Trước hết nhìn vào bối cảnh xã hội hiện đại dễ thấy sự chuyển biến rõ nét trong đời sống vật chất. Người ta không cần chờ đến Tết mới được sắm áo mới. Với người trẻ, “Tết trang phục” rơi vào mùa siêu sale của các thương hiệu thời trang hoặc những trang thương mại điện tử. Người ta cũng không chờ Tết mới được thưởng thức bánh chưng, dưa hành, giò lụa.
“Đồng ý rằng bây giờ có nhiều thứ người ta không cần đợi Tết mới có thể thực hiện. Nhưng không khí ngày Tết như việc ra chợ hoa ngắm đào chọn quất, dọn dẹp nhà cửa... thì chẳng bao giờ thay đổi được và luôn đem đến cảm giác thật đặc biệt”, Nguyễn An Khánh, sinh viên năm thứ 2, Học viện Ngoại giao chia sẻ.
Nhưng cũng có một thay đổi trong nhu cầu thưởng thức Tết của nhiều người, đặc biệt người trẻ. Tết không cần, không nên nối dài bằng việc dọn dẹp, nấu nướng cũng như tích trữ quá nhiều. Thông thường, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, có thể chỉ gồm bố mẹ và con cái hoặc cả gia đình nhiều thế hệ khác nhau. Việc suốt cả kì lễ dài và đặc biệt nhất trong năm nếu chỉ chăm chăm chung lo đời sống vật chất hay lúc nào cũng đòi hỏi sự có mặt đông đủ vô hình chung sẽ tạo sự căng thẳng và mệt mỏi.
Với nhiều bạn trẻ, về quê ăn Tết sẽ có rất nhiều nghi lễ, thủ tục khác hẳn ngày thường cũng như cuộc sống đô thị. Những bữa ăn linh đình dọn ra rồi lại cất vào khiến cảm giác no ngấy lúc nào cũng chực chờ, những lời thăm hỏi đầy sự quan tâm kiểu như: “Lương bao nhiêu?”; “Có người yêu chưa cháu?”; “Bao giờ thì cưới?” hay có khi chỉ là “Ôi mày ở thành phố có khi chả nhớ bác đâu nhỉ?”... phần lớn sẽ lại gây ức chế hoặc khó chịu khi vi phạm quyền riêng tư cũng như bị coi là thiếu tế nhị.
Tuy nhiên theo An Khánh, sẽ luôn xuất hiện những câu hỏi xâm phạm riêng tư do văn hóa người Việt coi đây như một sự quan tâm, đặc biệt với con cháu lâu ngày không gặp. Thay vì khó chịu, các bạn trẻ có thể chủ động chia sẻ phần nào những câu chuyện bản thân, những ngả rẽ quan trọng trong học tập, lao động, cuộc sống, không để xảy ra những cuộc “hỏi cung” đầy khó chịu.
Còn với những bạn quê ở thành phố, Tết sẽ thật bình thường nếu chỉ đơn giản được nghỉ dài, tủ lạnh đầy hơn, bữa ăn nhiều lên và thật ngán ngẩm nếu mạng xã hội phủ sóng mà vẫn phải kéo sang nhà nhau chúc tụng.
Cô sinh viên Học viện Ngoại giao cho biết “Cá nhân mình mong muốn các thành viên cũng sẽ có khoảng thời gian quây quần trong dịp Tết. Nhưng mình thường lên kế hoạch và chia sẻ với gia đình là trong khoảng thời gian nghỉ Tết dài này, sẽ có những khoảng nào khoảng nào mình cần được ở trong không gian riêng, làm điều mình yêu thích mà ngày thường vì quá ít thời gian không thể thực hiện được như đi chơi hoặc gặp gỡ bạn bè”.
Thay vì dành tất cả thời gian Tết chỉ để lo các bữa ăn hoặc kéo từ nhà này sang nhà khác chỉ để chúc tụng, cả gia đình có thể cùng nhau du lịch ở một địa điểm nào đó, tận hưởng không khí xuân khác biệt hoặc có khi đơn giản chỉ là ngủ những giấc dài hơn, ít lo lắng hơn cũng là điều nhiều bạn trẻ mong ước vào dịp Tết cổ truyền.
“Với những bạn trẻ buộc phải đi học hoặc đi làm xa nhà hầu như cả năm thì Tết đoàn tụ không gì tuyệt vời hơn. Một chuyến đi xa, đi du lịch cùng cả gia đình sẽ cùng lúc thỏa mãn cả mong ước sum họp và trải nghiệm vùng đất mới của người trẻ”, An Khánh giãi bày.
Bị động, phụ thuộc vào sự sắp đặt từ người lớn cũng được xem như nguyên nhân khiến Tết trở nên kém hấp dẫn với người trẻ. An Khánh cho rằng cùng tham góp vào ý tưởng Tết và được người lớn trao quyền tự chủ phần nào đó trong việc chuẩn bị sẽ làm cho Tết nhấp dẫn hơn với các bạn trẻ.
Những ngày chính của kỳo nghỉ Tết như 30, Mùng 1, Mùng 2, người trẻ sẽ xắn tay, chủ động tham gia các phần việc chung và đoàn tụ với các thành viên trong gia đình. Nhưng có thể những ngày tiếp theo, gia đình cũng cần tôn trọng mong muốn về không gian riêng của con em mình. Các bạn có thể ngủ, nghe nhạc, đi chơi cùng bạn bè để tiếp thêm năng lượng, niềm vui cho những ngày trở lại nhịp học tập, lao động bình thường sau Tết.
Tết Quý Mão này, An Khánh gợi ý việc cả gia đình cùng nhau đi chụp một bộ ảnh theo phong cách trẻ, theo các trend “trở về quá khứ” dạng đóng vai nhân vật để cả nhà có những giây phút “ sống ảo” đầy tiếng cười. Đó không phải những bức ảnh gia đình theo cách thức đầy đủ truyền thống hoặc chỉnh sửa đẹp đẽ, tạo dáng đúng một phong cách năm này qua năm khác.
Những mùa Tết qua đều ít nhiều bị tác động bởi dịch Covid-19 nên đón tết Quý Mão theo phương thức truyền thống gồm sum họp gia đình, đến thăm họ hàng và đi chơi với bạn bè theo An Khánh đáng xem như lựa chọn hoàn hảo.
Mời các bạn bấm nút nghe những trao đổi giữa BTV và bạn trẻ Nguyễn An Khánh: