Ngày 20/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mới (Chương trình năm 2018).
Các trường Tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch
Theo Bộ GD&ĐT, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 có cách tiếp cận khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành. Đó là chuyển từ Chương trình định hướng nội dung sang Chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ngay sau khi ban hành Chương trình tổng thể và các Chương trình môn học vào ngày 26/12/2018, Bộ GD-ĐT đã triển khai tổ chức việc biên soạn, thẩm định SGK. Việc biên soạn SGK mới được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội và đến nay đã có 05 NXB với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 05 bộ SGK lớp 1, 03 bộ SGK lớp 2, 03 bộ SGK lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng được Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Tất cả các SGK được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.
Để việc triển khai Chương trình, SGK mới đạt hiệu quả tốt nhất, Bộ GD-ĐT đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. Đến nay, đã hoàn thành bồi dưỡng giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cốt cán về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đang triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà, ưu tiên bồi dưỡng 100% giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 6 hoàn thành nội dung bồi dưỡng về thực hiện Chương trình, SGK mới kịp thời trước khi bắt đầu năm học mới.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, sau một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1; khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.
Một số ý kiến chưa thực sự tin vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa
Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, việc biên soạn SGK theo chương trình mới còn gặp nhiều hạn chế từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc in ấn, phát hành.
Tài liệu giáo dục địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng.
Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các trường học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, đặc biệt là cấp tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Bộ GD&ĐT, đây là hạn chế lớn nhất trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các địa phương.
Bộ GD&ĐT cũng cho rằng, trong dư luận xã hội vẫn còn một bộ phận đưa ra một số ý kiến chưa thực sự tin tưởng vào quá trình đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Nguyên nhân cũng được Bộ GD&ĐT chỉ ra là do công tác truyền thông chưa thực sự hiệu quả nên xuất hiện một số ý kiến như: việc chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn nặng so với chương Chương trình 2006; cử tri băn khoăn, bức xúc về sự độc quyền hay có hiện tượng lợi ích nhóm trong việc trong in ấn, phát hành SGK và giá SGK lớp 1 mới cao hơn SGK lớp 1 cũ; phản ánh gay gắt về việc SGK môn Tiếng Việt lớp 1 của NXB Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh (bộ SGK Cánh Diều) có một số ngữ liệu đưa vào sách chưa phù hợp…
Những vấn đề được dư luận đặt ra này đã được Bộ GD-ĐT nghiên cứu nghiêm túc và có những giải pháp bổ sung trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện phù hợp trong thời gian tới.
Đề xuất đưa sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá
Liên quan tới việc triển khai Chương trình, SGK mới trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ đặc biệt chú trọng đến cơ chế, quy trình biên soạn, thẩm định và triển khai SGK theo Chương trình GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá SGK, mở rộng về số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản SGK và nâng cao chất lượng SGK phục vụ tốt nhất cho các đối tượng sử dụng.
Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình đào tạo giáo viên các trình độ; thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm; chỉ đạo các trường sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo lộ trình thực hiện.
Tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng SGK, tài liệu học tập, đặc biệt đối với các em học sinh tiểu học nhằm hiện thực hoá quy định tại Luật Giáo dục 2019 về việc thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ đề xuất và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương đầu tư cơ sở vất chất trường học trong đó ưu tiên các tỉnh, các vùng kinh tế phát triển chậm, có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, các tỉnh thuộc các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số…
Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sớm bổ sung mặt hàng SGK vào danh mục do Nhà nước định giá.