Trước những ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất của UBND tỉnh Hòa Bình hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Giáo sư, Phó giáo sư và 300 triệu đồng cho tiến sĩ cam kết công tác trong 10 năm tại trường THPT Chuyên, TS. Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục) cho rằng, xét ở góc độ vật chất, hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 10 năm không phải là khoản hỗ trợ hấp dẫn cho các GS, PGS hay tiến sĩ về công tác tại trường THPT Chuyên. Bởi nếu chia 1 tỷ đồng cho 10 năm thì mỗi năm các GS, PGS được hỗ trợ 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, thực tế tại các trường đại học lớn từ lâu một giảng viên có học hàm GS, PGS mỗi năm được nhận hàng trăm triệu đồng tiền dạy vượt giờ, nghiên cứu khoa học… đã không phải là chuyện hiếm. Do vậy, khó lòng mời được một GS, PGS, thậm chí là tiến sĩ về giảng dạy tại trường THPT Chuyên với mức hỗ trợ khiêm tốn như thế.

“Năm 2021, tỉnh Bắc Ninh cũng có chính sách thu hút GS, PGS, TS về giảng dạy tại trường THPT Chuyên với mức hỗ trợ hàng tỷ đồng nhưng vẫn chưa thu hút được một GS, PGS hay tiến sĩ nào. Với một tỉnh giáp Hà Nội, kinh tế rất phát triển mà còn chưa thu hút được thì với một địa phương miền núi như Hòa Bình, việc thu hút giáo viên có học hàm, học vị càng khó khả thi”, ông Phương nhận định.

Nhưng điều mà TS. Lê Đông Phương băn khoăn nhiều nhất là ở góc độ chuyên môn. GS, PGS hay tiến sĩ là những người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy ở mức độ chuyên sâu rất cao tại các trường đại học, viện nghiên cứu… Trong khi đó giảng dạy ở phổ thông dù là trường THPT Chuyên kiến thức được nâng cao thì vẫn chỉ là kiến thức phổ thông.

“Để dạy được học sinh phổ thông thật tốt người ta cần năng lực khuyến khích, hỗ trợ để học sinh phát huy giá trị năng lực bản thân riêng nhiều hơn là việc dạy chuyên môn. Một GS, TS có thể rất giỏi về hóa phân tích nhưng nếu dạy môn hóa phổ thông có thể sẽ rất nhàm chán khi việc dạy đi, dạy lại mảng kiến thức đó trong một thời gian dài chưa chắc đem lại hiệu quả tốt, thậm chí là còn phản tác dụng”, ông Phương phân tích.

(TS. Lê Đông Phương trao đổi quan điểm về thu hút GS, PGS, TS về giảng dạy tại trường THPT Chuyên trong chương trình 30 phút cùng VOV2 ngày 18/3/2022)

Phân tích sâu hơn vấn đề thu hút giáo viên có học hàm, học vị về công tác tại các trường THPT Chuyên, TS. Lê Đông Phương đặt câu hỏi: “Rút cuộc, các trường THPT Chuyên mang lại giá trị gì cho địa phương khi rất nhiều học sinh giỏi, xuất sắc ở các trường này sau khi tốt nghiệp đều đi du học và công tác, định cư tại nước ngoài.”

“Đến nay, chúng ta chỉ nhìn thấy một số giải thưởng, những tấm huy chương Olympic, bằng khen mà các học sinh THPT Chuyên mang lại nhưng đã ai hạch toán được con số hàng trăm tỷ đầu tư cho trường Chuyên thì địa phương đã nhận được gì về mặt nhân lực? Thực tế, nếu chúng ta hạch toán điều này chắc sẽ mang lại kết quả tệ hơn”, ông Lê Đông Phương đặt câu hỏi.

Từ thực tế này, ông Phương cho rằng, liệu có nên đầu tư bằng mọi giá vào trường THPT Chuyên với những gì tốt nhất mà địa phương có thể có được? Đồng ý rằng việc đầu tư này có thể phát huy được năng lực tư duy, khả năng học tập của một số học sinh nhưng với một địa phương như Hòa Bình điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, một số nơi trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp thì việc bỏ ra một núi tiền đầu tư cho một số học sinh nhất định ở trường THPT Chuyên liệu đã công bằng?

Bàn về nâng cao chất lượng giáo viên ở các trường THPT Chuyên, ông Lê Đông Phương đề xuất thay vì mời GS, TS về giảng dạy thì cần đầu tư bồi dưỡng cho chính đội ngũ giáo viên hiện có. Đồng thời có chính sách thu hút, thi tuyển công bằng đối với những sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc về công tác tại trường.

"Vấn đề mấu chốt là cần giảm áp lực thành tích cho các giáo viên trường THPT Chuyên, giảm áp lực phải có học sinh đạt thành tích tại các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế để giáo viên có thể tập trung vào công tác chuyên môn, nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học", TS. Lê Đông Phương nhấn mạnh.

TS. Phạm Hiệp (Trung tâm Nghên cứu và Thực hành Giáo dục): "Việc thu hút GS, PGS hay tiến sĩ về giảng dạy tại trường THPT Chuyên là không cần thiết và cũng không khả thi. Thực tế, chỉ cần tốt nghiệp đại học là có đủ trình độ dạy học sinh trường THPT Chuyên. Bởi kiến thức trường THPT Chuyên dù có nâng cao thì vẫn là là kiến thức phổ thông. Chỉ có điều nếu giảng dạy ở trường THPT thì cách đặt vấn đề, phương pháp giảng dạy, cách thức kiểm tra đánh giá phải sáng tạo. Nhưng nếu khuyến khích các giáo viên THPT Chuyên tự bồi dưỡng hoặc tham gia học tập nâng cao trình độ tại các trường đại học, viện nghiên cứu để có thể đạt học hàm, học vị GS, TS thì rất cần được khuyến khích."