Ngày 24/08, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị Giáo dục đại học năm 2021. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 01 điểm cầu tại Bộ GD-ĐT và khoảng 500 điểm cầu tại các trường đại học và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì Hội nghị.
Năm học 2020-2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đào tạo, tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Hầu hết các trường tại các điểm nóng về dịch COVID-19 đã chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang hình thức dạy học trực tuyến để thích ứng với tình dịch bệnh, đảm bảo kế hoạch và chất lượng dạy học, kiểm tra, đánh giá.
Về công tác tuyển sinh, năm 2020, 2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, trong đó có ban hành Thông tư 16 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non; triệt để ứng dụng CNTT vào công tác tuyển sinh từ đó vừa đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch vừa giảm tối đa thí sinh ảo, kiểm soát tình trạng vượt chỉ tiêu.
Công tác tuyển sinh đã đảm bảo quyền tự chủ tối đa của các cơ sở đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Mặc dù ngày càng đa dạng hóa các hình thức tuyển sinh nhưng hầu hết các cơ sở đào tạo vẫn dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Đặc biệt, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, phần mềm tuyển sinh chung đã đảm bảo tối đa quyền lợi thí sinh, giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, giúp các cơ sở đào tạo thống kê, dự tính được thí ảo để chủ động trong tuyển sinh...
Kết quả tuyển sinh, đào tạo, theo Bộ GD-ĐT, năm học 2020-2021 các cơ sở giáo dục đào tạo đã tuyển sinh, đào tạo gần 413.000 chỉ tiêu đại học chính quy (đạt 89,84%) ; 16.967 chỉ tiêu đại học chính quy, liên thông (đạt tỉ lệ 57,15%); 41,551 chỉ tiêu thạc sĩ (đạt 69,81%); 1.271 chỉ tiêu Tiến sĩ (đạt tỉ lệ 24,93%)…
Năm học 2021-2022, tổng chỉ tiêu đào tạo trình độ đại học, cao đẳng sư phạm Mầm non là 544,565 chỉ tiêu; trình độ Thạc sĩ: 57,063 chỉ tiêu; trình độ Tiến sĩ: 5,536 chỉ tiêu.
Liên quan đến hợp tác, nghiên cứu khoa học, theo số liệu báo cáo của Bộ GD-ĐT, số lượng các bài báo, công bố quốc tế được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI và Scopus của các cơ sở đào tạo ngày một tăng. Nếu như năm 2016 chỉ có 2.107 công bố quốc tế được đăng tải trên các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI thì năm 2020 có 7.502 bài báo được đăng (tăng 69,1%).
Tương tự, nếu như năm 2016 các cơ sở đào tạo chỉ có 4.735 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống Scopus thì năm 2020 có 19.888 bài báo được đăng (tăng 92,4%).
Tính chung trong cả nước, năm 2020 có 10.850 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI và 21.530 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí thuộc hệ thống Scopus.
Đặc biệt, trong năm 2020-2021, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục thăng hạng trên các bảng xếp hạng Quốc tế, trong đó nổi bật nhất là ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội lọt top 801-1000 trường đại học tốt nhất theo bảng xếp hạng QS; Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Bách Khoa Hà Nội lọt top 1001-1201+ trong bảng xếp hạng QS.