Kiếm được việc làm mình yêu thích, đúng chuyên môn, có thu nhập ổn định và có thể phát huy được khả năng luôn là vấn đề được các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường lao động nhiều cạnh tranh như hiện nay không phải bạn trẻ nào cũng dễ dàng đạt được điều này. Qua Chương trình Hành trang trẻ, anh Lê Tuấn Anh, chuyên gia hướng nghiệp tại Công ty AV Careers giúp các bạn đi tìm “chìa khóa” mở ra cánh cửa cơ hội việc làm.

Nhiều bạn trẻ chưa thực sự chủ động

Theo anh Lê Tuấn Anh, hiện nay có rất nhiều cơ hội để các bạn trẻ có thể tìm kiếm việc làm như trên các trang tuyển dụng, các sự kiện ngày hội việc làm, các chương trình rèn luyện về kỹ năng làm việc hay kết nối với các anh chị trong doanh nghiệp. “Cơ hội không thiếu mà cái thiếu ở đây là sự chủ động của các bạn trong việc tìm kiếm các cơ hội đó, dấn thân và tham gia các cơ hội đó. Một số bạn trẻ vẫn chưa có được sự chủ động trong quá trình tìm kiếm việc làm”.

Sự chủ động hoàn toàn có thể rèn luyện được

Anh Tuấn Anh chia sẻ ba cách rèn luyện sự chủ động.

Thứ nhất, tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động trong trường hay các hoạt động ngoại khóa. Điều này giúp các bạn cải thiện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp tương tác với người khác, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc độc lập.

Thứ hai, sớm tìm kiếm công việc thực tập trước khi tốt nghiệp. Khi thực tập như vậy các bạn sẽ được trải nghiệm làm việc tại một công ty. Bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa, cách làm việc tại nơi công sở như thế nào.

Thứ ba, trong quá trình học, các bạn nên cố gắng tham gia các chương trình hoặc tìm kiếm các cơ hội kết nối với những anh chị trong doanh nghiệp để học hỏi và hỏi đáp các kiến thức từ các anh chị ấy. Hiện nay có rất nhiều anh chị trong doanh nghiệp sẵn sàng dành thời gian để tư vấn cho các bạn sinh viên.

Bằng giỏi hay năng động quan trọng hơn?

Tấm bằng giỏi hay sự năng động ở mỗi sinh viên đều là điều rất quan trọng. Có những công việc họ yêu cầu nhiều hơn về mặt học thuật, lúc đó là tấm bằng rất quan trọng. Tuy nhiên, có những công việc yêu cầu nhiều hơn về kinh nghiệm thực tiễn thì lúc đó những bạn mà có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, các hoạt động ngoại khóa sẽ được coi trọng hơn.

“Cả tấm bằng hay cả sự năng động trong vấn đề tìm việc đều rất quan trọng nên các bạn phải xem mình đang học ngành gì và nhà tuyển dụng đang yêu cầu gì về ứng viên khi họ tuyển dụng để từ đó xây dựng cho mình một hướng đi phù hợp, một lộ trình phù hợp để tìm kiếm được công việc mà các bạn mơ ước”.

Để có thể học tốt nhưng vẫn trau dồi được nhiều kỹ năng thực tế, theo anh Tuấn Anh không phải là điều đơn giản. Nếu bạn dành nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa hay đi làm thêm thì chắc chắn sẽ phải cắt một chút thời gian của việc học.

Hay nếu bạn vừa muốn có thời gian cho việc học, vừa muốn có thời gian cho các hoạt động ngoại khóa thì chắc chắn phải cắt bớt đi một vài thời gian cho các thú vui cá nhân, cho bạn bè, cho gia đình. Tuy nhiên, theo anh Tuấn Anh, điều này chỉ nên thực hiện ngắn hạn. Về lâu về dài cần phải tập trung cho mục tiêu của từng giai đoạn.

“Hãy dấn thân, hãy tìm một công việc thực tập càng sớm càng tốt để các bạn được trải nghiệm môi trường làm việc. Trong quá trình đi làm, đừng sợ thử, đừng sợ sai và hãy cố gắng tìm cho mình một người có thể hỗ trợ, đồng hành với mình, hướng dẫn mình trên con đường đó”, anh Tuấn Anh dành lời khuyên cho những bạn sinh viên năm cuối.

Nghe những tư vấn của anh Lê Tuấn Anh trong Chương trình Hành trang trẻ tại đây: