Nếu như giảng dạy trực tiếp trên lớp, giáo viên gọi, học trò phải trả lời thì khi dạy học online, thầy trò đều bình đẳng như nhau trước màn hình máy tính. Chỉ cần học trò đổ lỗi cho mạng, mic hay camera hỏng thì những quyền lực “cứng” của giáo viên hầu như biến mất.

Cô Trịnh Thị Hải Duyên, giảng viên Trường CĐ nghề Bách Khoa Hà Nội cho biết thường xuyên gặp trường hợp trong lúc giảng gọi bất chợt 1 sinh viên đến 3-4 lần không trả lời. Đến khi bạn ý được bạn bè nhắn tin thì mới réo lên là: mạng nhà em vừa rớt hay mic em hỏng, rất nhiều lý do. Lúc đó cảm giác thật khó nhịn nổi.

Theo cô Nguyễn Thu, giảng viên Khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dạy và học trực tuyến thời gian vừa rồi là giải pháp mang tính chất tình huống nên cả người dạy và người học chưa có sự chuẩn bị kỹ càng và rất dễ gặp trở ngại tâm lý.

Dạy trực tuyến thầy cô vất vả hơn rất nhiều, vừa phải đảm bảo nội dung bài giảng phong phú, sinh động và thu hút người học lại vừa phải đảm bảo kỷ luật lớp học, đồng thời phải theo dõi tinh thần của người học để có những ứng xử, điều chỉnh cho phù hợp và đồng thời cũng tự điều chỉnh cảm xúc, tinh thần của mình trước mỗi giờ lên lớp.

Khó kiểm soát cảm xúc hơn so với khi dạy trực tiếp

Học trực tuyến sinh viên dễ bị sao nhãng, còn giảng viên cũng khó kiểm soát cảm xúc hơn. Chỉ cần đường truyền yếu hoặc nghe thấy tiếng ồn ào từ môi trường học của sinh viên là đã ảnh hưởng tới tâm lý của giảng viên, dễ gây tâm lý ức chế, mệt mỏi cho người dạy.

Cô Hải Duyên cho rằng trong quá trình giảng dạy không tránh khỏi phát sinh những tình huống như SV có những lời nói, hành vi thiếu lễ độ nhưng đó không phải đa số mà chỉ rơi vào số ít học sinh cá biệt. Tuy nhiên, vì không thể giao tiếp trực tiếp nên rõ ràng giảng viên sẽ khó kiểm soát tình huống hơn.

TS Hoàng Trung Học, trưởng khoa Tâm lý - giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục chia sẻ với những khó khăn mà các thầy cô, các giảng viên đang gặp phải khi dạy online. Theo TS Hoàng Trung Học, dạy học trực tiếp có thể đong đo được cảm xúc, thông qua giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Còn trực tuyến là làm việc qua máy, khó có thể như giao tiếp trực tiếp.

Thời gian qua, giãn cách xã hội gây những căng thẳng lo âu về tâm lý cho cả thầy và trò. Việc học online thường xuyên cũng làm thiếu vắng tương tác giữa con người với con người, cộng với khó khăn khi học trên môi trường trực tuyến nên có thể làm khởi phát những hành vi lệch chuẩn so với việc học bình thường.

Dù tình huống nào cũng cần giữ chuẩn mực sư phạm

Cô Trịnh Thị Hải Duyên, giảng viên Trường CĐ nghề Bách Khoa Hà Nội chia sẻ tình huống dạy học trực tuyến "cô gọi mà trò không trả lời": “Nếu là mình mình sẽ gọi điện vì số điện thoại hoặc “nick” ở đó rồi mình sẽ nhắn tin riêng. Chứ giảng viên mắng chửi sinh viên trước lớp, trước chỗ đông người thì phản ứng của sinh viên sẽ càng tăng lên. Mình phải nắm bắt tâm lý của sinh viên chứ những đối tượng cá biệt như thế mình mà nóng giận không bao giờ đạt hiệu quả cao cả, chỉ phản tác dụng”.

Theo cô Nguyễn Thu, ở lớp trực tuyến nếu xảy ra tình huống sinh viên phản ứng lại thầy cô thì vừa khó lại vừa dễ để kiểm soát. Khó ở chỗ giảng viên khó nhận diện và nắm bắt tâm lý, thái độ của sinh viên. Nhưng dễ ở chỗ chính vì không có tiếp xúc trực tiếp nên có thể tránh được những hành vi bạo lực.

Cô Thu cho biết nếu sinh viên đó chỉ bức xúc vì chưa hài lòng với 1 điều gì đó của lớp học hay với giảng viên thì cô sẽ điều chỉnh trong khả năng của mình và đặc biệt không ngại nói lời xin lỗi với sinh viên, với lớp.

Nhưng nếu sự bức xúc của sinh viên là vô lý hoặc đẩy lên thành những lời nói quá khích thì cô sẽ xử lý theo nội quy lớp học, điều mà cả thầy và trò đều phải tuân thủ. Bởi vì, “lúc đấy nếu cố chấp tranh luận với sinh viên ấy thì cũng không có tác dụng gì, thậm chí chỉ tăng bức xúc và ảnh hưởng tới các sinh viên khác”- cô Thu phân tích.

Người thầy có thể có rất nhiều nỗi lo của gia đình, những mệt mỏi của cuộc sống và cũng không thể hoàn hảo, có thể còn thiếu xót. Tuy nhiên, theo cô Hải Duyên và cô Nguyễn Thu, giáo viên nào khi đứng trên bục giảng cũng đều được học về các kỹ năng xử lý tình huống trong nghiệp vụ sư phạm, cho nên người thầy không thể lấy lý do mình quá áp lực và mệt mỏi mà nóng giận, có lời nói và hành động xúc phạm đến người học.

TS Hoàng Trung Học cũng cho rằng giáo, trong lý luận dạy học đã chỉ rõ, trong mọi tình huống dạy học, thầy cô cần giữ được tâm thế bình tĩnh, giữ được chuẩn mực sư phạm. Nhiều học trò không hiểu được nỗi khổ của thày cô khi dạy trực tuyến, nói mà học trò không nghe, dễ mất cảm hứng dạy học và khó chịu. Nhưng chính thầy cô phải nhận thức điều này và phải kiểm soát tốt cảm xúc của mình.

Thứ hai, khi dạy trực tuyến, nội quy lớp học rất quan trọng. Thầy, trò cần thống nhất nội quy lớp học và thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu.

Với những tình huống sư phạm phức tạp, lời khuyên của TS Hoàng Trung Học là cần hết sức bình tĩnh và kiểm soát phản ứng. Nếu thầy cô cảm thấy không thể bình tĩnh được, thì nên tạm dừng giờ học, tránh phản ứng không phù hợp của mình và của cả học sinh, đặc biệt cần tránh nguy cơ bị công khai hóa những hình ảnh, hành vi không phù hợp. Sự kiện đó thậm chí có thể bị lợi dụng nó để làm mất uy tín, xấu hình ảnh của người thầy.

“Dù trước đó thầy/cô có thể là người tận tâm, luôn hết mình vì học trò, nhưng chỉ vì một số hành vi, lời nói, cách ứng xử chưa phù hợp, bị cảm xúc chi phối mà bao nỗ lực của thầy/cô bị phủ nhận trên mạng xã hội. Thầy/cô cần lưu ý tránh để tránh bị lợi dụng, bị hiểu sai và công khai hóa trên mạng xã hội, cần chú ý làm sao để cái tâm của mình bộc lộ một cách phù hợp, hiệu quả, đúng nguyên tắc, chứ đừng để rơi vào tình cảnh “chờ được vạ thì má đã sưng”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.