Kết thúc xét tuyển đại học đợt 1 năm 2024, điểm chuẩn xét tuyển vào nhiều ngành học, trường đại học ở mức rất cao. Có những ngành, thí sinh đạt 9,5 điểm/môn cũng không có cơ hội trúng tuyển.
Cụ thể, tại Trường ĐHSP Hà Nội, ngành Sư phạm ngữ văn và Sư phạm lịch sử với mức điểm 29,3 (khối C00). Trung bình thí sinh phải đạt gần 9,77 điểm/môn mới trúng tuyển.
Tiếp sau đó là ngành Sư phạm địa lý có điểm chuẩn khối C00 là 29,05 điểm. Các ngành Sư phạm lịch sử và địa lý, Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân… cũng có điểm chuẩn gần chạm mốc 29. Tức là trung bình mỗi môn phải đạt trên 9,67 điểm.
Đối với Trường đại học Giáo dục (ĐHQG Hà Nội), điểm chuẩn trúng tuyển vào nhóm ngành sư phạm ngữ văn, sư phạm lịch sử … Trường đại học Giáo dục, tổ hợp C00 là 28,76 điểm (tăng 1,59 điểm so với năm ngoái), trung bình hơn 9,58 điểm/môn thí sinh mới trúng tuyển.
Điểm chuẩn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội tiếp tục "nóng" ở ngành Quan hệ công chúng, Báo chí với mức điểm chuẩn lần lượt là 29,10 và 29,03 điểm ở tổ hợp C00, tương đương trung bình hơn 9,66 điểm/môn thí sinh mới có cơ hội trúng tuyển.
Đánh giá về bức tranh xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho biết, năm nay các ngành đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội đều tăng so với năm 2023. Trong đó có các ngành về sư phạm và khối xã hội như báo chí, truyền thông có mức tăng cao hơn hẳn so với các ngành khác.
Đại diện ĐHQG Hà Nội cũng cho biết, ông không bất ngờ khi điểm chuẩn của một số ngành có xét tuyển bằng tổ hợp có các môn Khoa học xã hội. Bởi trước đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT đã cho thấy, phổ điểm của các môn thi này khá cao.
"Khi Bộ GD-ĐT công bố kết quả thi THPT với phổ điểm của tổ hợp C00 có sự tăng cao so với năm ngoái thì đương nhiên với tổ hợp tăng chung như thế thì nếu chỉ tiêu không thay đổi, nhu cầu xã hội không thay đổi thì chắc chắn điểm sẽ thay đổi theo hướng tăng lên là không có gì bất ngờ", PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn nói.
Đối với ngành báo chí, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, năm nay số lượng thí sinh đăng ký ngành này cao vượt bậc so với những năm trước. Nguyên nhân do những năm gần đây nhu cầu xã hội với ngành báo chí truyền thông tương đối lớn, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, không chỉ làm việc tại các cơ quan báo chí, mà còn có thể tự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.
"Năm 2024 số lượng thí sinh đăng ký ngành Báo chí cao vượt bậc so với những năm trước. Nguyên nhân do những năm gần đây nhu cầu xã hội với ngành báo chí truyền thông tương đối lớn, sinh viên có nhiều cơ hội việc làm, không chỉ làm việc tại các cơ quan báo chí, mà còn có thể tự hoạt động trong lĩnh vực truyền thông. Ngoài ra, chỉ tiêu của các trường có thay đổi qua các năm nhưng không có sự thay đổi quá lớn, số lượng thí sinh đăng ký lại rất đông cũng là nguyên nhân khiến mức độ cạnh tranh lớn hơn, điểm chuẩn cao hơn", PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Sẽ đánh giá lại phương thức xét tuyển sớm đảm bảo sự công bằng, minh bạch
Đánh giá về kết quả xét tuyển đại học năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, công tác xét tuyển đã được tổ chức hiệu quả, mang lại tác động tốt, chính sách tuyển sinh ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, đảm bảo quyền lợi của các em. Các trường đại học cũng đã quen với việc xét tuyển chung, các nhóm xét tuyển ở miền Bắc và miền Nam đều hoạt động rất nhịp nhàng.
Đặc biệt, với sự hoàn thiện của hạ tầng công nghệ thông tin, kỹ thuật, những cải tiến về mặt kỹ thuật trong năm qua đã giúp thí sinh hoàn thành việc xét tuyển trực tuyến.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng cho rằng, qua kết quả xét tuyển Bộ GD-ĐT cũng nhận thấy, các phương thức xét tuyển sớm có mang lại cơ hội trúng tuyển tốt hơn cho thí sinh nhưng cũng gây ra lượng thí sinh ảo cho rất nhiều trường đại học trên cả nước.
Đồng thời việc xét tuyển sớm cũng tạo ra xu hướng khiến số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm.
"Đây cũng là một trong những lý do làm cho điểm chuẩn trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT có xu hướng tăng cao", bà Thủy nêu quan điểm.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Bộ GD-ĐT nhận thấy cần xem xét lại phương thức xét tuyển sớm trên góc độ tính công bằng giữa các phương thức, liệu có đảm bảo nguồn đầu vào công bằng giữa các phương thức hay không. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án điều chỉnh quy chế tuyển sinh từ năm 2025 theo hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, quyền lợi của thí sinh.
Bà Thủy cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự khác biệt, thay đổi so với những năm trước đây, do đó sự điều chỉnh quy chế tuyển sinh là điều rất bình thường. Tuy nhiên, phương án cụ thể vẫn cần chờ thêm thời gian tới.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội cho biết: Năm 2025, ĐHQG Hà Nội cũng đã điều chỉnh cấu trúc bài thi đánh giá năng lực để thí sinh có nhiều lựa chọn hơn ở phần thi thứ ba, phù hợp với những môn học sinh học chương trình phổ thông. Năm 2025, ĐHQG Hà Nội cũng đưa môn Ngoại ngữ vào trong bài thi đánh giá năng lực để học sinh có nhiều lựa chọn. Căn cứ nhu cầu học tập của mình và căn cứ yêu cầu của các cơ sở đào tạo, học sinh có thể đăng ký bài thi đánh giá năng lực với những môn học phù hợp với năng lực của mình để đạt được kết quả tốt nhất.