Chọn nghề theo học nhưng vẫn "mơ hồ"
Tốt nghiệp ngành công tác xã hội của một trường đại học, Nguyễn Thị Kim Anh gây bất ngờ cho nhiều bạn bè cùng khóa khi quyết định làm công tác ở một phường của Quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bất ngờ vì với trình độ, kiến thức và cả sự năng động nhiều người nghĩ Kim Anh sẽ ứng cử vào làm việc ở một tổ chức phi chính phủ với mức lương hấp dẫn.
"Mọi người ngạc nhiên thấy mình còn trẻ nhưng đã tham gia Hội phụ nữ mà lại là cán bộ nữa", Kim Anh chia sẻ ít người hiểu được công việc mà cô đang làm.
Khi lựa chọn theo học ngành Công tác Xã hội, Nguyễn Thị Kim Anh đã xác định đây một ngành nghề nhiều gian truân bởi trách nhiệm chính là hỗ trợ nhóm người yếu thế trong xã hội. Công việc vất vả, chiếm nhiều thời gian, công sức trong khi mức thu nhập lại khiêm tốn. Tuy nhiên bạn trẻ này cho rằng, dù làm bất cứ ngành nghề gì hãy bắt đầu công việc của mình từ cơ sở vì học được các ứng xử đối nhân xử thế, những kinh nghiệm sống mà mình chưa biết được và có cơ hội được hỗ trợ nhóm yếu thế như phụ nữ.
Trong khi đó, trong suốt thời gian theo học đại học chuyên ngành công tác xã hội, Nguyễn Trà My đã có ước mơ thi tuyển vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại của một tổ chức phi chính phủ. Thế nhưng sau khi ra trường, Trà My vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Không ít học sinh – sinh viên khi lựa chọn theo học ngành công tác xã hội đã không có sự định hình cụ thể công việc này như thế nào? Cơ hội việc làm trong tương lai ra sao? Sự "mơ hồ" này khiến cho chính những sinh viên như Đinh Thúy Loan, sinh viên trường Đại học Lao động Xã hội lo lắng dù đã học đến năm thứ 4. "Nếu như mình không xin được việc làm đúng với chuyên môn đào tạo thì mình sẽ trở về địa phương xin vào các Sở/ngành nhưng cơ hội đó cũng rất là khó khăn…", Đinh Thúy Lan chia sẻ.
Tiềm năng nghề công tác xã hội
Thực tế, công tác xã hội là ngành rất quan trọng của một xã hội hiện đại mà ở nơi đó những người làm công tác xã hội có vai trò giúp đỡ, hỗ trợ và tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt, gặp khó khăn và khó hòa nhập với cộng đồng. Ở một phạm vi rộng hơn, những người làm công tác xã hội còn có vai trò kết nối, huy động nguồn lực để hỗ trợ nhóm người yếu thế.
Chương trình phát triển công tác xã hội của Chính phủ đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, 60% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, các cơ quan tư pháp, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và đơn vị liên quan thực hiện phân công, bố trí nhân sự làm công tác xã hội, giai đoạn 2025 - 2030, tỷ lệ này phải đạt 90%.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên chủ nhiệm bộ môn Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng nghề CTXH khó thu hút người học vì thực tế, những người làm công tác xã hội tại cơ sở đang hiến dâng sức lực của mình, công sức và trí tuệ của mình giúp đỡ người khác và cái họ được thụ hưởng trong đời sống hội cực kỳ thấp. Vì vậy, Chính phủ sẽ phải dần dần nâng mức thu nhập, đặc biệt là lương cho người làm công tác XH.
Ngoài ra cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác xã hội. Hiện nay nước ta thì có rất nhiều các cơ sở tư nhân làm công tác xã hội, hỗ trợ cho người yếu thế rất hiệu quả. Nhu cầu rất lớn vì vậy đây là điều chúng ta phải tiến tới trong tương lai.
Trong tương lai gần, TS Hồi Loan cho rằng đội ngũ các em sinh viên được đào tạo ngành công tác xã hội một cách bài bản sẽ dần dần dần dần thay thế những người mà đang làm công tác xã hội mà họ vốn dĩ không được đào tạo một cách bài bản trước đây. Nó đòi hỏi thời gian nhất định khi các em sinh viên đó khẳng định được công việc của mình sẽ tạo niềm tin về nghề CTXH.
Theo thống kê nếu như năm 2004 mới chỉ có 1-2 trường đào tạo chuyên ngành công tác xã hội thì đến nay cả nước có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội; có 4 trường đào tạo thạc sỹ, 2 trường đào tạo tiến sỹ công tác xã hội.
Trung bình mỗi năm, các cơ sở đào tạo tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân. Đây được coi là một bước phát triển mạnh mẽ của ngành công tác xã hội, mở đường cho việc chuyên nghiệp hóa các cán bộ làm việc trong lĩnh vực công tác xã hội ở nước ta.
Nghề cần lòng trắc ẩn
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công tác Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội cho rằng ngành công tác xã hội đặc trưng là nghề đi giúp đỡ những người khác, những người yếu thế trong xã hội. Do đó đòi hỏi lòng yêu thương con người, có nhu cầu mong muốn hỗ trợ cho người khác. Người ta bảo đó là lòng trắc ẩn. Cái đó là cơ sở và luôn luôn phải luôn luôn duy trì niềm tin là công việc của mình và mang lại hạnh phúc cho người khác thì đấy là động lực để các em phấn đấu hiến dâng.
TS. Nguyễn Thị Trâm Anh, chuyên gia công tác xã hội cũng đồng quan điểm khi nhấn mạnh, nhân viên công tác xã hội không phân biệt lứa tuổi nhưng điều quan trọng phải thực sự yêu nghề và hiểu nghề. Theo TS Trâm Anh, các bạn trẻ thiếu kinh nghiệm không phải là thách thức, vì các bạn chỉ cần học qua trường lớp, được trải nghiệm hoạt động thực tế sẽ tích lũy được kinh nghiệm mà điều quan trọng ở đây dù lứa tuổi nào thì người làm công tác xã hội phải có lòng trắc ẩn, có lòng say mê với nghề, yêu thương con người…
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Trâm Anh, trong đào tạo ngành Công tác Xã hội, ngoài việc bồi đắp các kiến thức về ngành nghề thì các cơ sở đào tạo cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng thực tế.
Trong đào tạo ngành công tác xã hội thì những kỹ năng hỗ trợ, kỹ năng giúp đỡ đối với những người yếu thế là những kỹ năng rất quan trọng đến những kỹ năng như kết nối các nguồn lực, biện hộ, tham vấn, trị liệu hay là hỗ trợ cá nhân…
Ngành Công tác Xã hội được ví là ngành học của sự gắn kết yêu thương và những nhân viên công tác xã hội có vai trò kết nối và hàn gắn những rạn nứt của xã hội, hướng đến một thế giới công bằng, nhân văn. Vai trò lớn nhưng áp lực cũng lớn đòi hỏi người học phải thực sự là những người hiểu nghề và yêu nghề./.