nay nhiều em đã ra trường được 1-2 năm vẫn không được nhà trường cấp bằng nghề lẫn bằng văn hóa dẫn đến việc các em không thể học tiếp lên trình độ Đại học cũng như xin việc làm.
Năm ngoái, con anh Hoàng Mạnh Cường trúng tuyển Đại đại Sân khấu điện ảnh ngành biên đạo múa. Sau 1 tháng nhập học, con của anh đột ngột bị nhà trường chuyển trả lại hồ sơ vì… không có bằng tốt nghiệp THPT.
“Khi chúng tôi phản ánh tới lãnh đạo Học viện Múa Việt Nam, chúng tôi có cảm giác chính lãnh đạo Học viện và cán bộ làm công tác đào tạo cũng ngỡ ngàng, lúng túng vì không nghĩ lại xảy ra như vậy. Vì trước đó học sinh trường Múa sang học trường Sân khấu điện ảnh đều bình thường”. – Anh Hoàng Mạnh Cường chia sẻ.
Con gái của bà Phạm Thị Thủy (Hà Nội) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau 1 tháng trúng tuyển vào trường ĐH Sân khấu điện ảnh con của bà bị nhà trường trả lại hồ sơ vì không có bằng văn hóa. Sau năm lần bảy lượt đến Học viện Múa Việt Nam hỏi thì cuối cùng bà nhận được câu trả lời từ lãnh đạo của Học viện là: “Không thể cấp được bằng văn hóa”.
Bà Thúy bức xúc cho biết, trước đó, trong giấy triệu tập học tập, Học viện Múa Việt Nam (trước đó là Cao đẳng Múa) đã yêu cầu học sinh phải nộp đầy đủ hồ sơ bao gồm giấy khai sinh, học bạ (tiểu học, THCS), giấy sinh hoạt Đoàn, đội… Việc rút toàn bộ hồ sơ học văn hóa tai trường phổ thông đang học được phụ huynh hiểu rằng khi theo học trình độ Cao đẳng Múa tại Học viện, học sinh sẽ vừa được cấp bằng chuyên môn lẫn bằng văn hóa.
Và thực tế, trong suốt quá trình học tại Học viện Múa Việt Nam từ lớp 7, con gái bà Phạm Thị Thúy cũng như những học sinh cùng khóa đều được nhà trường tổ chức học văn hóa với lịch học rõ ràng. Buổi sáng học chuyên môn, buổi chiều học văn hóa. Thậm chí, trường lên thời khóa biểu học các môn văn hóa dày đặc, khắc nghiệt, việc thi cử, đánh giá rất chặt chẽ nên phụ huynh không mảy may suy nghĩ.
“Tôi làm trong ngành giáo dục 30 năm. Nhưng không thể tưởng tượng được rằng, chính con của mình giờ đang không có bất cứ một bằng cấp gì sau 5 năm học tại Học viện Múa Việt Nam” - Bà Phạm Thị Thúy bức xúc.
Trớ trêu là trong số 325 học viên trường Múa nguy cơ "trắng" bằng văn hóa, bằng nghề có cả trường hợp là con em trong ngành Múa. "Tôi rất chủ quan, tin tưởng vào nhà trường dẫn tới tôi không nắm được vấn đề. Con tôi cứ học ở đây nhưng giờ lại không có bằng". - Bà Lưu Thị Thu Lan, giảng viên ĐH Sân khấu điện ảnh chia sẻ.
Cũng theo phản ánh của đại diện phụ huynh, toàn bộ hồ sơ tuyển sinh và giấy báo triệu tập học sinh, sinh viên khi trúng tuyển tại Học viện Múa Việt Nam đều ghi rõ hệ đào tạo Trung cấp hoặc Cao đẳng theo chuyên ngành và số năm đào tạo tương ứng (từ 3-6,5 năm).
Trong quá trình học tại Học viện học sinh, học sinh học đầy đủ các môn chuyên môn múa: Ba-lê, dân gian, đương đại, kỹ thuật biểu diễn, xướng âm, … theo quy định có thời khóa biểu, có tổ chức kì thi (2 lần/năm), có Hội đồng chấm thi, có bảng điểm đầy đủ cho từng môn thi. Trước khi kết thúc chương trình học, học sinh, sinh viên phải tham gia buổi thi tốt nghiệp với các môn nhà trường quy định.
Tuy nhiên, từ năm 2019 đến nay toàn bộ học sinh, sinh viên sau khi hoàn thành chương trình đào tạo vẫn chưa được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp và Cao đẳng chuyên nghiệp.
Nguy cơ phải học lại văn hóa từ lớp 6, lớp 7?
Theo đại diện phụ huynh của hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam, ngày 16/1/2021 Học viện có triệu tập toàn bộ phụ huynh học sinh đến trường để trao đổi về vấn đề văn hóa phổ thông.
Theo lý giải của Học viện, ngày 14/12/2017 Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) ra giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với Học viện Múa Việt Nam chỉ được đào tạo trình độ Cao đẳng, Trung cấp không có đào tạo văn hóa.
Mặc dù vậy do sơ xuất từ năm 2017 Học viện Múa Việt Nam không liên kết với các cơ sở đào tạo văn hóa đủ điểu kiện mà vẫn tự tiếp tục đào tạo bình thường như trước đây và không thông báo tới phụ huynh học sinh.
Hậu quả toàn bộ học sinh phổ thông học tại Học viện Múa Việt Nam không có mã định danh được theo dõi trong phần mềm quản lý giáo dục của Sở GD&ĐT Thành Phố Hà Nội, dẫn tới việc tất cả các học sinh này không được cấp bằng tốt nghiệp THCS, THPT. Do đó không đủ điều kiện để được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp hoặc Cao đẳng chuyên nghiệp như thông tin đăng ký thi tuyển đầu vào của Học viện Múa Việt Nam.
“Đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa học sinh, phụ huynh với ban giám đốc học viện. Nhưng đến giờ phía Học viện vẫn không có được câu trả lời thỏa đáng nhất cho học sinh, phụ huynh. Câu lời vẫn là: Cứ chờ đợi. Nhưng chờ đến bao giờ khi học sinh ra trường 2-3 năm nay rồi không những không xin được việc mà cũng học tiếp được trình độ cao hơn.” – Anh Hoàng Mạnh Cường băn khoăn.
Theo đại diện phụ huynh của hơn 300 học sinh Học viện Múa Việt Nam, có một giải pháp được Học viện đưa ra là toàn bộ học sinh khi nhập học tại Học viện Múa Việt Nam chưa tốt nghiệp THCS, THPT đều phải học quay đầu về văn hóa, tức là học lại toàn bộ chương trình văn hóa từ khi học sinh bắt đầu vào học tại Học viện Múa Việt Nam với một đơn vị liên kết đủ điều kiện đào tạo về văn hóa.
“Giải pháp này là không thể chấp nhận được vì đặc thù nghề múa khắc nghiệt, chuyên ngành Múa là nghề khổ luyện đào tạo lâu năm từ độ tuổi thiếu niên, khi ra trường tuổi nghề lại rất ngắn. Giờ lại bắt các em học sinh này học lại trình độ văn hóa từ lớp 6, lớp 7… là điều không thể chấp nhận được. Như khóa của con tôi, các cháu nay đã 19 tuổi, thậm chí có con đã 23 tuổi giờ quay đầu học lại từ lớp 7 liệu có được không? cơ hội học tập, việc làm, nghề nghiệp của các em sẽ như thế nào?” - Chị Cung Thị Hải băn khoăn.
Ngày 31/03, phóng viên của nhiều cơ quan Báo chí đã đến Học viện Múa Việt Nam để có câu trả lời chính thức từ phía Học viện. Tuy nhiên, cán bộ Học viện Múa Việt Nam cho biết, lãnh đạo Học viện không thể tiếp phóng viên vì bận họp và đề nghị phóng viên chờ nhà trường xếp lịch.
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối kiến thức văn hóa (4 môn) theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019, để người học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chứ không liên thông lên đại học.
Và như vậy các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên để bổ túc văn hóa cho học sinh, chứ không được tự tổ chức dạy văn hóa như trước.