Kiều bào được đánh giá hết sức thân thương, gần gũi và gắn bó không tách rời khỏi cộng đồng dân tộc Việt Nam. Rất nhiều tình cảm, suy nghĩ của bà con dành cho quê hương, đất nước dành đã biến thành các hoạt động cụ thể như mở các lớp dạy tiếng Việt cho các con em thế hệ thứ 2, thứ 3.

Nhưng thực tế, đời sống ở các quốc gia không thuận lợi cho việc dạy học và duy trì tiếng Việt như trong nước. Các bậc cha mẹ bận rộn mưu sinh, con em người Việt phải học theo những chương trình và bằng ngôn ngữ của các nước sở tại. Chưa kể dạy học tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài còn thiếu giáo trình có thể phù hợp với đặc điểm xã hội quốc gia sở tại, thiếu cả những giáo viên có trình độ và được đào tạo sư phạm.

Trước những khó khăn bộn bề, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho biết ngày 6 tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 14 phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài”, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch thực hiện.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo biên soạn, thiết kế, chế bản in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Năm 2020, tiếp tục tổ chức biên soạn bộ sách học song ngữ Việt Anh cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ năm 2023, ngày 8 tháng 9 hằng năm được chọn làm ngày “Tôn vinh tiếng Việt” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động phong phú nhằm cổ vũ khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài học tập và sử dụng tiếng Việt.

Với rất nhiều nỗ lực cả trong và ngoài nước, việc dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua đã có những tín hiệu vui. Ví dụ như là một vài quốc gia có cộng đồng người Việt đông đúc, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ thứ hai cho con em Việt kiều được học ở trường phổ thông.

Trong nước, theo ông Đinh Hoàng Linh, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đã tổ chức được rất nhiều các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào gồm các giáo viên, tình nguyện viên ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại Hà Nội. Trong 10 năm từ 2013 đã đào tạo được hơn 800 giáo viên, tình nguyện viên, trở thành những nòng cốt hết sức quan trọng góp phần tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở các địa bàn khác nhau.

Các lớp tập huấn thường diễn ra vào tháng 8 hằng năm. Mỗi khóa tập trung khoảng 70 đến 100 bà con người Việt kiều đào tạo về kỹ năng giảng dạy tiếng Việt, bồi dưỡng các kiến thức về văn hóa và ngôn ngữ. Năm 2020, lớp tập huấn buộc phải tạm dừng do dịch Covid 19. Năm 2021, dù dịch bệnh tràn khắp các quốc gia, lớp tập huấn vẫn tổ chức theo hình thức trực tuyến thu hút hơn 400 bà con kiều bào tham gia. Điều này minh chứng về khát vọng đóng góp cho công tác tiếng Việt tại các địa bàn của chính bà con rất lớn, rất đáng quý.

Cũng từ sáng kiến này của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tạo điều kiện cho nhiều hơn bà con kiều bào cơ hội tham dự, mở ra cơ hội phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội, trực tiếp là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức kênh giảng dạy tiếng Việt trực tuyến dành cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài đi vào hoạt động và đang tiếp tục phát huy hiệu quả.

Ngoài ra, các cơ quan trong nước cùng các bộ, ban, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học và nhiều các cơ sở giáo dục khác, các hội đoàn liên quan đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài như Hội Ngôn ngữ học Việt Nam rất quan tâm, nghiên cứu, biên soạn nhiều giáo trình và tài liệu giảng dạy và học tập tiếng Việt cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ sách “Chào tiếng Việt” của tác giả TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh dành cho việc học tiếng Việt của trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài cuối 2023 đã đạt giải A giải thưởng sách Quốc gia lần thứ 6.

“Cá nhân tôi xin gửi lời chúc mừng đến tác giả Nguyễn Thụy Anh với giải thưởng này. Điều lớn hơn, đây giống như một món quà dành cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài khi mang trong đó tâm tư, tình cảm, tri thức, trí tuệ và mang hồn Việt Nam trao gửi kiến thức văn hóa của dân tộc cho bà con ta, trở thành nguồn động lực cổ vũ cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài”, ông Linh chia sẻ cảm xúc trước thông tin bộ sách “Chào tiếng Việt” được vinh danh trong cuộc thi Sách Quốc gia lần thứ 6.

Cùng với đó, ông Linh không quên nhắc tới nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tổ chức cuộc thi biên soạn sách và tài liệu dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài vào tháng 9 năm 2021. Kết quả cũng góp phần làm phong phú thêm nguồn học liệu cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Về lâu dài, ông Linh cho rằng cần tính đến việc chuẩn hóa tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài bằng thi cử và cấp chứng chỉ giống như nhiều ngôn ngữ khác. “Tôi cho rằng là tiếng Việt hoàn toàn có cơ sở để có những tiêu chuẩn đánh giá và tổ chức thi cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài. Làm sao tiến tới có được chuẩn mang tầm quốc tế để người nước ngoài học tiếng Việt hay người Việt Nam tại nước ngoài học tiếng Việt có cơ hội học tập và tham gia các kỳ thi giống như IELTS, TOEIC...trong tiếng Anh. Bởi vì hiện nay không phải chỉ có người Việt Nam ở nước ngoài, bạn bè quốc tế nhiều nước rất thích tìm hiểu tiếng Việt và nghiên cứu văn hóa Việt Nam, chúng ta đã có cơ đồ, có tiềm lực uy tín và vị thế quốc tế”, ông Linh phân tích.

Năm 2024, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài. Có thể kể đến như chương trình tri ân các cá nhân, các gia đình và cộng đồng có đóng góp trong công tác tiếng Việt; Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài

Năm 2023 đã làm rất tốt “Tủ sách tiếng Việt”, đã khai trương tủ sách ở Hung-ga-ri và Nhật Bản, chuyển sách đến nhiều thư viện của cộng đồng các nước như Áo, Bỉ…, cung cấp sách cho các địa bàn vẫn sẽ tiếp tục được triển khai.

"Những năm đầu tiên thực hiện các chương trình hỗ trợ về giảng dạy và học tập tiếng Việt chúng ta vẫn coi bà con là những người được thụ hưởng và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ từ trong nước ra nước ngoài rồi mời bà con về trong nước. Nhưng đã đến lúc chúng ta huy động cả nguồn lực đáng quý của bà con người Việt Nam ở nước ngoài cũng giống như sự ủng hộ của nhân dân trong nước. Bởi vì nhân dân ta dù trong nước hay nước ngoài đều có tình yêu nồng nàn cho Tổ quốc trong việc bảo tồn gìn giữ và phát huy ngôn ngữ dân tộc".

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trò chuyện giữa phóng viên VOV2 cùng ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng vụ Thông tin-Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao: