Lý do năng lực ngoại ngữ cần cho giáo viên mầm non

Mặc dù không còn quy định yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên mầm non, nhưng đối với cô Nguyễn Thị Trâm, giáo viên lớp 5 tuổi trường Mầm non Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, việc tự phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ của bản thân là điều hết sức cần thiết.

Cô Trâm tự trau dồi ngoại ngữ vì mục đích học tập, nâng cao trình độ, tiếp cận công nghệ thông tin để ứng dụng cho việc dạy học. “Giáo viên mầm non chúng tôi thường sử dụng tiếng Anh cho việc cập nhật CNTT và qua đó khai thác, sử dụng ứng dụng, những phần mềm ứng dụng vào công tác chăm sóc giáo dục trẻ. Có rất nhiều phần mềm, ứng dụng thú vị, có ích cho việc dạy trẻ”, cô Trâm chia sẻ.

Cũng đóng trên địa bàn của tỉnh Hưng Yên, cô Vũ Thị Nga, hiệu trưởng trường Mầm non Trần Cao, huyện Phù Cừ khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc giáo viên mầm non phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ là điều rất cần thiết. Ở vai trò quản lý, cô Nga luôn cố gắng tạo điều kiện để giáo viên của mình có cơ hội tiếp cận với tiếng Anh nhiều nhất có thể. Theo cô Nga, tiếng Anh cơ bản giúp các giáo viên tiếp cận CNTT và áp dụng kho tư liệu dạy trẻ một cách gần gũi nhất.

Tuy vậy, cô Vũ Thị Nga cũng chia sẻ, việc phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ đối với giáo viên mầm non là cần thiết nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì một tuần các cô làm việc 6 ngày, mỗi ngày đứng lớp tới 10 tiếng, áp lực công việc khá lớn, thời gian để tự trau dồi ngoại ngữ không có nhiều.

Nằm ở trung tâm của xã Mường So với 70% là dân tộc Thái, trường Mầm non Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu thường xuyên tổ chức các buổi bồi dưỡng chuyên môn, khuyến khích giáo viên chia sẻ kinh nghiệm của bản thân để nâng cao chất lượng giảng dạy, trong đó lãnh đạo nhà trường cũng luôn quan tâm tới việc phát triển năng lực sử dụng tiếng Anh cho giáo viên dù còn rất nhiều khó khăn.

Cô Vũ Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho rằng xu hướng hiện nay thì việc trang bị ngoại ngữ cho giáo viên rất cần thiết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giáo dục chăm sóc trẻ. Giáo viên sẽ được tiếp cận những phương pháp dạy học tiên tiến thông qua các tài liệu. Đồng thời giúp cho cô giáo sẽ nâng cao được chất lượng chăm sóc giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, tại các điểm trường lẻ của Trường Mầm non Mường So có rất đông học sinh là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, theo cô Mai, dù tiếng Anh cũng cần thiết nhưng thiết thực hơn đó chính là hiểu được ngôn ngữ tại địa phương nơi mình công tác. Xác định điều đó nên những cô giáo người Kinh dưới xuôi lên dạy học nơi đây luôn chủ động học tập ngôn ngữ tại địa phương để có thể chăm sóc các con được tốt hơn.

Trang bị năng lực ngoại ngữ cho giáo viên mầm non

Cô giáo Nguyễn Thị Trâm cho biết tới đây cô và các đồng nghiệp sẽ có điều kiện để phát triển hơn nữa trình độ tiếng Anh của mình vì nhà trường đã có kế hoạch 100% trẻ từ 3-5 tuổi sẽ được tiếp cận làm quen với tiếng Anh. Qua đó thì giáo viên sẽ được bồi dưỡng thêm năng lực tiếng Anh để hỗ trợ các con nhận biết, làm quen được với ngoại ngữ tiếng Anh.

Tuy nhiên theo cô Vũ Thị Nga, Hiệu trưởng trường Mầm non Trần Cao, huyện Phù Cừ, Hưng Yên thì thời gian của giáo viên mầm non eo hẹp, áp lực công việc cao nên nếu có một giáo viên tiếng Anh trong trường vừa dạy các con, qua đó các cô vừa được học là điều rất tốt.

Phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục mầm non dù còn đang gặp nhiều khó khăn nhưng các nhà quản lý và cả giáo viên vẫn đang cố gắng, nỗ lực để nắm vững một công cụ phục vụ cho học tập và giáo dục trẻ.

Mời các bạn nghe chương trình tại đây: