Sản xuất kỹ thuật số (Digital Manufacturing) là sự tích hợp giữa Công nghệ kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ thông tin, Điều khiển tự động. Nói một cách khác đào tạo nhân lực cho sản xuất kỹ thuật số trong tương lai chính là đào tạo kỹ sư ngành kỹ thuật Cơ điện tử. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng quá trình hội nhập đang đòi hỏi Việt Nam thúc đẩy nhanh chóng phát triển ngành cơ điện tử, hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội việc làm rộng lớn cho ngành học này. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2030, nhu cầu về nhân lực trong ngành công nghiệp cơ điện tử sẽ đạt khoảng 1,2 triệu người.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường cũng như đảm bảo chất lượng đầu ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc áp dụng công nghệ kỹ thuật, phương thức sản xuất và quản trị sản xuất của Nhật Bản, năm 2023, Trường Đại học Việt Nhật mở thêm chương trình đào tạo mới tích hợp kỹ sư thạc sĩ chất lượng cao Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản (Intelligent Mechatronics System and Japanese Manufacturing - EMJM).

Mục tiêu của chương trình

MJM nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra tri thức toàn diện trong lĩnh vực Cơ điện tử, Cơ khí chính xác và vật liệu; Có khả năng tự thích ứng trong bối cảnh công nghệ thay đổi liên tục; Có năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước đặc biệt là các công ty xuất sắc của Nhật Bản tại Việt Nam.

Những điểm NỔI BẬT của chương trình Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản tại Trường Đại học Việt Nhật

Triết lý giáo dục khai phóng, giúp người học nắm chắc kiến thức nền tảng, nuôi dưỡng tính sáng tạo, khả năng tự thích nghi với sự thay đổi liên tục của môi trường và điều kiện làm việc.

Là chương trình đầu tiên tại Trường Đại học Việt Nhật đào tạo kết hợp kỹ sư – thạc sĩ nên tiết kiệm được thời gian, duy trì tính liên tục trong đào tạo (4,5 năm - kỹ sư; 5,5 năm - thạc sĩ).

Chương trình đào tạo tích hợp MJM là chương trình kỹ thuật tiên tiến, liên ngành với 3 định hướng chuyên sâu: Hệ thống cơ điện tử thông minh; Cơ khí chính xác và Kỹ thuật vật liệu. Với cấu trúc như vậy, chương trình đào tạo giúp cho sinh viên sau khi ra trường thích ứng được với môi trường làm việc đa dạng về công nghệ và kỹ thuật.

Triết lý “Monozukuri” – sản xuất theo phương thức Nhật Bản – được áp dụng triệt để, xuyết suốt chương trình. Nhiều học phần được thiết kế và giảng dạy bởi các giáo sư của Đại học Osaka, Nhật Bản. Mô hình đào tạo kết hợp với các doanh nghiệp được triển khai thông qua các Biên bản thỏa thuận với các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam như MITANI SANGYO Co., Ltd., KOGANEI SEIKI Co., Ltd… Do đó sinh viên được trải nghiệm môi trường và phương thức sản xuất ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chương trình trao đổi sinh viên đa dạng, linh hoạt với các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản như Đại học Osaka, Đại học Tokyo…giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm học tập tại đất nước Mặt trời mọc.

Môi trường quốc tế tự do phát triển. Ngôn ngữ chính sử dụng tại trường là: Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Nhật nên sinh viên khi ra trường có nhiều lợi thế, đặc biệt trong các công ty về công nghệ và kỹ thuật của Nhật Bản tại Việt Nam.

Cơ hội việc làm đa dạng và rộng mở

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình Cơ điện tử thông minh và sản xuất theo phương thức Nhật Bản có thể đảm nhiệm các vị trí như: Kỹ sư thiết kế, chuyên gia tư vấn kỹ thuật, vận hành và quản lý hệ thống kỹ thuật, quản lý dự án kỹ thuật.

Cơ hội trở thành nhà nghiên cứu, phát triển sản phẩm về công nghệ, kỹ thuật trong bộ phận R&D của các công ty hoặc trong các Viện, Trung tâm nghiên cứu trong và ngoài nước.

Cán bộ giảng dạy tại các trường đại học về công nghệ và kỹ thuật.

Tiếp tục học lên bậc tiến sĩ tại các trường đại học hàng đầu của Việt Nam và Nhật Bản.

Với tiềm lực và thế mạnh của Trường Đại học Việt Nhật ( Đại học Quốc gia Hà Nội ), Trường hy vọng sẽ bồi dưỡng những nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của xã hội, ngày càng bền vững hơn.