Đưa giáo dục quốc tế vào Việt Nam: Linh hoạt cho từng trường
Trường mầm non Happy Time (Hà Nội) tọa lạc trong căn biệt thự ở Hà Đông, Hà Nội. Ngoài các phòng học, ngôi trường này còn có bể bơi, sân chơi trong nhà, sân chơi ngoài trời và thư viện.
Mỗi lớp học tại đây có từ 15-18 học sinh, chương trình học được tích hợp nhiều phương pháp giáo dục tiên tiến, các em được học thông qua hoạt động trải nghiệm, cảm thụ âm nhạc, khoa học, bơi lội được thiết kế đan xen...
Bà Hoàng Thúy Hằng - Giám đốc quản lý hệ thống Trường Happy Time (Hà Nội) cho biết, hiện nay cơ sở này đang ứng dụng linh hoạt các phương pháp giáo dục trên thế giới như phương pháp Montessori (Giáo dục để phát triển toàn diện cho trẻ), phương pháp Reggio Emilia (Trao quyền tự chủ cho trẻ), phương pháp Glenn Doman (Phương pháp giáo dục sớm cho trẻ tại nhà)...
Nhấn mạnh sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện giáo viên, cơ sở vật chất và triển khai các phương pháp giáo dục đối với trẻ em của từng nơi, bà Hằng cho biết, nhà trường xây dựng đội ngũ, huy động điều kiện vật chất hợp lý trong kinh phí cho phép ứng dụng.
“Đơn cử phương pháp Montessori để đầu tư 1 hệ thống giáo cụ 1 giáo viên mất nhiều thời gian, hệ thống giáo cụ thương mại thế giới nhưng kinh phí lớn, có thể là yếu tố chưa phù hợp với các điều kiện mang yếu tố phổ thông của các nhà trường. Tuy nhiên có thể lấy tinh thần, triết lý ứng dụng trên hệ thống học cụ với giáo cụ cho phép ở chi phí hợp lý vừa phải, giáo dục Việt Nam có thể làm được”, bà Hằng cho biết.
Tương tự, Trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên - Trực thuộc trường CĐSP Trung Ương cũng đã ứng dụng các phương pháp giáo dục quốc tế vào giáo dục mầm non từ lâu. Bà Trương Thị Minh Phượng, hiệu trưởng nhà trường đánh giá, mỗi phương pháp có một thế mạnh khác nhau giúp trẻ phát triển thể chất, trí tuệ , cảm xúc.
Theo bà Phượng, áp dụng phương pháp tiên tiến vào giáo dục mầm non đòi hỏi đội ngũ giáo viên yêu trẻ, sẵn sàng học hỏi những phương pháp mới, phải có cơ sở vật chất tương xứng và quan trọng nhất là sự đồng hành của phụ huynh với nhà trường. Trường mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên có 300 học sinh nhưng diện tích khá khiêm tốn với hơn 1000m2 nên áp dụng phương pháp giáo dục quốc tế một lần nữa cần sự linh hoạt.
Nhà trường căn cơ từng phòng một, Các phòng chức năng bày trí sắp xếp phù hợp diện tích nhưng cũng phải đầy ắp nguyên vật liệu mời gọi trẻ hứng thú tham gia hoạt động mới có hiệu quả.
Bà Phượng nhấn mạnh sự quan trọng của sĩ số “vì nếu sĩ số quá đông, các cô giáo sẽ khó tổ chức lớp học và để ý hết từng học sinh. Tuy nhiên nếu vắng quá cũng không tốt vì những phương pháp này cần sự tương tác cá nhân với cá nhân, các nhóm. Do vậy, với Mầm non thực hành Hoa Thủy Tiên mặc dù một một lớp có 20-25 trẻ nhưng các hoạt động được chia làm 2, mỗi hoạt động chỉ từ 12-13 trẻ để phát huy ưu điểm của từng phương pháp.
Vùng khó khăn có khó áp dụng?
Nếu như sĩ số đông là thách thức với các trường mầm non ở thành phố khi ứng dụng phương pháp tiên tiến thì tại các khu vực miền núi, nông thôn, nói đến áp dụng phương pháp quốc tế vào giảng dạy khiến nhiều thầy cô e ngại bởi đầu tư cơ sở vật chất cho các hoạt động này là một hạn chế.
Cô Mai Thị Hà, chuyên viên phòng GD&ĐT huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên cho biết, để triển khai các phương pháp giáo dục tiên tiến ở bậc học mầm non, phòng GD&ĐT đã mời chuyên gia tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên trong 4 ngày. Tổ chức thực hành với học sinh ở độ tuổi 3-4-5. Đến nay, phương pháp giáo dục tiên tiến đang được áp dụng tại tất cả 34 trường mầm non của huyện. Sau khi nắm được phương pháp tổ chức, giáo viên đã tự tin thực hiện.
Theo cô Hà, triển khai phương pháp tiên tiến vào giáo dục mầm non, huyện Đại từ bước đầu gặp nhiều khó khăn vì kinh phí có hạn, việc đầu tư đồ dùng dạy học còn hạn chế. Tuy nhiên, với ưu điểm của phương pháp, các giáo viên đã cố gắng tìm đồ dùng dạy học từ tự nhiên, những nguyên liệu tái chế, giáo viên có thể cùng phụ huynh hỗ trợ các con mang đồ dùng đến các con hoạt động ở lớp. Thậm chí, phụ huynh và học sinh cũng tham gia làm đồ dùng dạy học cho phương pháp giáo dục tiên tiến.
Còn ở huyện vùng cao Mù Cang Chải, Yên Bái mô hình STEM đang được áp dụng tại trường mầm non Thị trấn và Trường mầm non Kim Nọi. Cô Phạm Thị Vân, Phòng giáo dục Mù Cang Chải, Yên Bái cho biết, ban đầu các giáo viên đều trăn trở và mơ hồ về phương pháp tiên tiến. Thế nhưng, cứ làm rồi “cái khó ló cái khôn”.
“Huyện vùng cao chúng tôi ngân sách hạn chế, việc xã hội hóa khó khăn. Do đó, chúng tôi huy động ngày giờ công, cô giáo tận dụng nguyên vật liệu sẵn có địa phương, không nhất thiết phải có thiết bị hiện đại mà chúng ta phải triển khai phù hợp thực tế địa phương. Giáo viên tìm hiểu trên mạng, tự nghiên cứu tài liệu triển khai vào địa phương mình, thực hiện điểm một số lớp một số dự án ở Mù Cang Chải”, cô Vân khẳng định khi tham gia tập huấn về các phương pháp giáo dục quốc tế giáo viên đã xác định hướng đi cho các đơn vị trường.
Dù nhiều ưu việt song khi đưa các phương pháp giáo dục tiên tiến vào giáo dục mầm non đòi hỏi các nhà trường linh hoạt trong triền khai, đòi hỏi đội ngũ giáo viên đầu tư nhiều thời gian tìm tòi, học hỏi để phương pháp tiên tiến thực sự mang lại lợi ích cho học sinh của mình.
Mời nghe nội dung bài viết tại đây: