Cần thêm kịch bản cho năm học mới?

Nhìn vào khung kế hoạch năm học mà Bộ GD&ĐT công bố ngày 4/8/2021, ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du TP. Hồ Chí Minh cho rằng đây là thông lệ với khung thời gian năm học ổn định.

Tuy nhiên, so với sự ổn định “đến hẹn lại lên” thì khung kế hoạch năm học cần phải "mở " hơn vì đất nước đang trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19. Theo ông Phú, Bộ GD&ĐT cho phép sử dụng 2 tuần lùi thời gian khai giảng năm học nhưng phần đuôi chốt lại các kỳ thi thì không khác gì các năm học vừa qua. Điều này cho thấy tính linh hoạt trong kế hoạch còn hạn chế, khiến các trường, các địa phương thấy áp lực và người dân hoang mang.

Phân tích thêm, ông Phú cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, học sinh dưới 18 tuổi chưa tiêm vaccine liệu có đảm bảo an toàn sức khỏe khi cho các em đến trường hay không? Tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh phía Nam, rất nhiều trường học từ mầm non đến THPT được sử dụng làm khu cách ly F0. Để giải phóng số lượng F0 trong từng trường học này đòi hỏi thời gian nhiều ngày, cần khử khuẩn, phục hồi cơ sở vật chất hạ tầng của trường học trong khi chưa biết đến lúc nào dịch mới chấm dứt. Do đó, chuẩn bị cho năm học điều kiện cần và đủ chưa có.

Theo ông Phú, trong bối cảnh đại dịch, khung thời gian năm học nên giao quyền quyết định về cho từng địa phương để địa phương hợp thức đảm bảo chương trình. Bộ có quyết định cắt giảm chương trình, cắt giảm môn, cắt giảm lượng kiến thức để địa phương xử lý làm sao năm học không còn 9 tháng mà có thể 12-13 tháng, không cứng nhắc là học 35 tuần, miễn sao để hoàn thành cơ bản “có thể có” cho 1 học trò bằng nhiều hình thức học, trong đó có học trực tuyến. Cần hiệu chỉnh để năm học linh động, chủ động trong chương trình, trong các kỳ thi, chủ động trong việc xét tuyển để học sinh không bị áp lực.

Kế hoạch khả thi còn phụ thuộc vào sự chủ động của từng địa phương

Trao đổi về khung kế hoạch năm học, PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, từ lâu khung kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đưa ra chỉ mang tính hướng dẫn chứ không phải là khung bắt buộc các trường, các địa phương phải tuân thủ về từng mốc thời gian như trước đây. Thực tế các trường học, địa cũng phương đã quen với việc này, tính chủ động đã nâng cao nhưng không phải địa phương nào cũng chủ động như mong muốn.

Đây là khung kỹ thuật vừa chỉ đạo vừa hướng dẫn, các địa phương bám vào thực hiện mốc thời gian, nội dung giáo dục năm học, đảm bảo tính hệ thống trên quy mô quốc gia, đảm bảo quy mô tối thiểu lộ trình giáo dục vì có nhiều mảng công việc như tuyển sinh ĐH, đảm bảo phân luồng nghề nghiệp, các công việc khác…Việc hướng dẫn là cần thiết, văn bản có tính mở đảm bảo lộ trình đổi mới hướng đến tự chủ kế hoạch giáo dục nhà trường và địa phương.

Khái niệm thời gian Bộ GD&ĐT ban hành là thời điểm “sớm nhất” chứ không ban hành thời điểm bắt buộc, các địa phương có thể tùy thuộc vào thực tế của mình triển khai. Khoảng thời gian 15 ngày tương ứng với chu kỳ có thể đảm bảo biện pháp kỹ thuật giãn cách xã hội, đảm bảo an toàn sức khỏe, cũng như an toàn phòng chống dịch,

Kế hoạch năm học có rất nhiều tầng bậc, đảm bảo trọng tâm, cho đến tính phổ dụng ví dụ 35 tuần, 40 tuần hoặc rút ngắn 30 tuần, do tính thời điểm có thể quyết định, nếu các cơ sở giáo dục chủ động và hiểu được việc xây dựng kế hoạch giáo dục đảm bảo thì có thể khả thi.

Xét về tính thích ứng, trong 2 năm qua khi thực hiện biến động xã hội mang tính quy mô quốc gia, các trường học, địa phương đều làm quen với việc chủ động, ứng phó, thích nghi, “dừng đến trường nhưng không ngừng học”, xét khía cạnh đó tôi tin rằng các cơ sở giáo dục và địa phương có thể chủ động hơn nữa, vận dụng hướng dẫn này, TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, qua thực tế triển khai và quan sát, thực tế không phải địa phương nào cũng làm được điều này. Các báo cáo đánh giá diện rộng và đánh giá tác động biến đổi xã hội của các tổ chức và Bộ GD&ĐT cho thấy, còn khoảng cách rất lớn giữa sự chủ động ở từng địa phương, trong một địa phương, sự chủ động giữa các phòng GD&ĐT, giữa các trường học là khác nhau.

Chúng ta phải nhận thức được rằng dịch Covid-19 là biến động xã hội, nhiều địa phương còn có những biến động nặng hơn như thiên tai, bão lũ, họ kiên cường vượt qua, nếu địa phương nào đó hiểu giãn cách xã hội dẫn đến không thể tiến hành hoạt động giáo dục bình thường đó là nhận thức sai lầm và thiếu bản lĩnh”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.

Biến động xã hội đòi hỏi thay đổi phương thức thực hiện giáo dục và thử thách trong suốt 2 năm chứ không phải bây giờ mới diễn ra. Tuy nhiên vẫn có địa phương làm chậm, làm yếu, khiến cho tính hệ thống, sức mạnh thể chế và hệ thống giáo dục kìm hãm lại. Có địa phương làm tốt, đảm bảo được. Lo lắng là có cơ sở nhưng chúng ta có thể khắc phục được. Tính chất biến động xã hội dịch Covid-19 xảy ra nguy hiểm nhưng không phải là bắt buộc dừng hoạt động học tập.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, cần hiểu công văn với 2 tính phân cấp đó là tính hệ thống và tính đặc biệt. Văn bản có tính chất hệ thống nhưng trong trường hợp đặc biệt vẫn vẫn chấp nhận cách quản lý đặc biệt.

Vừa rồi TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội không tổ chức thi tốt nghiệp đợt 2. Ở Hà Nội có những quận, huyện đã kết thúc năm học trong thời điểm tháng 5 nhưng cũng có những quận, huyện đang tiến hành thi cử, cho thấy phụ thuộc nhiều vào tính chủ động địa phương, tính dám chịu trách nhiệm và khả năng thực hiện địa phương là quan trọng nhất.

Khung chương trình thời gian 35 tuần không phải để dạy hết nội dung chương trình và hiện nay chương trình giáo dục phổ thông mới cũng cho phép đảm bảo yêu cầu cần đạt, đó là yêu cầu tối thiểu, không nhất thiết làm hết tất cả. Thực tế khá nhiều lãnh đạo địa phương và các nhà trường vẫn bị động quy định rõ bài vở như thế nào, đó là áp lực quản lý”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.

Bức tranh dạy học online còn “lỗ chỗ”

Thời điểm này, nhiều địa phương đã lên kế hoạch bắt đầu năm học mới với việc khai giảng online, dạy học trực tuyến. Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, TPHCM cho biết, nhà trường có 3 kế hoạch cho năm học mới.

Một là dạy học trực tiếp. Hai là dạy trực tuyến 100% nếu dịch kéo dài. Ba là dạy trực tiếp kết hợp dạy trực tuyến nếu dịch ổn định và học sinh trở lại trường nhưng vẫn thực hiện giãn cách. Chẳng hạn trường có 40 lớp thì 1 buổi học có 20 lớp học vào thứ 2-4-6, 20 lớp học thứ 3-5-7 còn buổi chiều sẽ học trực tuyến.

Trong tình hình bắt buộc khai giảng ngày 5-9 hay một ngày nào đó trong tình hình dịch bệnh thì sẽ tổ chức khai giảng trực tuyến, mời một số thành phần dự, đại diện 1 giáo viên, ban giám hiệu, cấp ủy 1 người, công đoàn 1 người, học sinh 1 người... đưa lên trang web để thầy cô, HS và phụ huynh biết thông tin để khởi đầu năm học. Nhưng quả thật cũng rất buồn khi tổ chức một lễ khai giảng như vậy”, ông Phú chia sẻ.

Tuy nhiên, ông Phú cho rằng triển khai học online đã được đề cập nhiều nhưng đây chỉ giải pháp tình thế vì xã hội Việt Nam chưa xây dựng công nghệ giảng dạy. “Thực tế cả mùa hè rồi, học sinh không được nghỉ hè, nếu chúng ta cứ bắt học trò, thấy cô ngồi màn hình, ngày dạy 8-9 tiết, tuần dạy 17 tiết chuẩn, tiết tăng làm sao mà nổi”.

Đó là chưa kể không phải gia đình nào cũng có điều kiện để con học trực tuyến, ví dụ nhà có 2 đứa con cần 2 máy tính không phải chuyện đơn giản, rồi đường truyền internet, rồi phụ huynh còn ở nhà giám sát còn công ăn việc làm sẽ tạo nên các gánh nặng chồng chất nếu không linh động sẽ gây áp lực không cần thiết trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay.

Trong khi đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, dạy học online không phải giải pháp tình thế mà được các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà công nghệ đưa đến phương thức dạy học kết hợp cách dạy học trực tiếp, truyền thống làm cơ hội học tập tốt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ sử dụng nhiều hình thức dạy học online khi dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều người nghĩ rằng đây là giải pháp tình thế.

Nhiều HS lớp 1 bước vào năm học mới đã phải ngồi trước máy tính khiến chúng ta xót xa nhưng tôi quan sát thấy một số trường học làm điều này ở mức khá an toàn, làm với tần suất vừa phải, huấn luyện cho các em làm quen môi trường học trên máy tính.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ khuyến cáo, học trực tuyến không thể làm cứng nhắc mang tính ép buộc mà có liệu pháp để HS làm quen và đảm bảo sức khỏe. Không để các em làm việc thời gian dài 1 tiếng mà cắt nhỏ ra 30-35 phút rồi cho các em nghỉ ngơi kết hợp vận động. Nếu một trường học đảm bảo điều này thì các em nhỏ cũng sẽ học được online tốt.

Hiện nay sự đầu tư hạ tầng, phương pháp dạy học, nội dung dạy học trên nền tảng công nghệ của chúng ta yếu dẫn đến các em không hứng thú, không được giải phóng mong muốn cơ hội học tập trực tuyến. Do đó, cần nhìn nhận người lớn, giáo viên và nhà trường có trách nhiệm cải tổ việc này.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho biết, qua nhiều nghiên cứu, khảo sát và tổ chức hội thảo cho giáo viên và nhà quản lý thấy rằng bức tranh dạy học online của chúng ta rất lỗ chỗ.

"Tôi nhớ cảm giác khi chúng tôi “kick off” khảo sát này với mấy trăm hiệu trưởng chúng tôi buồn thế nào khi nhận thấy hầu hết chúng ta đang ở điểm xuất phát, mới chỉ dùng nền tảng để trình bày được bài giảng chứ chưa có kỹ năng nâng chất lượng dạy học trực tuyến", bà Thơ nhận xét.

Sự thật đó cho thấy tính bị động quá lớn, chúng ta chỉ coi dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế và không hề có sự đầu tư về hạ tầng công nghệ, dữ liệu giáo dục, quản trị. “Khi không có tính hệ thống thì tính lỗ chỗ, tính không đồng đều ở các trường học mới xảy ra”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.

Cần có tiêu chuẩn dạy học online

PGS. TS Thơ cho rằng cần có tiêu chuẩn chất lượng hạ tầng công nghệ cho các trường học để xác nhận dạy học trực tuyến phải là phương pháp dạy học, hình thái dạy học bổ trợ dạy học trực tiếp, phải được đầu tư bài bản nhanh hơn, trong bối cảnh biến động xã hội chứ không trì trệ như trong thời gian qua. Tuy nhiên, đây không phải bài toán của ngành giáo dục mà là bài toán của cả hệ thống.

Riêng ngành giáo dục thời gian qua, tôi thấy khá nhanh, khá tốt khi đã ra được những thông tư về dạy học trực tuyến, điều đó là cơ sở kỹ thuật cơ bản để triển khai, nhưng nó chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ, bởi vì thực tế triển khai dạy học online hay không, phải phụ thuộc hạ tầng, gồm dữ liệu giáo dục, hạ tầng công nghệ, nhân lực - tức là người dạy, người học, người quản lý phải có nhận thức công nghệ và kỹ năng cơ bản thực hiện, chúng ta cần nâng cấp hướng dẫn trở thành tiêu chuẩn bắt buộc đầu tư của các trường học và các địa phương./.

Ngày 4/8 /2021, Bộ GD&ĐT đã ban hành Khung kế hoạch năm học 2021-2022 với các mốc thời gian cụ thể .

- Tựu trường sớm nhất ngày 1/9, riêng lớp 1 từ ngày 23/8/2021.

- Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2021.

- Kết thúc học kỳ I trước ngày 16/1/2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2022 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022.

- Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6/2022.

- Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31/7/2022.

- Thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ.

- Thời gian nghỉ học, tựu trường sớm và kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch.

- Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học; đối với giáo dục thường xuyên có 32 tuần thực học.