Trung tá Phạm Cánh Quân, tác giả cuốn “Công an phố cổ”, hiện đang công tác tại Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người không chỉ tham gia vào phá các vụ buôn bán, tàng trữ, sử dụng mà còn trực tiếp đến các trường học giúp các bạn trẻ nhận diện và phòng chống ma túy đã có những chia sẻ cùng phóng viên VOV2 xung quanh câu chuyện ma túy với người trẻ.
Ma túy tổng hợp đe dọa giới trẻ
Phóng viên: Trường học vốn được coi là môi trường an toàn, nhưng ma túy và các chất gây nghiện vẫn tiếp cận học sinh theo những cách khác nhau. Từ kinh nghiệm nghề nghiệp, xin anh chia sẻ cách thức nào khiến ma túy dễ dàng tiếp cận các bạn trẻ?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Hiện nay thời đại công nghệ số 4.0, thế giới mạng rất khó kiểm soát. Các trang mạng đen quảng cáo, hướng dẫn cách sử dụng ma túy hay có cả các đối tượng bán ma túy trên đó. Ma túy dễ mua, dễ sử dụng hơn, ngụy trang dưới nhiều hình thức hơn… Chất gây nghiện ngụy trang qua mặt lực lượng chức năng, là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu, trôi nổi ngoài thị trường
Nhiều loại ma túy mới rất khó nhận biết, phát hiện như nước vui, trà sữa, bùa lưỡi hay như thuốc lá điện tử, shisha có thể tẩm tinh dầu cần sa, cỏ Mỹ. Các đối tượng cho tinh dầu cần sa, hóa chất cỏ Mỹ vào thuốc lá điện tử thì rất khó phát hiện. Nhìn bên ngoài như pod thuốc lá điện tử bình thường nhưng thực chất là sử dụng trái phép ma túy.
Ngoài ra, cỏ Mỹ là lá thuốc lá tẩm hóa chất được các đối tượng đóng gói rất đẹp, màu sắc sặc sỡ. Chúng sẽ cuốn và hút như thuốc lá hay như dùng thuốc lào. Thêm nữa, ma túy, cần sa cũng được dùng dưới dạng cuốn hút cũng là loại ma túy dễ xâm nhập vào học sinh vì khi sử dụng cũng không khác gì hút thuốc điếu.
Phóng viên: Ngoài ra còn những chất gây nghiện nào theo anh cực kỳ nguy hại mà chính các bạn trẻ không ngờ bản thân đã và đang sử dụng?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Một số chất kích thích khác như là Bóng cười (Funkyball) là loại bóng được bơm thêm khí Dinitơ Oxit - N2O. Đây là một chất hóa học không màu, không vị, không mùi. Đây là loại khí có tác dụng rất nhanh và sâu. Ban đầu khí Dinitơ Oxit - N2O được áp dụng trong y khoa để giúp người bệnh giảm căng thẳng, lo lắng, giảm đau và thư giãn hơn. Nó gây ra nhiều rối loạn nếu bạn thường xuyên sử dụng như cảm giác châm chích ở đầu các chi và làm người chơi đi lại loạng choạng, không vững vàng, trí nhớ và giấc ngủ bị rối loạn, nhịp tim không ổn định, huyết áp giảm và xuất hiện tình trạng thiếu máu não. Người sử dụng bóng cười dễ bị phản ứng phụ, thậm chí là mất mạng nếu không ai hay biết và không được sơ cứu kịp thời.
Thứ hai là shisha (Thuốc Lào Ả rập). Tỷ lệ mắc ung thư, tắc nghẽn phổi mãn tính… ở những người hút shisha tăng cao gấp 5 lần so với bình thường. Bởi khi đốt thuốc bằng than sẽ rất độc hại. Các căn bệnh truyền nhiễm như viêm gan, bệnh lao, răng miệng, hô hấp… cũng tăng lên vì nhiều người cùng hút chung một ống hút. Ngoài ra, hút shisha gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, đau đầu, chóng mặt… vì hương liệu trái cây tẩm vào shisha thường là những loại kém chất lượng, gây độc hại cho sức khỏe con người.
Phóng viên: Và như tôi được biết thì ma túy cùng các chất gây nghiện cũng theo thời gian có những thay đổi khôn lường cả về hình dạng lẫn khả năng gây nghiện, thưa Trung tá Phạm Cánh Quân?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Đúng vậy. Việc thay đổi về các loại ma túy, các hình thức sử dụng ma túy ở Việt Nam diễn ra như sau như: Ma túy truyền thống (cũ): Thuốc phiện, Heroin từ năm 1992.
Các loại ma túy mới chủ yếu là ma túy tổng hợp: Từ năm 2000 xuất hiện nhiều loại như thảo mộc Cần sa, thuốc lắc, ma túy đá Methamphetamin, rồi Ketamin năm 2006.
Gần đây nhiều loại từ chế phẩm cần sa như tinh dầu cần sa, bánh lười. Hay nhiều loại ma túy tổng hợp như Nước biển ( nước vui), tem lưỡi ( bùa lưỡi), Bột xoài, bột dâu, trà sữa, , Lá khát,…Đông trùng hạ thảo hay như Socola Chill Max. Các loại cỏ Mỹ từ XLR11, GB, GB+, cho đến ADB Butinaca thời gian vừa qua.
Phóng viên: Từ thực tế công tác, anh nhận thấy độ tuổi nào dễ tìm đến, sử dụng và phụ thuộc chất gây nghiện nhất?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Học sinh, sinh viên tiếp xúc đầu tiên là thuốc lá, thuốc lá điện tử sau đó đến bóng cười, shisha, cần sa, cỏ Mỹ vì nghĩ đó không phải là chất ma túy. Sau đó mới dùng các loại ma túy tổng hợp khác trong bar, sàn nhạc vinahouse, nonstop…
Trước đây có thể từ độ tuổi học sinh cấp 3, đại học nhưng hiện nay do có thêm các loại ma túy cỏ Mỹ mới như XLR11, GB, GB+, ABD Butinaca thì có thể từ học sinh cấp 2 lớp 7, lớp 8…
Phóng viên: Việc cai nghiện ma túy với nhiều người, nhất là người trẻ không đơn giản. Anh có thể chia sẻ những lý do dẫn tới tái nghiện?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Do rất nhiều lý do đã được chỉ ra. Trước hết các loại ma túy mới chủ yếu là ma túy tổng hợp nguy hiểm hơn, do là các hóa chất được điều chế trong phòng thí nghiệm không phải có nguồn gốc từ tự nhiên như thuốc phiện, cần sa, cây coca nên nhiều tạp chất hơn, độc hại hơn… Dùng ma túy tổng hợp sẽ tác động trực tiếp vào thần kinh trung ương nên sẽ dẫn đến bị loạn thần, mất điều khiển hành vi, càng sử dụng nhiều càng ngáo, càng mất tỉnh táo…
Thứ hai là do nhiều loại ma túy mới nên gia đình, cơ quan chức năng cũng khó phát hiện. Khi biết thì đã ngấm sâu rồi.
Thứ ba là do người nghiện không quyết tâm từ bỏ, ý chí kém, bị bạn bè, đối tượng xấu rủ rê lôi kéo.
Truyền thông thay đổi hành vi tốt hơn truy bắt tội phạm ma túy
Phóng viên: Thưa Trung tá Phạm Cánh Quân, công việc của anh ở Đội rất bận, nhất là khi công việc liên quan đến tội phạm ma túy với địa bàn hoạt động rộng, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Có điều gì khiến anh luôn dành thời gian để đến các nhà trường chia sẻ với các bạn trẻ?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Tôi đã làm công tác đấu tranh chống tội phạm 21 năm, điều tra bắt giữ rất nhiều đối tượng, các ổ nhóm, đường dây tội phạm. Trong nghề chúng tôi xác định là công tác phòng ngừa là gốc, công tác đấu tranh là ngọn. Phòng ngừa luôn hiệu quả và giá trị hơn đấu tranh rất nhiều. Hiện nay khi rất nhiều loại ma túy mới xâm nhập vào Việt Nam tôi thấy làm công tác tuyên truyền cho mọi người đặc biệt là giới trẻ là hết sức thiết thực. Tuyên truyền để các em học sinh tránh được việc sử dụng ma túy, làm giảm người sử dụng ma túy tốt hơn công tác bắt giữ xử lý rất nhiều…
Ngoài ra khi đi tuyên truyền tôi phải nâng cao kỹ năng tập hợp hệ thống và trau dồi các kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, xã hội cho bản thân. Đặc biệt tôi rất yêu quý các em học sinh. Khi tiếp xúc với thế hệ trẻ giúp cá nhân tôi vui hơn, giải tỏa các áp lực, vất vả, khó khăn của công tác phòng chống ma túy hiện tại.
Tôi sẽ cố gắng bố trí thời gian hợp lý để viết sách về đề tài ma túy. Mục đích là giúp cho người đọc hiểu được các chất ma túy, tác hại và cách phòng tránh cũng như hiểu được sự vất vả, nguy hiểm của cuộc chiến chống ma túy cực kỳ cam go, quyết liệt và lâu dài. Cuộc chiến này không chỉ của các lực lượng như công an, hải quan, bộ đội biên phòng… mà phải là của toàn xã hội từ gia đình, nhà trường cho đến các cấp, các ngành…
Phóng viên: Trong bối cảnh phức tạp hiện tại, anh có chia sẻ gì với các gia đình và nhà trường trong việc sớm nhìn nhận cũng như hỗ trợ các bạn trẻ không may sa vào các chất gây nghiện, trong đó có ma túy?
Trung tá Phạm Cánh Quân: Gia đình là tế bào của xã hội là quan trọng nhất, bố mẹ dạy con các kỹ năng phòng tránh ma túy, không để bạn bè xấu lôi kéo rủ rê. Tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, tránh trò chơi điện tử, thế giới mạng ảo, không đi đêm về hôm tránh các quán bar vũ trường phức tap.
Nhà trường nên phối hợp với cơ quan công an, cơ quan phòng chống tệ nạn xã hội tuyên truyền cho học sinh sinh viên. Công tác tuyên truyền phải thực tế,thường xuyên liên tục, thiết thực, không giáo điều.
Gia đình và nhà trường phải kịp thời nắm được các dấu hiệu nghi vấn sử dụng ma túy của con em mình như: Sinh hoạt giờ giấc bừa bãi, luộm thuộm, cẩu thả, thức khuya ngủ muộn. Không tập trung vào việc gì cả, học hành chểnh mảng, lực học sa sút. Sức khỏe giảm sút, trí nhớ kém, tinh thần phờ phạc, uể oải. Thêm nữa là việc các em tiêu pha nhiều tiền, không rõ mục đích, thường xuyên tụ tập, đàn đúm bạn bè theo nhóm đặc biệt thích nghe các nhạc EDM, nhạc sàn với cường độ âm thanh mạnh.
Ngoài ra, dấu hiệu rõ nhất là thấy có cất giữ trong người, trong cặp, trong phòng các loại ma túy, vỏ bao đựng ma túy, các dụng cụ sử dụng như ma túy đá là bình, coong, tẩu. Ma túy cần sa, cỏ Mỹ thì là giấy cuốn, điếu hút…
Khi nghi ngờ, cha mẹ hoặc thầy cô có thể dùng que thử nhanh nước tiểu hay thử máu, tóc tại các bệnh viện, trung tâm giám định… Trường hợp phát hiện thì cần hỏi rõ con em tình trạng sử dụng như dùng từ khi nào, loại ma túy gì, hình thức, mức độ sử dụng. Bình tĩnh, động viên, hỗ trợ con tự cai tại gia đình, từ bỏ ma túy hay đi cai tại trung tâm cai nghiện. Giúp đỡ con vượt qua giai đoạn khó khăn.
Riêng với các bạn trẻ cần dũng cảm thừa nhận việc sử dụng ma túy vì càng phát hiện sớm càng dễ từ bỏ. Khi các em kiên quyết từ bỏ, có nghị lực, có ý chí quyết tâm sẽ cai nghiện thành công. Sau khi cai thì cần tham gia học tập, lao động, sinh hoạt lành mạnh sẽ phòng chống việc tái nghiện.
Một điều tôi muốn nhấn mạnh khi nhắc nhở các bạn trẻ. Đó là các bạn không thử sử dụng bất kể các loại ma túy nào kể cả cần sa. Nói không với shisha, thuốc lá điện tử vì có thể các đối tượng cho cỏ Mỹ, tinh dầu cần sa vào dùng cùng. Ngoài ra cần cảnh giác không để bị chuốc rượu say, bị người lạ hòa ma túy vào đồ ăn, thức uống. Nếu có biểu hiện khác thường khi sử dụng phải kiểm tra ngay, báo gia đình và cơ quan chức năng. Sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thể thao, đọc sách nâng cao tri thức… Không sử dụng quá nhiều mạng internet, mạng xã hội, tránh các trang web độc hại. Hạn chế đến các điểm bar, sàn, karaoke, café đèn mờ.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn Trung tá Phạm Cánh Quân!.
Mời các bạn bấm nút nghe trao đổi giữa phóng viên VOV2 với Trung tá Phạm Cánh Quân