“Chị sống vào giờ nào vậy?”

Trần Lê Khánh Linh, 26 tuổi, hiện đang là tiếp viên hàng không của Hãng BamBoo Airways. Trước khi trở thành tiếp viên hàng không, Linh là một dancer. Dù đam mê với sân khấu nhưng vũ công là nghề giới hạn về thời gian nên sau 5 năm hoạt động cô quyết định chuyển hướng, lựa chọn thi tuyển tiếp viên hàng không.

“Trước khi làm tiếp viên hàng không, mình nghĩ rằng công việc này khá nhẹ nhàng, chỉ kéo vali lên máy bay làm việc rồi về. Khi vào nghề, khối lượng công việc của một tiếp viên hàng không khác xa tưởng tượng của mình. Bê hành lý, đẩy xe, đôi khi dọn vệ sinh nữa, như vận động viên vậy. Khi đi bay, chúng mình thường trêu nhau, đây là người đàn bà lực điền chứ không phải một cô gái bánh bèo nữa”, Linh hài hước.

Trước một chuyến bay tiếp viên hàng không phải dậy sớm trước giờ bay 3-4 tiếng, chuẩn bị hình ảnh, tài liệu bay, tới công ty tổ chức họp cùng tiếp viên trưởng, kiểm tra chứng chỉ, kiến thức an toàn bay tươm tất mới bắt đầu lên sân bay và nhận tàu bay. Sau khi kiểm tra thiết bị an toàn bay, an ninh đảm bảo tất cả mọi thứ sẵn sàng trong mọi tình huống kể cả tình huống nguy hiểm, lúc đó chuyến bay bắt đầu.

Công việc của tiếp viên hàng không không chỉ đảm bảo an toàn cho hành khách mà còn cung cấp dịch vụ và mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Trên mỗi chuyến bay nội địa, tiếp viên hàng không hầu như không có thời gian để ngủ nghỉ, sau khi hoàn tất phục vụ khách hàng tiếp viên sẽ có suất ăn riêng, nghỉ ngơi, đồng thời kiểm tra khoang khách.

Với những chuyến bay đường dài 12-13 tiếng, tiếp viên hàng không sẽ có khu vực ngủ riêng, mỗi tiếp viên được nghỉ ngơi từ 2-3 tiếng. Đó là lúc tiếp viên hàng không có thể thay quần áo bình thường giống như ngụy trang thành một người khác.

Mỗi tiếp viên hàng không có thể thực hiện 2-4 chặng bay một ngày. Các chuyến bay có thể kết thúc muộn, về đến nhà cũng là lúc thành phố chìm vào giấc ngủ. Linh chia sẻ “một người bạn đã hỏi mình “chị sống vào giờ nào?”, nghe trớ trêu nhưng hoàn toàn đúng về thời gian làm việc của tiếp viên hàng không”.

“Trước khi làm tiếp viên mình là một dancer, môi trường làm việc thoải mái, mở mắt ra chỉ nghĩ đến đi tập và biểu diễn. Khi là tiếp viên hàng không, áp lực lớn nhất là làm quen với môi trường làm việc mới, có người lãnh đạo chỉ huy. Lúc mới đi làm, mình đặt nặng suy nghĩ làm thế nào để không phạm lỗi, không ra sai sót, xử lý công việc hoàn hảo rồi cũng dần quen và tìm thấy niềm vui trong công việc. Mỗi ngày đi làm là một ngày học hỏi, trau dồi kinh nghiệm”.

Tiếp viên hàng không: nghề phải có tâm lý vững

8 năm trước nghề tiếp viên hàng không là điều chị Nguyễn Tường Vy chưa từng nghĩ tới. Khi đang làm lễ tân cho một khách sạn 5 sao, bạn thân của chị “rủ rê” thi tuyển vị trí tiếp viên hàng không. Có sẵn lợi thế ngoại hình và ngoại ngữ nên chị gật đầu thi tuyển với bạn “cho vui”, nào ngờ đỗ và gắn bó với ngành hàng không từ đó. Hiện chị là tiếp viên trưởng của hãng hàng không Bamboo Airways.

Với chị Tường Vy, đón sinh nhật trên máy bay là một cảm giác khó tả và cũng là điều đặc biệt của mỗi tiếp viên hàng không. Bởi, nhân sự tổ bay thay đổi luân phiên chứ không phải cố định nên mỗi lần đi bay là lại làm việc chung với những người bạn mới quen.

Không chỉ khéo léo trong giao tiếp, tiếp viên hàng không phải là những người có sức khỏe và tâm lý tốt để đối mặt với những yếu tố khách quan về thời tiết.

