Người làm nghề thêu- họ là ai?

Nằm sâu trong ngõ Thổ Quan, Khâm Thiên, Hà Nội, tiệm thêu Bích nhỏ bé xinh xắn được bà chủ Lê Thị Bùi tận dụng khuôn viên tầng 1 của gia đình. Không gian nhỏ nhưng nhờ sự xắp xếp khéo léo nên gọn gàng, ngăn nắp, những sản phẩm thêu khách chưa kịp lấy treo dọc tường, nào hoa, chim, cá, linh vật dưới bàn tay tài khéo của bà chủ kiêm nhân viên duy nhất của tiệm hiện lên sinh động, đa sắc trên nền trang phục. Ít ai biết, bà chủ Bùi khuôn mặt đẹp, nụ cười tươi tắn và vô cùng lịch lãm khi hỏi mới biết vốn người làng Cổ Chất, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, làng nghề thêu nổi tiếng.

“Mình rất yêu nghề, từ đời cụ kị tổ tiên đã làm rồi. Ví dụ như bố mình 87 tuổi đã kể cụ bắt đầu thêu từ thời để chỏm, anh trai gần 70 tuổi, chị dâu ngoài 60 tuổi vẫn làm thêu. Nói chung con cháu đều yêu và làm làm nghề thêu hết”. Chị Bùi chia sẻ

Trong khi tất cả anh chị em vẫn duy trì nghề ở làng thì chị Bùi theo chồng lên phố đông đúc bậc nhất, mua căn nhà nhỏ mở tiệm lặng lẽ làm nghề. Vì làm nghề gia truyền, chị được chứng kiến hành trình thăng trầm của nghề thêu tay. Có giai đoạn khi cơm chưa đủ no, áo chưa đủ mặc thì người làm nghề thực sự chỉ có thể bám trụ bằng tình yêu.

Gần đây, khi ngành thời trang phát triển mạnh mẽ, các nhà thiết kế mong muốn đem những giá trị truyền thống vào cuộc sống hiện đại, kéo theo nghề thêu hồi sinh và hơn thế còn phát triển mạnh mẽ.

Nhưng cũng để đáp ứng nhu cầu nhanh, đẹp và phù hợp cuộc sống hiện đại, máy thêu tay ra đời và hỗ trợ người làm nghề như bà chủ tiệm thêu Bích.

Tất nhiên, máy móc chỉ có thể đẩy nhanh tốc độ, còn để có sản phẩm thêu đẹp, có hồn vẫn phải trông vào bàn tay người thợ, vào tư duy thẩm mỹ để phối màu hoa lá, chim muông trên mỗi hình thêu trên vải. Những nguyên tắc làm nghề truyền đời vẫn được giữ như việc dù vội đến mức nào, người thợ vẫn cần giữ đôi tay thật sạch mỗi khi ngồi vào thêu. Chỉ cần tay bẩn hoặc có mồ hôi sẽ khó lòng kéo được sợi chỉ hoặc làm lem vào hình thêu.

Tiệm thêu Bích không giữ nghề, giấu nghề, chị Bùi vẫn nhận học viên đào tạo tại nhà, thậm chí đào tạo miễn phí cho các trường hợp khuyết tật. Là bởi như lời chị Bùi, mỗi sản phẩm thêu ra đời không chỉ đem lại thu nhập mà còn là tác phẩm nghệ thuật gói ghém cảm xúc.

Chính điều này đã hấp dẫn nhiều cá nhân không đến từ làng nghề theo nghề thêu một cách tình cờ. Võ Hồng Vân, chuyên viên Vật lý trị liệu tại một bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh đến với nghề thêu theo một cách đầy bất ngờ.

Dù từ nhỏ đã thích thêu nhưng mãi đến khi dịch Covid-19 bùng nổ, thực thi lệnh phong tỏa toàn thành phố, cuộc sống khép kín trong nhà, chị Hồng Vân phát hiện một khóa học thêu online và đăng kí học trong 6 buổi. Ngay từ khi kết thúc buổi học đầu, chị Vân đem áo, váy cá nhân ra thêu để rồi cảm nhận như mình đã biết làm từ lâu. Những chiếc áo, váy buồn tẻ bỗng trở nên sinh động, có hồn và sinh động chỉ sau vài hình thêu có chủ ý. Một chiếc lá, dăm bông hoa, một chú mèo, con gà trống vươn vai gáy dưới nắng, tất cả hiện lên trên trang phục nhờ màu sắc của chỉ thêu dưới bàn tay khéo léo cùng trí tưởng tượng phong phú của Hồng Vân.

Chụp và đăng vài sản phẩm đăng trên trang facebook cá nhân, chị nhận được lời khen đồng thời rất nhiều người ngỏ ý muốn mua các sản phẩm thêu trên trang phục. Thử làm bán dăm sản phẩm, chị Hồng Vân không ngờ lượng khách ủng hộ đông và ngày một nhiều đến thế. Vậy nên kể cả khi trở lại bệnh viện làm công việc bình thường, chị vẫn duy trì nghề thêu vừa kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa đam mê thêu thùa thuở bé. Dần dần, các đồng nghiệp của chị Hồng Vân cũng tham gia học nghề thêu để rồi làm nên một nhóm chuyên thêu các sản phẩm thời trang cá nhân vào những khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày.

