Nhu cầu tìm đến dịch vụ chăm sóc của người cao tuổi

Tại Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Ban ngày Nhân Ái Daycare, các cụ được ăn uống đúng giờ, tập thể dục, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, nói lên suy nghĩ của mình và giao lưu với bạn bè đồng niên....

Mỗi cụ đến đây có một hoàn cảnh riêng. Ông Phạm Quyền Thịnh, 77 tuổi ở Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm cho biết, 2 vợ chồng ông không ở cùng con cái. Từ khi vợ ông mắc chứng alzheimer, việc chăm sóc vợ rất vất vả. Không yên tâm giao vợ cho người giúp việc chăm sóc, ông Thịnh tự mình lo toan mọi thứ từ chợ búa, tắm rửa, dẫn vợ đi chơi. Từ khi đưa bà vào trung tâm, gánh nặng chăm sóc vợ vơi bớt phần nào.

“Buổi sáng đến nơi kiểm tra sức khỏe xong thì tập thể dục, 9h được ăn bữa nhẹ rồi đến bữa chính. Chiều bà được tập tành, ăn bữa phụ rồi được tôi đón về”, ông Thịnh chia sẻ.

Đưa bà nội 82 tuổi đến tham gia một buổi tọa đàm ở Trung tâm Chăm sóc Người cao tuổi Ban ngày Nhân Ái, Nguyễn Khoa Đạt, sinh viên Trường Đại học Thương Mại kể, từ khi ông mất, bà nội cô đơn hơn. Mặc dù được con cái trong nhà quan tâm nhưng không thể lúc nào cũng cận kề bên cụ vì mỗi người đều bận rộn với những công việc riêng. Cộng thêm khoảng cách thế hệ khiến đời sống tinh thân của cụ khá nghèo nàn. Tìm đến dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, gia đình Đạt thấy bà lạc quan hơn.

“Ở nhà lúc nào bà cũng bảo xung quanh toàn 4 góc tường. Khi rủ bà đi chơi thì bà bảo không thích vì phí tiền lắm, ở nhà thì lại bảo cô đơn lắm nhưng khi tới đây bà cười rất nhiều, tâm trạng của bà tốt lên”.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Nhân ái đánh giá, người cao tuổi ở nước ta hiện chiếm khoảng 12% dân số nhưng 10 năm nữa con số có thể xấp xỉ 20%. Nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi vì thế cũng tăng theo.

“Người cao tuổi gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, sức khỏe, tình cảm và nhiều vấn đề xã hội khác... Do đó nhu cầu về sự hỗ trợ trong xã hội cũng phong phú, đa dạng”.

Dịch vụ chăm sóc người già phát triển thì nhu cầu về số lượng nhân viên công tác xã hội vừa làm đúng chuyên môn vừa đảm nhận được các công việc chăm sóc đang là không giới hạn.

Hiện nhiều trường đào tạo ngành công tác xã hội đã tích cực nâng cao hoạt động thực tập, thực hành cho sinh viên. Tuy nhiên, với đặc thù làm việc với người cao tuổi nói riêng và người yếu thế nói chung, bà Nguyễn Kim Thanh cho rằng sinh viên tốt nghiệp ngành này cần có khoảng thời gian tích lũy, trải nghiệm để làm tốt công việc của mình.

Hơn 70 cơ sở đào tạo công tác xã hội là quá nhiều!

Tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 70 cơ sở đào tạo công tác xã hội. PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Trưởng Khoa Tâm lý, Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đánh giá, số lượng này là rất nhiều.

“Nhiều cơ sở đào tạo 150, 200, 300 sinh viên/ khóa. Đây là một tỷ lệ kinh khủng. Cứ trung bình mỗi trường 200 sinh viên tốt nghiệp/năm, 70 trường nhân lên 10 năm không hiểu họ đào tạo bao nhiêu? Trong khi đó theo đề án 32 của Chính phủ đến năm 2020-2025 chỉ cần 30.000 nhân viên công tác xã hội. Tính ra chúng ta quá thừa”, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan nhận định.

Các trường đua nhau mở vì mới và cũng để tăng nguồn thu do đó chất lượng đội ngũ giảng viên đào tạo công tác xã hội là một thách thức. Ông Loan cho biết, “số lượng thầy cô được đào tạo về công tác xã hội bài bản chính quy hiện “đếm trên đầu ngón tay”, ví dụ ở trường tôi chỉ 1-2 người, còn về cơ bản các thầy cô chuyển từ các ngành khác sang đào tạo. Do đó thầy cô phải tự liên tục tự bồi dưỡng nâng cao trình độ đào tạo”.

Ông Loan cho rằng mặc dù nguồn lực đào tạo khá nhiều nhưng phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Công tác xã hội cơ bản là vấn đề thực hành, thực tập. SV được đào tạo thông qua cơ sở đào tạo thực hành và nâng quỹ thời gian này trong quá trình đào tạo lên 50-60% mới đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, các em cơ bản nắm được lý luận, lý thuyết nhưng ra thực tế thì bỡ ngỡ”.

Tháo gỡ khó khăn cho đào tạo công tác xã hội

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho rằng, việc sử dụng nguồn lực, đội ngũ được đào tạo ở các trường đại học cho xã hội còn rất hạn chế, đa phần các em xin việc khó khăn, chế độ đãi ngộ với cán bộ làm công tác xã hội so với mặt bằng chung còn thấp. Trong khi đó đặc thù công việc tiếp xúc với những người yếu thế trong xã hội nên các em căng thẳng, mệt mỏi, lo âu.

"Chính sách của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đề xuất mỗi trường học có tối thiểu có 1-2 nhân viên CTXH, các bệnh viện có 1 phòng CTXH, cơ sở phường xã địa phương tối thiểu biên chế 2 cán bộ CTXH nhưng đi vào thực tế còn quá nhiều bất cập. Đôi khi chúng ta chưa thực hiện đúng chính sách ở các địa phương lấy người vào làm công việc này nhưng không phải là người qua đào tạo, thậm chí phân công cho họ rất nhiều công việc từ công văn, giấy tờ, phụ trách nhiều mảng khác nhau chứ không riêng CTXH". Đây là những bất cập khiến cho sinh viên tốt nghiệp ngành này chưa phát huy hết năng lực của mình tại cơ sở làm việc.

Đào tạo nhân viên CTXH đòi hỏi kinh phí lớn cho thực hành tại các cơ sở. Để có điều kiện cho sinh có cơ sở thực hành, thực tập phải có sự kết hợp giữa trường ĐH với các cơ sở chăm sóc, trung tâm bảo trợ xã hội. Các cán bộ tại đây sẽ hỗ trợ đào tạo, kiểm huấn, tham gia vào quá trình đào tạo kỹ năng thực tế cho sinh viên.

Tuy nhiên, hiện nay việc đưa sinh viên xuống các cơ sở thực tập chủ yếu dựa vào mối quan hệ của nhà trường, chưa có đãi ngộ phù hợp đối với cơ sở thực hành, thực tập để họ xem đó như trách nhiệm, nghĩa vụ.

Để giải quyết những khó khăn trong đào tạo CTXH hiện nay, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cho rằng, cần rà soát lại các cơ sở đào tạo ngành CTXH. Cơ sở đào tạo nào không đáp ứng được yêu cầu về đội ngũ, cơ sở thực hành thực tập, chương trình đào tạo thì phải thu hẹp lại, thậm chí ngừng đào tạo để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cần phải nâng cao chương trình đào tạo phù hợp, bắt kịp với các nước phát triển trên thế giới nhưng đồng thời phải nâng cao điều kiện cơ sở thực hành, nâng cao nguồn kinh phí, “nguồn kinh phí hiện nay đòi hỏi phía nhà nước hỗ trợ, thậm chí người học hỗ trợ thêm để có đủ cho các em thực hành thực tập”.

PGS.TS Nguyễn Hồi Loan cũng cho rằng, tốt nghiệp xong sinh viên ngành này phải có việc. Nếu không có việc làm thì nguồn lực được đào tạo sẽ không đảm bảo chất lượng cao./.

Nghe chương trình tại đây: