Chị Bùi Thị Thanh Thủy, hiện đang công tác tại Phòng Sưu tầm trưng bày của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trải lòng về chuyện nghề sau gần 20 năm gắn bó.

Nghề vất vả với những chuyến điền dã

Đối với người làm công tác sưu tầm hiện vật, hoạt động phải làm nhiều nhất đó chính là đi điền dã, đặc biệt đến những vùng sâu, vùng xa bởi vì bảo tàng nơi tiếp cận và thu thập những di sản của chính nơi mà nó được sinh ra và được sử dụng.

Như con ong cần mẫn, cứ nghe đến đâu có thể sưu tầm được hiện vật là chị Thanh Thủy cùng đồng nghiệp lại vội vã lên đường, bất kể nơi đó là bàn làng heo hút hay vùng núi cheo leo. Biết bao mồ hôi, nước mắt và cả những chuyến đi sợ đến thót tim.

“Mình đi vào mùa mưa, vừa trải qua một trận sạt lở. Mình phải vào đồn biên phòng và nhờ một xe u-oát để chở 2 chị em đi ngược lên. Khi xe u-oát đấy đi qua cái rãnh vừa xói thì nó trượt bánh xuống, đường rất bé, một bên là vực sâu. Mình vẫn nhớ như in cái cảm giác là lúc đấy hai chị em nhìn nhau nín thở vì chỉ cảm giác là bây giờ thở một cái thì xe lăn xuống vực”, chị Thủy nhớ lại một chuyến đi lên huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La.

Nắng bụi, mưa lầy hay đường sá xa xôi cũng không ngăn nổi niềm đam mê của những người làm nghề sưu tầm hiện vật. Những chuyến đi như thế đối với chị vừa sợ những cũng vừa là kỷ niệm vui để kể lại với mọi người, kể lại cho thế hệ sau.

“Leo lên những bản rất là cao không có phương tiện thì phải thuê xe ôm. Mà con Min-khờ nó đi qua những tảng đá hộc, nói thật là mình sắp tụt xuống dưới rồi. Nhưng các bạn ấy rất là vô tư bảo: các chị cứ yên tâm không sao cả, cùng lắm là ngã gãy chân gãy tay thôi chứ không ai chết.” Đó là những ký ức rất sâu đậm đối với những người làm công tác sưu tầm hiện vật như chị Thủy. Họ chấp nhận dấn thân vào những nơi rất vất vả, khó khăn. Nhưng có như vậy mới thu thập được những hiện vật có giá trị.

Vượt qua những áp lực về cơm áo gạo tiền

Khi mới bước chân vào nghề cách đây gần 20 năm, với đồng lương rất eo hẹp lại sống ở thủ đô chi phí đắt đỏ, bài toán kinh tế là áp lực đầu tiên. Để có thể trang trải cuộc sống lại vẫn duy trì được niềm đam mê của mình, không có cách nào, chị Thanh Thủy luôn trau dồi chuyên môn để có thể làm thêm các công việc khác.

“Trong bất kỳ lĩnh vực nào kể cả lĩnh vực bảo tàng văn hóa di sản, nếu một người có niềm đam mê, không ngừng học hỏi, tự trau dồi bản thân và có kiến thức chuyên môn vững, họ sẽ nhận được nhiều nguồn thu nhập khác nhau chứ không chỉ ở một nơi đơn vị công tác.”

Nếu như trước kia, những cán bộ như chị Thủy phải làm thêm những công việc bên lề chuyên môn để có thêm thu nhập thì giờ đây họ có thể tự tin hơn với thu nhập từ chính hoạt động chuyên môn.

“Mình phải trở thành đơn vị có thể đi tư vấn, có thể xây dựng những phòng truyền thống, có thể tư vấn làm những bảo tàng khác, bảo tàng ngành, có thể hỗ trợ đơn vị khác với tư cách là chuyên gia.”

Ngành Bảo tàng dù không thể giàu nhưng nghề mang lại giá trị tinh thần rất lớn. “Bởi vì tự bản thân mình mình trải nghiệm rằng bảo tàng là một ngành khoa học, phải nghiên cứu rất nhiều. Nó cho mình tri thức, cho mình sự thích thú vì được khám phá.”

Không có mẫu số chung cho những ai phù hợp với ngành Bảo tàng

Yếu tố để quyết định bạn gắn bó hay thành công trong nghề, đấy là các bạn phải có niềm đam mê và niềm đam mê đó phải được nuôi dưỡng thường xuyên và tích lũy dần dần qua năm tháng.

“Đam mê sẽ giúp bạn tìm cách để vượt qua những áp lực trong cuộc sống, áp lực về kinh tế để có thể tiếp tục nuôi dưỡng và tiếp tuổi theo đam mê của mình”.

Làm ngành Bảo tàng cũng không nhất thiết bạn phải học chuyên ngành về Bảo tàng nhưng những nghiệp vụ cơ bản của bảo tàng ví dụ liên quan các khâu như sưu tầm, kiểm kê, hoạt động trưng bày hay truyền thông trong bảo tàng các bạn cần phải bồi đắp thêm.

“Khi đã các bạn đã chọn đến với nghề bảo tàng thì các bạn phải tự hoàn thiện, từ kiến thức đến kỹ năng, nuôi dưỡng đam mê”.

Cùng nghe thêm những chia sẻ của chị Bùi Thị Thanh Thủy về nghề bảo tàng ở đây: