Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 diễn ra chiều 18/8, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng tiến trình tự chủ ĐH ở Việt Nam thời gian qua gặp 5 thách thức lớn liên quan đến tài chính ĐH. Nếu không có hệ thống giải pháp đồng bộ thì sẽ giới hạn cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH của một bộ phận không nhỏ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời khiến khiến các trường ĐH chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối nguồn nhân lực trong chiến lược phát triển quốc gia.

5 thách thức cho tự chủ Đại học

Các thách thức trong tiến trình tự chủ theo ông Quân bao gồm:

Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí;

Chính sách cho sinh viên vay còn hạn chế;

Một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ ĐH;

Số sinh viên chọn ngành Khoa học – Kỹ thuật – Công nghệ bao gồm ĐH và sau ĐH càng ngày càng giảm dẫn đến mất cân đối trong lĩnh vực đào tạo ngành nghề;

Đặc biệt, thách thức cuối cùng cũng là thách thức lớn nhất là thách thức về niềm tin của xã hội về giáo dục ĐH. “Có lẽ chưa bao giờ người thầy giáo lại có nhiều tâm trạng, tâm tư như bây giờ”, ông Quân nói.

Từ những thách thức đó, PGS.TS Vũ Hải Quân nêu 3 kiến nghị, đó là:

Tăng đầu tư của nhà nước cho giáo dục ĐH, cụ thể là đầu tư cho con người thông qua các đề tài, dự án. Có lộ trình điều tiết ngân sách nhà nước đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng ngân sách chi thường xuyên sau khi các trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (từ 4-5 năm). Trong trường hợp chưa tăng học phí, nhà nước nên cấp bù ngân sách cho phần chưa được tăng.

Sớm hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật thúc đẩy hợp tác PPP (hợp tác công tư), nghiên cứu chuyển giao công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng, đặc biệt là xây dựng Luật nhà giáo.

Kiến nghị chính sách tín dụng cho sinh viên vay: nên mở rộng đối tượng cho sinh viên được vay, điều chỉnh hạn mức vay, giảm lãi suất, tăng thời gian cho sinh viên vay, nghiên cứu xây dựng, sớm ban hành chính sách tín dụng cho sinh viên vay thương mại.

Kiến nghị về cơ chế đặt hàng đào tạo: Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, dù vận hành theo nền kinh tế thị trường nhưng giáo dục vẫn cần sự điều tiết, cần vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu người học, chuẩn bị nguồn lực trong tương lai gần, tránh khủng hoảng thừa, khủng hoảng thiếu.

Ông Quân đề xuất các ngành nghề được đặt hàng đào tạo gồm các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Văn hóa nghệ thuật và một số nhóm ngành khác như Nông Lâm Ngư nghiệp, Địa chất, Hải dương học.

Theo giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nếu không thực hiện điều này chúng ta sẽ thiếu hụt nhân lực trình độ cao, thiếu hụt nhà khoa học đầu ngành, tiến trình Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa sẽ chậm lại.

“Tài nguyên rồi sẽ cạn, nhân công rồi sẽ già, chỉ có nguồn lực trí tuệ là bền vững. Vận mệnh quốc gia, của dân tộc nằm ở giáo dục. Bản lề tương lai lâu dài của đất nước là giáo dục. Giáo dục là nền tảng của quá trình trẻ hóa, thúc đẩy tiến bộ xã hội, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện con người mang lại hy vọng cho hàng triệu gia đình về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Giáo dục phải được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất. Nếu quốc gia muốn thịnh vượng, ưu tiên phát triển giáo dục, coi việc trồng người là nhiệm vụ cơ bản, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu trở thành đất nước phát triển như mục tiêu của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định”, ông Quân nhận định.

Cần có đánh giá về tự chủ ĐH

Tiếp nối ý kiến của Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng, chúng ta triển khai tự chủ ĐH đã lâu nhưng nhiều trường ĐH được tự chủ còn tình trạng “mối quan hệ giữa Chủ tịch hội đồng trường và Hiệu trưởng chưa mấy suôn sẻ”. Do đó, bà Doan đề nghị Bộ GD-ĐT có đánh giá về tự chủ ĐH.

Theo bà Doan, học sinh tốt nghiệp ít em đăng ký vào các ngành Khoa học cơ bản. Cho rằng đây là nguy cơ, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đề nghị Nhà nước cần phải có chính sách thu hút học sinh vào học các ngành Khoa học cơ bản bằng việc miễn học phí, trao học bổng.

Nếu không nguy cơ nhãn tiền là các nhà khoa học già đi nhưng người mới chưa nổi lên. Theo bà Doan, nếu không có chính sách thu hút học sinh, sinh viên vào ngành Khoa học cơ bản thì về lâu dài sẽ dẫn đến thiếu hụt cán bộ khoa học. Trong khi đó, nghiên cứu cơ bản giúp phát triển đất nước ở mọi ngành.

Bà Doan cũng cho rằng cần đánh giá công bằng giữa giáo dục ban đầu và giáo dục tiếp tục. Bên cạnh việc quan tâm đến giáo dục ban đầu, cần quan tâm đến giáo dục tiếp tục, giáo dục cho người lớn.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cần có cách để thúc đẩy người lớn học tập, tạo cơ hội cho tất cả người lớn học tập, học tập suốt đời. Bà đề nghị các địa phương thực hiện phát động của Thủ tướng Chính phủ, thi đua diệt giặc dốt trong thời kỳ Cách mạng công nghệ 4.0, xóa mù công nghệ, ngoại ngữ. Đồng thời quan tâm đến các thiết chế giáo dục, các cơ sở Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, giúp người lớn tiếp cận với tài nguyên giáo dục mở.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương bảo đảm nghiêm túc, khách quan, sát thực tiễn, làm cơ sở để tham mưu với Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo nhằm tạo đột phá trong đổi mới giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Bộ GD-ĐT nghiêm túc thực hiện Kết luận của Đoàn Giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được về xây dựng Chương trình, thẩm định sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong đó chú trọng bảo đảm điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; công tác cung ứng và giá thành SGK.

Thủ tướng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa cần tiếp tục đổi mới nhưng cũng cần chuẩn mực và ổn định phát triển.

Đồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên. Có giải pháp khắc phục thiếu giáo viên, thiếu trường học ở các vùng sâu, xa, biên giới hải đảo…