Gương mặt rất sáng, 22 tuổi nhìn David trẻ như sinh viên năm nhất, nhưng bạn ấy đang là sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành Hành không vũ trụ ở trường ĐH Würzburg - Cộng hoà Liên bang Đức. Học kỳ thứ 7 này, David chọn trường Điện- Điện tử, ĐH Bách Khoa Hà Nội để học tập, nghiên cứu, sau thời gian 4 tháng ở Việt nam, David sẽ trở về Đức để kết thúc học Cử nhân vào kỳ sau.

Ở trường ĐH Würzburg, với chương trình trao đổi sinh viên, David và các bạn có rất nhiều sự lựa chọn để thay đổi môi trường học tập ở nhiều quốc gia nhưng lý do David chọn Việt Nam cũng thật đặc biệt: "Việt Nam có những kinh nghiệm và trải nghiệm hoàn toàn khác so với những nước khác ở châu Âu như là Ý hoặc Pháp nên tôi muốn tìm hiểu một nền văn hoá khác so với nền văn hóa ở những nước châu Âu".

Đến Việt Nam trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành David và các bạn gặp rất nhiều trở ngại. Chuyến bay của nhóm sinh viên này được thực hiện vào đầu tháng 12 nhưng thủ tục đã được chuẩn bị từ tháng 6 với sự cố gắng rất nhiều của cả phía Việt Nam và Đức. Sau 2 tuần cách ly, David và các bạn bắt đầu được đến trường và khởi đầu cho những ngày tận hưởng cuộc sống của một du học sinh trên đất nước Việt Nam với những hy vọng tốt đẹp, thú vị. David rất vui vì nhận được sự chào đón thân thương từ các thầy cô và các bạn , đặc biệt khuôn viên trường ĐH Bách Khoa Hà Nội khiến cho David có cảm giác như đang đi ở trong rẻot. David hy vọng là tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì kỳ trải nghiệm của mình sẽ có nhiều hoạt động thú vị hơn.

Filip 26 tuổi, đang trong kỳ cuối cùng của chương trình Master (thạc sĩ) ngành CNTT của Đại học Würzburg. Thân hình rắn rỏi, gương mặt rám nắng và bộ râu quai nón khiến Filip trông đẹp trai khỏe khoắn như một ngôi sao bóng đá của đội tuyển Bayer Munich. Lý do Filip chọn Việt nam vì ĐH Bách khoa HN và ĐH Würzburg đã có quan hệ hớp tác với nhau từ lâu và chương trình học khá phù hợp. Chủ đề mà Filip nghiên cứu cho Chương trình thạc sỹ là vấn đề “Điện toán đám mây". Việc học tập, nghiên cứu ở Đại học Bách khoa Hà Nội với Filip thì không có vấn đề gì đáng phàn nàn nhưng việc tập ăn bằng đũa với chàng trai này lại là điều khá thú vị.

Ấn tượng đầu tiên của Filip là ngày đầu vào khu cách ly, buổi tối khi bụng rất đói, nhìn thấy trong phòng có một túi phở khô và bên cạnh đấy là một đôi đũa , dù chưa dùng đũa bao giờ nhưng loay hoay cuối cùng cũng nghĩ được cách dùng đũa để ăn phở. Lạ lẫm với nhiều món ăn Việt Nam, nhưng chỉ sau 1 tuần với Filip mọi việc đã trở nên rất ổn.

Jan Tischhöfer, 24 tuổi cũng là sinh viên đang học kỳ thứ 7, chuẩn bị kết thúc bậc học Cử nhân ngành Hàng không vũ trụ rất thích thú khi được đến Việt Nam học tập, nghiên cứu. Ở Đức, Jan cũng có vài người bạn người Việt, nghe các bạn Việt Nam kể về văn hóa gia đình Việt rất đầm ấm, thú vị nên Jan mong muốn sẽ có ngày được trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Chuyến đi này với Jam không chỉ là việc hoàn tất chương trình học thuật mà còn là cơ hội để thưởng thức và học cách nấu những món ăn Việt Nam. Vì vậy ngay khi đến Việt Nam, Jan đã đăng ký học 1 khóa nấu các món ăn Việt Nam vì với Jan, thâm nhập văn hóa ẩm thực của mỗi quốc gia là cách để khám phá văn hóa của vùng đất ấy nhanh nhất.

Bence là chàng trai trẻ nhất nhóm, 21 tuổi sinh viên học kỳ thứ 7 ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ nhưng Bence đến từ đất nước Hungari. Hơn 3 năm qua, đã trải nghiệm cuộc sống xa nhà ở ký túc xá của trường ĐH Würzburg, CHLB Đức nhưng khi sang Hà Nội Bence cảm nhận rất rõ sự khác biệt ở mỗi vùng đất mà mình sống. Chuyến đi lần này Bence có dự định rất thú vị, đi theo chuyên ngành thị giác máy tính, Bence nghiên cứu về các loại gạo và rất ngạc nhiên vì qua tìm hiểu thấy Việt nam có tới 90 loại gạo. Ở trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, Bence được giao đề tài dùng nhận dạng ảnh để phân loại các loại gạo khác nhau. Càng tìm hiểu Bence càng cảm thấy rất thú vị vì với kỹ thuật nhận diện hoàn toàn có thể phân biệt được các loại gạo khác nhau.

Không cô đơn, 6 chàng sinh viên Đức luôn có những người bạn đồng hành mọi lúc mọi nơi. Nguyễn Minh Hiếu, sinh viên khoá K62 của trường Điện-Điện tử đang chuẩn bị học thạc sĩ ở Việt Nam cho biết lý do em thường xuyên hỗ trợ các bạn du học sinh Đức: “Tiếp xúc với các bạn sinh viên Đức thì cũng cho em biết thêm về tính cách và khả năng làm việc, cách suy nghĩ của các bạn có nhiều điểm khác với người Việt Nam. Việc em giúp đỡ các bạn có thể giúp cho em thích ứng với cuộc sống bên Đức sau này và có thêm bạn bè quốc tế.”

PGSTS Nguyễn Hữu Thanh, Hiệu trưởng trường Điện- Điện tử Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: chương trình hợp tác giữa trường Điện – Điện tử và trường Đại học Würzburg của Đức đã có thâm niên 12 năm nay, ngoài việc hợp tác nghiên cứu trao đổi giảng viên thì còn có chương trình trao đổi sinh viên. ĐH Würzburg của Đức có một chương trình thạc sĩ về công nghệ truyền thông và ở phía Đại học Bách Khoa Hà Nội có chương trình thạc sĩ Điện tử Viễn thông và chương trình tiên tiến Điện tử Viễn thông. Chương trình này không chỉ hỗ trợ cho các GS ở Đức sang Việt Nam giảng dạy nghiên cứu mà còn tạo cơ hội trao đổi sinh viên giữa hai bên. Ngoài ra chương trình còn có chính sách học bổng cho sinh viên Việt Nam sang trao đổi ở Đức một kỳ. Năm 2015 đã có một đợt 10 sinh viên sang ngắn hạn, năm 2020 trường xin được học bổng cho 10 sinh viên giỏi của Việt Nam sang trao đổi ở CHLB Đức. Đáng tiếc do dịch Covid-19, nên dù có học bổng hằng năm nhưng sinh viên Việt Nam vẫn chưa đi được. Trường hy vọng dịch bệnh giảm bớt thì đến tháng 4 năm 2022 có thể gửi 5 sinh viên Việt Nam sang Đức trao đổi một học kỳ.

PGS.TS. Thanh cũng cho biết đây là 6 sinh viên Đức đầu tiên sang ĐH Bách Khoa Hà Nội để tham gia học kỳ trao đổi. Cả 2 bên đã cố gắng rất nhiều để hỗ trợ các em thực hiện được chuyến đi trong bối cảnh dịch bệnh , đặc biệt về phía Đức, tổ chức trao đổi hàn lâm Đức đã cấp học bổng và chi phí bao gồm cách ly. Về phía trường ĐH Bách khoa Hà Nội và trường Điện- Điện tử, các thầy cô và các bạn sinh viên cũng rất quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất cho những du học sinh này. Không cô đơn dù dịch bệnh covid 19 còn diễn biến phức tạp, khát vọng học tập, khát vọng khám phá của tuổi trẻ luôn được tiếp sức, lan tỏa không biên giới!