“Trong một lần bay đến Đà Nẵng thì trời mưa bão, cơ trưởng thông báo không thể đáp xuống sân bay. Lúc đó, máy bay rung lắc nhiều. Mình thông báo với tiếp viên hàng không để kiểm tra hành khách đã cài dây an toàn, ngồi vào vị trí ổn định, làm thao tác chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp, đọc phát thanh để trấn an khách và cho khách hiểu chuyện gì xảy ra.

Cơ trưởng cứ khoảng 15 phút gọi cập nhật tình hình, cần thiết sẽ phát thanh phiên dịch cho hành khách đỡ hoảng loạn. Có một vài hành khách sốt rột, lo lắng, có hành khách nắm chặt tay vợ, có người vò đầu bứt tóc nhìn tiếp viên hàng không. May mắn bay vòng một hồi máy bay cũng bung càng đáp xuống sân bay Đà Nẵng.

"Lúc đó, hành khách vỗ tay, mình rưng rưng nước mắt cảm giác như hoa hậu đăng quang”, chị Tường Vy kể về một khoảnh khắc đáng nhớ trong 8 năm làm nghề.

Bù lại, tiếp viên hàng không có những “đặc quyền” không phải ai cũng có. Trần Lê Khánh Linh cho biết, trước đây cô rất ít đi du lịch nhưng sau 2 năm làm tiếp viên hàng không thì đã đi đến hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam, đi ra các nước trên thế giới, Hàn Quốc, Nhật Bản, xa hơn là châu Âu Anh và Đức”.

Tiếp viên hàng không đang là nghề có thu nhập hấp dẫn và cạnh tranh cùng với bảo hiểm y tế 24/7. Theo chị Tường Vy, tại hãng hàng không Bamboo Airways mức thu nhập tiếp viên hàng không là 21 triệu đồng trở lên, tiếp viên trưởng 32 triệu đồng trở lên. Đây là mức tính dựa trên 70 giờ bay.

Tuy vậy, thu nhập của tiếp viên hàng không dựa vào giờ bay nên cũng không thể so sánh giữa các tiếp viên và các hãng với nhau. Ngoài ra hãng còn có những ưu đãi khác như chính sách miễn phí vé máy bay và chế độ nghỉ dưỡng 5 sao cho bản thân và gia đình.

Lộ trình đào tạo tiếp viên hàng không ra sao?

Theo chị Tường Vy, tiếp viên trưởng hãng hàng không Bamboo Airways, tiêu chí tuyển dụng với tiếp viên hàng không chưa có kinh nghiệm, độ tuổi 18-30, chiều cao 1.60m với nữ 1.70m với nam, tầm sải tay 212 cm. Sức khỏe đáp ứng yêu cầu theo trung tâm y tế hàng không được Cục hàng không chứng nhận, tốt nghiệp THPT trở lên, ngoại ngữ bằng chứng chỉ Toeic tối thiểu 500, chứng chỉ Ielts 5.0 và có ngoại ngữ 2 là một lợi thế.

Khi nhận được thông báo trúng tuyển, công ty sẽ sắp xếp cho nhân sự mới một buổi đi khám sức khỏe tại Trung tâm y tế hàng không, đạt yêu cầu mới bắt đầu quá trình huấn luyện 2 tháng gồm các môn: an toàn bay, an ninh, sơ cấp cứu, tự vệ, kỹ năng giao tiếp, các môn dịch vụ và kỹ năng phục vụ trên chuyến bay... Tất cả các môn đều học bằng tiếng Anh.

Tiếp đó, tiếp viên hàng không sẽ có một buổi kiểm tra miệng 1 – 1 với thầy cô. Vượt qua buổi kiểm tra này sẽ bắt đầu kiểm tra thực hành bơi, nhảy cầu phao, đóng mở cửa máy bay và thực hành thoát hiểm cho hành khách trong tình huống khẩn cấp.

“Vượt qua kỳ thi thực hành, các bạn đi thực tập trên chuyến bay như tiếp viên hàng không, đi 6 chuyến và một chuyến kiểm tra cuối cùng để thả đơn chính thức trở thành tiếp viên hàng không”, chị Tường Vy cho biết.

Ngoài ra, mỗi năm tiếp viên hàng không có những kỳ huấn luyện định kỳ 12 tháng/lần, học hết tất cả các môn, thi thực hành tất cả các môn mình đã học ban đầu.

Nghe chia sẻ của các tiếp viên hàng không tại đây: