Sáng 8/8, tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã diễn ra Lễ Khai mạc Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ 10. Đây là hoạt động khoa học lớn nhất của cộng đồng Toán học Việt Nam, được tổ chức 5 năm một lần. Hội nghị là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, ứng dụng và giáo dục toán học trên cả nước trình bày những thành tựu khoa học của mình trong vòng 5 năm gần đây. Đây cũng là dịp để cộng đồng Toán học Việt Nam, cả trong và ngoài nước, tham gia trao đổi và đóng góp ý kiến về những vấn đề thời sự, cấp thiết đối với sự phát triển Toán học của đất nước.

Năm nay, Hội nghị Toán học toàn quốc lần thứ X diễn ra từ ngày 08-12/08/2023 tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng. Hội nghị đã thu hút gần 1000 đại biểu đến từ các trường, viện nghiên cứu trên cả nước, đặc biệt có 2 đại biểu là nhà khoa học nước ngoài và gần 90 nhà Toán học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài, trong đó có các nhà khoa học hàng đầu như GS. Ngô Bảo Châu, GS. Vũ Hà Văn, GS. Phạm Hữu Tiệp, GS. Đinh Tiến Cường, GS. Phan Thành Nam, GS. Nguyễn Lê Lực,… Một số nhà toán học, giáo viên ở các trường phổ thông, đại học quốc tế tại Việt Nam cũng tham dự và báo cáo tại hội nghị.

Hội nghị với 07 báo cáo mời tại các phiên toàn thể của các nhà toán học xuất sắc người Việt ở trong và ngoài nước, 70 báo cáo mời của các tiểu ban và 432 báo cáo ngắn tại 10 tiểu ban. So với kỳ hội nghị năm 2018, Hội nghị lần này có số tiểu ban tăng thêm từ 8 lên 10 tiểu ban do sự lớn mạnh về số lượng các nhà nghiên cứu và giảng dạy toán học, cũng như sự mở rộng phạm vi nghiên cứu và ứng dụng toán học ở Việt Nam trong nhiều lĩnh vực, cụ thể như khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo. Một số hoạt động nhân Hội nghị toán học toàn quốc cũng sẽ được tổ chức liên quan đến giáo dục toán học, ứng dụng toán học trong chuyển đổi số.

Tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá rất cao sự đóng góp của các nhà toán học cho sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản mũi nhọn có vị trí quan trọng trong sự phát triển của đất nước và lĩnh vực giáo dục đào tạo. Theo Bộ trưởng, ngày nay khi các điều kiện của giáo dục tốt hơn, nền giáo dục hướng đến toàn diện; để cải thiện, tạo ra chất lượng giáo dục cần rất nhiều yếu tố, tuy nhiên vai trò của toán học vẫn là một trụ đỡ hết sức quan trọng và lâu dài.

Trao đổi với các nhà toán học về mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai thực hiện, Bộ trưởng nhấn mạnh: Giáo dục Việt Nam đang chuyển mạnh từ nền giáo dục thiên về trang bị kiến thức sang hướng đến phát triển con người. Có rất nhiều việc phải làm, cần một sự đổi mới có tầm vĩ mô. Trong đó, toán học vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng toán học, giáo dục toán học “cần một phen đổi mới”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các môn học từ Tiếng Việt, Ngữ văn, Lịch sử đều cần đổi mới. Riêng Toán học cần tích cực đổi mới theo hướng phát triển tư duy cho người học, hướng học sinh đem tư duy toán học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, giải quyết những vấn đề phát sinh. Phát triển con người cần hai trụ đỡ quan trọng là tư duy logic và thái độ, tình cảm trong phương diện con người xã hội, con người cá nhân.

"Cho đến nay, giáo dục toán học trong đời thường vẫn đang làm tốt nhưng phải làm tốt hơn. Làm sao để học sinh không thấy sợ toán, học sinh cảm thấy yêu thích môn toán, làm sao để học sinh cảm thấy môn toán là hữu ích cho mình và cần phải học”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. Từ đề cập đến yêu cầu đổi mới của giáo dục toán học, Bộ trưởng mong muốn, trong các nội dung được các nhà Toán học thảo luận tại Hội nghị lần này sẽ có nội dung trao đổi làm thế nào để tiến lên một bước đổi mới giáo dục toán học trong nhà trường.

Giáo sư Ngô Việt Trung – chủ tịch Hội Toán học Việt Nam ghi nhận sự quan tâm của Đảng, của nhà nước, Bộ GD&ĐT với cộng đồng Toán học, đặc biệt là chương trình trọng điểm phát triển Toán học mà đầu mối là Viện nghiên cứu cao cấp về Toán thời gian qua đã tổ chức, kết nối nhiều hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, giáo sư Ngô Việt Trung cũng cho rằng: “Hiện tại tình trạng học sinh, sinh viên không thích học toán và các ngành khoa học tự nhiên sẽ dẫn tới tình trạng nhiều ngành chủ lực không có nhân lực là điều đáng báo động. Nhiều chính sách, nghị định chưa thực sự đi vào cuộc sống. Đặc biệt Toán học là một ngành rất quan trọng đối với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng ta cứ nói về trí tuệ nhân tạo, về khoa học dữ liệu là cái bây giờ rất quan trọng trong tất cả mọi ngành nghề, trong cuộc sống và đằng sau đấy là toán học. Nhưng rất buồn là hiện nay là học sinh, sinh viên là ngại học toán nói là toán là khó. Nếu mà nói về trách nhiệm thì không thể nói là trách nhiệm các nhà toán học mà trách nhiệm ở đây là của Bộ GD&ĐT và vấn đề không phải sách giáo khoa, cũng không phải là giáo trình mà vấn đề quan trọng là phải đào tạo được giáo viên có thể đảm nhiệm được việc truyền bá kiến thức toán học sao cho học sinh hiểu và có thể áp dụng được".

Giáo sư Ngô Việt Trung còn cho rằng xã hội hiện nay hiểu chưa đúng về toán học, họ cho rằng dạy toán là phải dạy dạy những cái gì có thể đem ra mà áp dụng ngay được. Trên thực tế, toán học phổ thông người ta dạy là dạy kiến thức chung để sau này học sinh có tư duy mọi vấn đề trong cuộc sống. Cái quan trọng nhất là rèn luyện tư duy cho học sinh thì đội ngũ giáo viên mới là quan trọng chứ không phải các nhà toán học. Việc xảy ra tình trạng học sinh không muốn học toán nữa, không phải là đấy là lỗi của nhà toán học mà là do chính sách giáo dục của mình thay đổi quá nhiều.

Trong khuôn khổ của hội nghị toán học lần thứ 10, ngoài các báo cáo chuyên đề còn có nhiều hoạt động chuyên môn do Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tổ chức nhằm cung cấp kiến thức phổ cập cho nhà quản lý và hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý, chuyên viên các sở, ban, ngành của Đà Nẵng; sinh viên, học viên sau đại học, giảng viên và nhà nghiên cứu trẻ và những người quan tâm có nền tảng về kinh doanh, tài chính, quản lý, kinh tế cùng với những ngành học liên quan đến toán và tin học của thành phố Đà Nẵng.

Trong khuôn khổ chương trình của tiểu ban Giảng dạy và Lịch sử Toán học ngày 11/8, sẽ diễn ra một buổi tọa đàm về “Giáo dục toán học ở Việt Nam: Những vấn đề cấp bách”, do Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đồng tổ chức. Chủ đề của Tọa đàm sẽ liên quan đến 4 vấn đề quan trọng: Giáo dục toán học ở trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – môn Toán; Giảng dạy toán học ở các trường đại học Việt Nam, đặc biệt ở những trường đại học thuộc các khối ngành khoa học, kỹ thuật và kinh tế; Giáo dục học sinh có năng khiếu toán học ở trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – môn Toán; Nghiên cứu khoa học giáo dục toán học ở Việt Nam.

Hội nghị Toán học Việt Nam lần thứ X diễn ra trong bối cảnh Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 đã kết thúc, và Chương trình giai đoạn tiếp theo (2021 - 2030), đã khởi động được gần 3 năm với những mục tiêu và nhiệm vụ mới.

Cùng với Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020, sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted), và sự quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học của các trường đại học và một số doanh nghiệp, Toán học Việt Nam trong những năm qua đã có những thay đổi cơ bản cả về số lượng lẫn chất lượng.

Thứ hạng Toán học Việt Nam từ vị trí 50-55 thế giới đã được nâng lên ở vị trí 35-40 (xét về số lượng công bố khoa học). Nhiều Khoa Toán ở các trường đại học của Việt Nam đang có những tiến bộ nhanh chóng và đã bắt đầu được xếp hạng ở các vị trí top 300-400 trong số các khoa Toán trên thế giới.

Số lượng và chất lượng nghiên cứu của các giảng viên đại học ở Việt Nam đã có bước nhảy vọt trong 10 năm qua. Công bố trong lĩnh vực các khoa học toán của các trường đại học ngày càng nhiều cả về số lượng và chất lượng. Từ lần trao giải đầu tiên năm 2014 đến nay, đã có 7 nhà toán học được trao tặng giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản xuất sắc.

Một trong những thành công nổi bật nhất là sự ra đời của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán. Với sự đầu tư tập trung và mô hình hoạt động tinh gọn, chuyên nghiệp mang chuẩn mực quốc tế, Viện đã nhanh chóng trở thành một viện nghiên cứu có uy tín lớn trong khu vực, thu hút được nhiều nhà khoa học lớn của thế giới đến làm việc, nhiều nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trở về tham gia hợp tác nghiên cứu và đào tạo với các nhóm nghiên cứu trong nước. Sự tham gia với số lượng đông đảo các nhà toán học người Việt nam đang làm việc ở nước ngoài tại hội nghị toán học toàn quốc lần này là một minh chứng rõ ràng cho sự gắn kết của cộng đồng toán học Việt Nam trên toàn thế giới.

Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào đã đạt được, Toán học Việt Nam đang đứng trước những thử thách mới. Nhiều hướng nghiên cứu cần được tiếp tục cập nhật những ý tưởng mới, thời sự trên thế giới thông qua hợp tác quốc tế, đào tạo nghiên cứu sinh. Nguồn nhân lực các khoa học về Toán chưa thực sự bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ứng dụng toán học ngày càng cao trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sự gắn kết giữa Trường/Viện và Doanh nghiệp cần được cải thiện để thúc đẩy nghiên cứu - phát triển và ứng dụng. Về giáo dục toán học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai, với những vấn đề thực tiễn rất cần được sự tham gia, hỗ trợ của cả cộng đồng trong việc đào tạo giáo viên, đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, kiểm tra đánh giá... Đây là những vấn đề trọng tâm của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021-2030.