Dù thu hút lượng khách hàng ngày một nhiều nhưng nhóm thêu của chị Hồng Vân chưa bao giờ nghĩ tới việc sẽ sử dụng máy thêu, cứ tỉ mẩn từng chút từng chút, dù chậm nhưng mỗi hình hiện lên trên vải đem lại niềm vui khó tả.

“Nghề thêu đến với mình một cách ngẫu nhiên nhưng thực sự ngắm lại thấy mừng vui khi những họa tiết của đời thực như hoa lá, cây cỏ cứ hiện lên trên vải sống động, giúp trang phục có thêm điểm nhấn và tạo ra nét duyên cho người mặc. Đôi lúc nó xua tan muộn phiền khi nhìn những hình họa nhiều sắc màu của thiên nhiên. Chính những điều này thôi thúc mình tạo nên những sản phẩm thêu tay khác nhau. Mình không phải theo khuôn khổ nào mà cứ theo sự thôi thúc của sáng tạo và dĩ nhiên cần phải hiểu và nắm rõ quy tắc phối màu cơ bản”, chị Hồng Vân chia sẻ.

Nhận phản hồi là những tấm hình của khách hàng khắp cả nước gửi về với những nụ cười, sự hài lòng và cả những lời khen ngợi là niềm vui khó tả, là sự níu giữ những người làm công việc tỉ mẩn và lọ mọ như bà chủ tiệm thêu Bích hay cô kĩ thuật viên vật lí trị liệu Võ Hồng Vân.

Đem cổ điển vào cuộc sống hiện đại, yêu cầu với người làm nghề thêu

Nhà thiết kế thời trang Võ Hà không phải người con của làng nghề thêu, chị đến với nghề thêu từ nhu cầu thực tế đặt ra với công việc. Rất thích đưa những mẫu thêu lên trang phục thiết kế nhưng khi mô tả với thợ thêu và nhận sản phẩm về, chị Võ Hà vẫn chưa cảm thấy thực sự ưng ý bởi chưa có sự hòa hợp giữa hình thêu đậm chất cổ điển với các trang phục hiện đại của ngày hôm nay. Thời điểm 20 năm trước, thông tin mạng chưa phổ biến như hiện nay, nhà thiết kế Võ Hà tự tìm hiểu thông tin, tìm đến các nghệ nhân học nghề theo cách tích lũy từ từ, mỗi lúc một ít, mưa dầm thấm lâu.

Trong suy nghĩ, nhiều người cho rằng trang phục thêu chỉ dành cho người già hoặc trong những dịp rước hội truyền thống. Nhưng với người làm thời trang như chị Võ Hà, nghề thêu của ngày hôm nay vừa cần giữ được truyền thống song cũng phải hài hòa hiện đại. Chỉ màu vẫn vậy song việc phối màu sao cho hài hòa và phù hợp, vừa tôn lên trang phục song cũng lại phải mang giá trị độc lập của một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi đường kim mũi chỉ và màu sắc từ chỉ thêu.

Một thay đổi lớn trong nghề thêu theo NTK Võ Hà nằm ở việc sử dụng máy thêu lắc tay. Đây được xem như một kĩ thuật chuyển giao giữa thêu tay với thêu vi tính khi tốc độ thêu được đẩy nhanh nhưng mặt khác đòi hỏi kĩ thuật cao của người làm nghề trong việc đưa tốc độ máy cũng như phối màu nhuần nhuyễn.

“Thêu tay hoặc thêu lắc tay nếu người làm trình độ cao sẽ cho ra các sản phẩm một chín một mười khi nhìn mặt phải của sản phẩm. Ví dụ một bông hoa đang nở, một giọt sương sẽ chỉ sống động và có hồn nếu người thêu biết sử dụng sợi chỉ chuyển màu tinh tế”. Nhà thiết kế Võ Hà khẳng định.

Việc nhuần nhuyễn kĩ thuật thêu tay sẽ tạo lợi thế để người làm nghề chuyển sang thêu lắc tay. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm cá nhân cũng như quan sát những người làm nghề thêu, chị Võ Hà khẳng định hoàn toàn có thể học và sử dụng máy để thêu lắc tay nếu cá nhân đó thực sự đam mê nghề, có tư duy thẩm mỹ và thêm chút khéo tay. Và với nhu cầu ngày càng cao của xã hội về sản phẩm mặc, người làm nghề thêu hoàn toàn có thể sống bằng nghề. Người làm thêu chắc tay nghề hoàn toàn được đưa ra mức giá cho mỗi sản phẩm thêu của mình. Và người tiêu dùng yêu nghệ thuật sẵn sàng chi trả cho một sản phẩm thêu mang giá trị nghệ thuật cao.

Mời các bạn bấm nút nghe câu chuyện về nghề thêu tại đây: