Việc ra đời Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã và đang tạo ra sức sống mới, quyết tâm mới, động lực mạnh mẽ cho Giáo dục Đại học Việt Nam. Với những chủ trương và quyết sách mạnh mẽ, Nghị quyết 57 tạo ra xung lực và cơ hội lớn cho các cơ sở GD Đại học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược của quốc gia. Ở một số lĩnh vực ngành nghề trọng điểm, nghị quyết thực sự đi vào thực tế đồng hành cùng ngành giáo dục và các trường ĐH, các cơ sở nghiên cứu, các nhà khoa học rút ngắn lộ trình hành động để cán đích. Đây cũng là nội dung cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV2 với PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ GD&ĐT triển khai những hoạt động gì ?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW, Bộ GD&ĐT đã tham gia xây dựng dự thảo Chương trình hành động để tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/NQ-CP. Bộ GDDT và đã khẩn trương xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện NQ 57 của Bộ Chính trị và NQ 03 của Chính phủ trong đó bao gồm 33 nhiệm vụ cụ thể giao cho các vụ, cục của Bộ GDĐT chủ trì để tổ chức triển khai trong toàn ngành. Ngày 06/02/2025, Bộ tổ chức Hội nghị trực tuyến, kết nối với 63 Sở GD&ĐT và tất cả cơ sở GD Đại học, trường cao đẳng sư phạm để quán triệt những nội dung nhiệm vụ trọng tâm.
Phóng viên: Theo Thứ trưởng NQ 57 sẽ hỗ trợ tạo đà thế nào cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, góp phần đẩy mạnh sự phát triển CN hóa- Hiện đại hóa đất nước?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Các cơ sở Giáo dục Đại học đóng vai trò chủ yếu trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bên cạnh đó, các trường ĐH cũng chính là các tổ chức Khoa học công nghệ quan trọng với một đội ngũ nhân lực KHCN đông đảo là các giảng viên đại học và các học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ. Phần lớn các nhà khoa học hiện nay công tác ở các cơ sở giáo dục Đại học, họ vừa làm công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ của Nghị quyết 57 khi được triển khai cụ thể theo Chương trình hành động của Chính phủ và kế hoạch thực hiện của các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo ra xung lực và cơ hội lớn cho các cơ sở GD Đại học đẩy mạnh nghiên cứu khoa học gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược của quốc gia.
Khi gắn đào tạo Đại học với nghiên cứu, năng lực đội ngũ giảng viên và chất lượng đào tạo sẽ nâng lên, đồng thời sẽ giúp triển khai tốt hơn các đề tài nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm khoa học, công nghệ tốt hơn phục vụ CNHHĐH đất nước.
Phóng viên: Để nhanh chóng đáp ứng những yêu cầu và mục tiêu của NQ 57, việc đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng những chương trình đào tạo mới đặc biệt với các công nghệ cao, công nghệ chiến lược là rất quan trọng. Bộ GD& ĐT có sự chỉ đạo thế nào đối với các trường để có thể thực hiện được nhiệm vụ hiệu quả nhất cho những mục tiêu này?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Việc phát triển các ngành công nghệ cao, công nghệ chiến lược đều dựa trên những ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ then chốt. Hầu hết các ngành này đã và đang được đào tạo tại các trường ĐH, trong thời gian tới các chương trình đào tạo cần phải được đổi mới, cập nhật theo các chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó cũng đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng trong đó đặc biệt là sẽ triển khai các chương trình đào tạo tài năng. Các chương trình đào tạo tài năng tập trung và các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ then chốt phục vụ phát triển công nghệ cao, công nghệ chiến lược, gắn kết đào tạo kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ với nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Đề án cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ nhằm thu hút sinh viên giỏi theo học, đồng thời thu hút giảng viên giỏi nhất là những giảng viên ở nước ngoài về tham gia giảng dạy các chương trình tài năng (như đối với các chương trình đào tạo tiên tiến trước đây).
Phóng viên: Để xây dựng những chương trình đào tạo mũi nhọn cần gắn kết giữa 2 hệ thống GD Đại học công lập và tư thục. Vai trò của Bộ GD&ĐT thế nào để gắn kết 2 hệ thống tạo ra sức mạnh tổng thể thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Ngoài việc đầu tư trực tiếp của nhà nước vào các cơ sở GD&ĐH công lập thì các cơ chế, chính sách chung như hỗ trợ phát triển đội ngũ giảng viên, hỗ trợ học bổng, học phí cho người học không có sự phân biệt giữa trường công lập và tư thục.
Hiện nay các trường công lập có thế mạnh truyền thống đối với những ngành đào tạo về khoa học, kỹ thuật và công nghệ, tuy nhiên trong thời gian gần đây một số trường ĐH tư thục như Vinuni, Phenikaa, FPT, ĐH Duy Tân đã quan tâm chú trọng phát triển các ngành này. Bằng nhiều hình thức khác nhau, Bộ GD&ĐT khuyến khích và trực tiếp kết nối, điều phối sự hợp tác, liên kết giữa các trường ĐH trong xây dựng và phát triển CTĐT, triển khai các CT đào tạo tài năng, cùng hướng dẫn NCS triển khai các đề tài NC chung. Đó là hình thức tốt nhất gắn kết các trường đại học nói chung và giữa các trường đại học công lập với các trường đại học tư thục.
Phóng viên: Trong thời gian dài việc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực điện hạt nhân có phần giảm sút. Vậy trong thời gian tới ngành Giáo dục có chính sách gì để củng cố nguồn nhân lực cho lĩnh vực này ?
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn: Yêu cầu của những ngành mới như ngành đường sắt tốc độ cao, điện hạt nhân đều dựa trên những ngành truyền thống. Chúng ta cần những ngành kỹ thuật điện, cơ khí, tự động hóa, hóa học, kỹ thuật hóa học, khoa học vật liệu… Bên cạnh các ngành chuyên sâu về kỹ thuật hạt nhân. Trong phạm vi của Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ triển khai đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nhân lực chất lượng cao cho các ngành này. Vấn đề quan trọng là các bộ ngành phụ trách, như Bộ GTVT đối với đường sắt tốc độ cao, hay Bộ Công thương đối với điện hạt nhân, phải chủ trì xác định, dự báo được nhu cầu nguồn nhân lực (về cơ cấu trình độ, ngành nghề) theo lộ trình.Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT sẽ phối hợp để điều phối việc đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH mạnh nhất trong từng, ngành lĩnh vực đào tạo.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!