Gục ngã trước thất bại là rào cản lớn trong hành trình trưởng thành
Trong cuộc sống, không ai xa lạ với câu nói “Thất bại là mẹ thành công.” Tuy nhiên, đối mặt với thất bại chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nó mang đến những cảm xúc chùn bước, mất phương hướng, thậm chí khiến nhiều người từ bỏ giấc mơ. Với những người trẻ, đôi khi thất bại là rào cản lớn nhất trên hành trình trưởng thành.
Hải My – một cô gái từng tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết – đã thay đổi hoàn toàn sau cú sốc từ kỳ thi đại học. Không đạt được kết quả mong muốn, Hải My chìm đắm trong nỗi buồn và cảm giác thất vọng: “Em rất hụt hẫng, em đã cố gắng rất nhiều nhưng lại không đạt được mục tiêu.”
Tương tự, Quốc Tuấn – một chàng trai đam mê võ thuật từ nhỏ – cũng từng nếm trải nỗi cay đắng khi thất bại trong một trận đấu đối kháng. “Em từng cực kỳ tự tin, nhưng thất bại trước một đối thủ yếu hơn khiến em từ bỏ luôn giấc mơ theo đuổi võ thuật.”
Câu chuyện của Hải My và Quốc Tuấn là những nốt lặng khá buồn khi các em đã phải chùn bước trước thất bại. Đây cũng không phải chuyện hiếm gặp ở các bạn trẻ.
Sợ thất bại nhưng không chấp nhận thất bại
Phan Chí Trung – một sinh viên xuất sắc của Trường Đại học Thương Mại chia sẻ, bản thân “rất sợ thất bại” nhưng lại luôn “sẵn sàng thử thách và không chấp nhận thất bại”. Với tư cách là Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Trường Đại học Thương Mại và nhiều vai trò khác, Trung đã trải qua không ít lần thất bại trong hành trình của mình.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất với Trung là khi em đảm nhận vai trò Trưởng ban tổ chức một chương trình âm nhạc lớn của trường vào năm 2024. “Đợt đầu xin tài trợ, chúng em hoàn toàn thất bại. Cảm giác như mọi thứ sụp đổ, thời gian tổ chức chỉ còn 4 tuần và áp lực từ mọi phía đè nặng. Nhưng khi ấy, chúng em đã không chấp nhận bỏ cuộc. Đội ngũ của chúng em làm việc xuyên đêm, liên hệ với các nhà tài trợ và cuối cùng, chương trình đã thành công vượt mong đợi.”
Trung chia sẻ, để vượt qua thất bại, điều quan trọng nhất là giữ vững tinh thần và có phương án dự phòng. Thất bại sẽ không làm ta gục ngã nếu ta biết chuẩn bị kỹ lưỡng và học cách đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Hãy nhìn nhận nguyên nhân thất bại, rút kinh nghiệm, và cải thiện bản thân.
Theo Trung, mọi thất bại đều có hai khía cạnh: yếu tố bên trong (bản thân) và yếu tố bên ngoài (môi trường). Trong khi yếu tố bản thân có thể kiểm soát và cải thiện, các yếu tố bên ngoài thường khó đoán trước. Chính vì vậy, mỗi người cần luôn sẵn sàng thích nghi và tìm cách biến những yếu tố bất lợi thành cơ hội.
Nhiều người cho rằng tuổi trẻ có quyền thất bại, nhưng Trung nhận định rằng mỗi thất bại đều có cái giá của nó. “Chúng ta nên cân nhắc để thất bại không vượt quá giới hạn, để mỗi bài học đều trở thành nền tảng vững chắc cho thành công trong tương lai.”
Cuối cùng, Trung gửi gắm một thông điệp tới những bạn trẻ sợ đối mặt với thất bại: “Tuổi trẻ là thời điểm để thử nghiệm, để vấp ngã và trưởng thành. Dù thất bại, hãy luôn tìm kiếm đam mê, giữ vững tinh thần và không bao giờ từ bỏ. Thất bại không phải là kết thúc, mà là một phần của hành trình đến với ước mơ.”
Nghe chia sẻ của Phan Chí Trung: