Tại phiên họp của Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực thảo luận về dự thảo phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án 2+2 (2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) và được đa số các thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực ủng hộ.

Cụ thể phương án này gồm 2 môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán và hai môn tự chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

Lý do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra và trình chính phủ phương án này nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho gia đình các em và cả xã hội khi so với kỳ thi hiện tại, số môn thi giảm 2, số buổi thi giảm 1. Và phương án này cũng không gây mất cân bằng giữa khối khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên.

Ủng hộ cho phương án 2+2, Bà Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện quản lý giáo dục cho rằng điều quan trọng nhất của việc học tập, thi cử cần phục vụ cho chính nghề nghiệp của các em.

Việc bắt phải thi môn các em không lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp của mỗi học sinh theo bà Thanh Huyền sẽ khiến kì thi mang tính hình thức và các em phải học một cách đối phó. Bà Huyền cho rằng phương án 2+2 phù hợp với nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội.

Những lo lắng nếu chọn phương án 2+2

Trước dư luận cho rằng phụ huynh, học sinh và cả giáo viên lâu nay vẫn tồn tại quan điểm môn chính, môn phụ. Với tâm lý "học để thi", các môn không thi sẽ rất dễ trở thành môn phụ. Nếu chọn phương án 2+2, ngoại ngữ sẽ không được đưa thành môn bắt buộc, không ít chuyên gia, thầy cô và phụ huynh cho rằng sẽ làm mất đi cơ hội phổ cập ngoại ngữ khi các em không tập trung vào học luyện.

Về điều này, bà Huyền cho rằng nguyên nhân vẫn nằm ở tâm lí giáo dục khoa cử tồn tại khá nặng nề từ xưa và đến nay. Theo đó, cứ phải thi học sinh mới sợ để học và bởi thế vẫn bắt buộc thi thật nhiều. Bà Huyền cũng đặt ra giả định học sinh cùng lúc thi cả mười mấy môn hiện đang học liệu có thể giúp chất lượng giáo dục tốt hơn so với chỉ hai môn bắt buộc hay không?

Đổi mới đánh giá, thi cử theo tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018

Vấn đề quan trọng của giáo dục cần tập trung vào việc dạy những gì thực sự thiết thực, sử dụng được trong cuộc sống. Tốt nghiệp chỉ nên coi như một dấu mốc học sinh hoàn thành chương trình phổ thông để bắt đầu một chặng mới như vào đại học hay trường nghề.

“Thậm chí bây giờ, xu hướng du học nghề lại rất cần ngoại ngữ còn các trường đại học hiện nay yêu cầu là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Nhưng đó phải là ngoại ngữ sử dụng được. Tôi cho quan trọng là chúng ta dạy học sinh như thế nào để thành kĩ năng, năng lực ngoại ngữ thực chất, hoàn toàn không phải để đối phó một kỳ thi tốt nghiệp và sau khi tốt nghiệp các con không dùng được”, bà Huyền phân tích thêm.

Trước ý kiến thi ít môn đi sẽ khiến học sinh thiếu quan tâm đến các môn học khác ngoài 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn làm cho mục tiêu phổ cập kiến thức cơ bản ở các lĩnh vực khác nhau trong giáo dục bậc phổ thông khó đạt. Tuy nhiên, bà Huyền cho rằng trong chương trình giáo dục mới, việc đánh giá cần thực hiện chặt chẽ, bài bản suốt cả 12 năm phổ thông. Trong khi tốt nghiệp THPT chỉ dừng ở một kì thi, một bài thi cho mỗi một môn học.

Bộ Giáo dục đã thay đổi quan điểm đánh giá học sinh trong chương trình mới, tập trung vào sự tiến bộ của học sinh, giúp giáo viên điều chỉnh cách dạy nhằm mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực, không phải để đo xem học sinh kém hoặc giỏi ở mức độ nào.

Khi giáo viên bắt đầu dạy chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Bộ Giáo dục đã có những chương trình bồi dưỡng quy mô quốc gia nhằm nhấn mạnh vào kỹ năng giảng dạy, sử dụng phương pháp dạy học, kỹ năng kiểm tra, đánh giá nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. "Tôi cho là cũng phải mất ít nhất 5 năm, những cái mới này mới trở thành những kỹ năng thông thường của giáo viên”, bà Huyền phân tích.

Giảm bắt buộc và tăng tự chọn có thể xem như tư tưởng chỉ đạo và xuyên suốt trong chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nhằm mục tiêu hướng nghiệp phù hợp năng lực sở trường của từng cá nhân học sinh.

Giai đoạn 1 sẽ từ tiểu học đến lớp 6,7 bậc THCS theo hướng tích hợp. Giai đoạn tiếp theo từ lớp 8 đến hết lớp 12 tập trung giáo dục định hướng nghề nghiệp nên mang tính phân hóa rất rõ ràng. Lúc này, các em lựa chọn nghề nghiệp sẽ được định hướng, giới thiệu và được được tư vấn để phù hợp nhất với sở trường năng lực và cả nhu cầu thị trường lao động. Đây được coi như xu hướng tiên tiến của thế giới, Việt Nam đang trên hành trình tiếp cận.

Cần có ngân hàng đề thi chuẩn hóa

Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ngay từ bây giờ, rất cần ngành giáo dục triển khai nhanh và chất lượng ngân hàng đề thi nhằm chuẩn hóa và theo sát với chương trình dạy học phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Bà Huyền cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm công bố đáp ứng mong đợi của phụ huynh, học sinh và của toàn xã hội. Ngoài ra, hãy coi kỳ thi này như một việc bình thường, cần làm thay vì căng thẳng, lo lắng bao trùm khắp các lớp học, nhà trường, gia đình.

“Tôi xin lưu ý việc coi kỳ thi này bình thường nhưng không tầm thường hóa. Phải đúng một bài kiểm tra tiêu chuẩn và đánh giá đúng năng lực, không phải chúng ta lại làm nó dễ dãi quá để cho xong”, bà Huyền nhấn mạnh lưu ý về việc tổ chức thi tốt nghiệp từ năm 2025 dù theo phương án nào.

Chỉ còn 1 năm nữa, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai trọn vẹn ở cả 3 cấp học và kỳ thi tốt nghiệp cho phổ thông năm 2025 đánh dấu lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình phổ thông mới 2018. Việc chốt phương án thi tốt nghiệp sẽ tạo thời gian cho học sinh tìm hiểu và sớm có sự chuẩn bị. Phương án 2+2 nếu được chọn hy vọng sẽ đem lại một tinh thần đổi mới trong việc giảm tải áp lực thi cử, tăng tính tự quyết phù hợp năng lực sở trường nguyện vọng của người học.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV VOV2 với PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền: