Trước những ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, mới đây, Bộ GD&ĐT phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Chương trình có sự tham gia của hơn 1000 cán bộ phụ trách công tác xã hội, tư vấn tâm lý của các Sở GD&ĐT, các trường Tiểu học, THCS và THPT tham dự tại 400 điểm cầu trên toàn quốc.

Dịch COVID-19 tạo ra cú “sốc” tâm lý với học sinh

Trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, Bình Dương là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, Bình Dương có 156 học sinh mồ côi cha mẹ trong đại dịch.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám Sở GD&ĐT Bình Dương cho biết, từ lâu ngành giáo dục đã sớm thực hiện công tác dự phòng tâm lý cho học sinh chứ không phải đến khi dịch bệnh xảy ra.

“Chúng tôi phân công trong Ban giám hiệu có một người chịu trách nhiệm tư vấn tâm lý HS, mỗi giáo viên chủ nhiệm phải làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho học sinh.

Sở cũng chỉ đạo các trường học khuyến khích học sinh thảo luận về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đặc biệt trong các khu phong tỏa, nhà trọ. Khuyến khích HS nói chuyện giáo viên, nếu có bất kỳ thắc mắc nào thì giáo viên tư vấn, cung cấp thông tin phù hợp lứa tuổi. Giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp trả lời thắc mắc của học sinh”.

Tại Đồng Nai, đợt dịch vừa qua khiến cho nhiều lao động mất việc làm. Cô Nguyễn Thị Nhãn, giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi cho biết, một bộ phận cha mẹ học sinh là lao động tự do trước áp lực kinh tế đè nặng đã truyền cả những cảm xúc tiêu cực đến con em mình.

“Chẳng hạn, khi dạy học online 6 tuần, có vài học trò tương tác không tốt, giáo viên trao đổi với phụ huynh để tìm ra giải pháp nhưng khi phụ huynh thay vì nhắc nhở, động viên thì họ la mắng”.

Đợt dịch vừa qua, tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều học sinh có cha mẹ mưu sinh ở các khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nhiễm bệnh, thậm chí tử vong do COVID-19. Một cô giáo ở Đăk Lắk chia sẻ, cô đã nhận thấy những rối nhiễu tâm lý của các em khi quay trở lại trường học. Một số em có biểu hiện như lo lắng, hụt hẫng, không biết tương lai thế nào, đặc biệt biểu hiện rõ hơn ở HS tiểu học, THCS.

PGS.TS Trần Thành Nam, Trưởng khoa Các khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội đánh giá, nhiều học sinh sau giai đoạn giãn cách tiếp cận với các thông tin về dịch COVID-19 thì bị ám ảnh. Đôi khi, sự lo lắng của bố mẹ cũng làm con hoang mang.

Sau giai đoạn này nhiều em trải qua giai đoạn khủng hoảng khi ở nhà vẫn chứng kiến hành vị bạo lực về lời nói. Trở lại trường sau dịch, các em chưa có cảm giác thuộc về môi trường học tập trực tiếp nên dễ chán nản hơn, dễ bốc đồng, thiếu kiềm chế.

Thậm chí, với những em học sinh mất người thân trong đại dịch thì có thể sang chấn lâu hơn. Rối nhiễu về tâm lý của các em cần được nhận diện và kết nối với những người có chuyên môn để hỗ trợ.

Cần có những bước chuyển trước khi học sinh trở lại trường

Với những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến tâm lý của các em học sinh trong thời gian không thể đến trường, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh sự cần thiết của việc tổ chức tập huấn tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Đồng thời, khẳng định đây là trọng trách đặt lên vai các thầy cô khi chúng ta chưa có cán bộ chuyên trách làm công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.

“Đây là việc Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo. Thời gian tới cần phối hợp sâu với các bộ, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Nội vụ. Từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đoàn đội, giáo viên bộ môn phải bồi dưỡng thêm để hiểu tâm lý học sinh. Bên cạnh đó, ký hợp đồng với những người hiểu sâu tâm lý để hỗ trợ các em toàn diện”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết.

Đón học sinh trở lại trường sau đại dịch, bên cạnh tính toán các phương án an toàn, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, cần có những bước chuyển.

Theo ông Nam, giáo viên có thể khuyến khích học sinh chia sẻ những vấn đề xảy ra trong thời gian ở nhà, hướng dẫn học sinh nâng cao nhận thức về sức khỏe tinh thần. Bất cứ khi nào các em cảm thấy mất cân bằng thì có thể trao đổi để giáo viên “chuyển tuyến” đến những địa chỉ tư vấn phù hợp.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần có kỹ năng nhận ra thay đổi của con để có cách thức hỗ trợ khoa học. Đồng thời điều chỉnh lịch sinh hoạt thích ứng môi trường học trực tiếp.

“Giáo viên hãy tổ chức hoạt động để các em trải nghiệm, bộc lộ cảm xúc, để các em thấy những lo lắng của mình là bình thường, ai cũng trải qua. Khi thiết lập được quan hệ thầy trò, bạn bè thì giáo viên mới bắt đầu đưa đơn vị kiến thức vào.

Trong khi công tác tư vấn tâm lý trường học còn nhiều hạn chế, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Hợp tác đào tạo và Bồi dưỡng, Trường ĐH Giáo dục, Đại học quốc gia Hà Nội kỳ vọng, qua đợt tập huấn các giáo viên sẽ có thêm các kỹ năng phát hiện, nhận diện những bất ổn trong tâm lý học sinh sau đại dịch. Ông cũng nhấn mạnh, giai đoạn nhạy cảm này, cần giảm những kỳ vọng về học tập, chưa nên đặt nặng mục tiêu kiến thức khi các em trở lại trường.

“Trẻ con chống đối nhưng mong thầy cô bớt tức giận vì tâm lý lứa tuổi đang có những bất thường, hãy kiểm soát cơn giận giữ, không ép các con học. Có những thầy cô vì sự lo lắng kết quả học sinh, muốn học sinh tốt hơn mà dùng lời lẽ gay gắt để HS học chăm chỉ hơn nhưng đó lại là mũi dao đâm thẳng vào trái tim làm các con mất đi cảm xúc tích cực đối với cuộc sống”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Trong tiết học online hoặc khi học sinh trở lại trường, nếu giáo viên dành đôi ba phút hỏi han thì chắc chắn các con sẽ yêu thích, trân trọng vì thầy cô đã lắng nghe.

Cũng theo ông Hà, quá trình dạy học thầy cô cần áp dụng cách thức dạy học cá nhân hóa bởi vì không phải cả lớp đều giỏi. Học sinh có năng lực đến đâu, khó khăn chỗ nào cần có những đánh giá đúng mực… Đồng thời, cần tính đến điều kiện hoàn cảnh để tổ chức lớp học và học sinh có thể nhận được kiến thức tốt nhất./.