Phóng viên: Thưa ông, chúng ta có thể nhìn thấy gì từ cuộc tranh luận hiện nay giữa 2 cơ quan Chính phủ trong việc cấm hay quản lý thuốc lá điện tử?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Trước hết tôi phải nói ngắn gọn về sản phẩm thuốc lá mới này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gọi đây là các sản phẩm “nicotine và thuốc lá mới”. Vì trong một số sản phẩm sử dụng nicotine tổng hợp không liên quan gì đến cây thuốc lá và cũng không có sợi thuốc lá như truyền thống cả.
Có 2 loại sản phẩm mới mà chúng ta gọi là thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Thuốc lá điện tử dùng dung dịch nicotine và được nung nóng bằng pin. Còn thuốc lá nung nóng cũng dùng sợi thuốc lá nhưng dùng pin làm nóng thanh kim loại và nóng sợi thuốc. Thời gian gần đây còn có dạng sản phẩm lai trong đó vừa có dung dịch nicotine và vừa có cả sợi thuốc lá.
Nếu như sản phẩm thuốc lá truyền thống tác hại lâu dài, các căn bệnh đã được nghiên cứu nhiều, thì với các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới này cho thấy nó gây nguy hại cả về dài hại và ngắn hạn.
Cụ thể về dài hạn, khoa học đã chứng minh có những chất độc có thể gây bệnh tim mạch, hô hấp, ung thư trong khói tỏa các sản phẩm này.
Còn tác hại ngắn hạn có thể kể đến như là tổn thương phổi cấp. Nhiều bạn trẻ hút thuốc lá điện tử một thời gian sau thấy khó thở, nhập viện thì khi chụp phổi thấy trắng đi. Và có nhiều em điều trị không khỏi.
Theo số liệu như ở Mỹ, đã có 2.800 ca nhập viện và 68 ca tử vong do hội chứng tổn thương phổi cấp gây ra.
Ngoài ra, pin trong thuốc lá điện tử có thể lỗi gây cháy nổ, chấn thương, có em bị nổ pin làm vỡ xương hàm. Và tại Mỹ, theo ước tính trong 2 năm có hơn 2.000 ca chấn thương do nổ pin phải vào viện cấp cứu.
Bộ Công An nước ta cũng đã có báo cáo về việc trộn ma túy vào dung dịch thuốc lá điện tử khiến nhiều em phải nhập viện sau khi sử dụng.
Với đặc tính gây nghiện nhanh, hấp dẫn giới trẻ, tôi thấy cần hết sức quan tâm và ngăn chặn kịp thời thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Qua phiên thảo luận tại Quốc hội vừa qua tôi đồng tình với quan điểm Bộ Y tế và thấy đây là ý kiến có trách nhiệm, mạnh mẽ bảo vệ giới trẻ. Chúng ta thấy rất rõ đây là sản phẩm có hại, cần phải được ngăn chặn kịp thời.
Phóng viên: Qua quan sát thì những bằng chứng mà Bộ Y tế đưa ra, theo ông, liệu đã đủ thuyết phục?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Tôi được tiếp cận báo cáo toàn văn của Bộ Y tế và được theo dõi Bộ trưởng báo cáo ngắn gọn tại phiên giải trình của Quốc hội vừa qua.
Tôi thấy, Bộ Y tế đã có báo cáo toàn diện, khoa học, kỳ công và có trách nhiệm.
Báo cáo đưa ra tác hại của thuốc lá điện tử và cũng nêu kinh nghiệm quốc tế. Việc quản lý sản phẩm mới này rất khó khăn vì hiện Việt Nam chưa có phòng thí nghiệm, chưa có người vận hành để thử nghiệm sản phẩm. Bởi để quản lý được thì ít ra phải thử nghiệm. Bây giờ thử nghiệm cũng chưa làm được thì quản lý thế nào.
Ngoài ra, sản phẩm thuốc lá thế hệ mới thay đổi liên tục, cho phép người dùng thay đổi về pin, hàm lượng nicotine, cho thêm các chất vào thì sẽ rất khó để quản lý.
Và trên thế giới chưa có nước nào quản lý được thành công các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới này, nghĩa là chưa nước nào có thể ngăn được giới trẻ sử dụng sau khi cho phép sử dụng và ban hành các biện pháp quản lý.
Hiện có khoảng 40 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 18 quốc gia cấm thuốc lá nung nóng.
Như vậy, từ bằng chứng về tác hại, thách thức về năng lực và kinh nghiệm quốc tế, Bộ Y tế đề xuất cấm là có trách nhiệm. Tôi thấy rất đáng hoan nghênh.
Phóng viên: Chúng ta có thể thấy các giải pháp như tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên, giáo dục từ trong nhà trường và cả gia đình đều tỏ ra kém hiệu quả. Và thực tế này cho thấy, cấm từ nguồn cung xem ra là giải pháp cần thiết?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Việc tuyên truyền, giáo dục chúng ta vẫn nên thực hiện nhưng quả thực việc quản lý từ cha mẹ và nhà trường đều không khả thi. Cần các biện pháp từ cơ quan nhà nước.
Việt Nam chưa cho phép lưu hành thuốc lá điện tử nhưng nhiều sản phẩm vẫn được đưa lậu vào thị trường. Cũng vì chưa có qui định cấm nên chưa giao cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm và chưa có chế tài nên cơ quan chức năng chỉ xử lý theo hình thức hàng buôn lậu và các trường hợp phát hiện có pha trộn ma túy. Chưa có chế tài cụ thể nên việc thực thi không hiệu quả.
Tôi mong là qua phiên giám sát, Chính phủ, Quốc hội cũng nhận thấy nguy cơ và sự cần thiết ban hành quy định cấm cụ thể, cơ quan nào quản lý, cơ quan nào thực thi và các chế tài cụ thể thì sẽ hiệu quả.
Phóng viên: Nhìn từ quan điểm của Bộ Công thương cho rằng: vẫn cho lưu hành thuốc lá điện tử nhưng có sự quản lý. Những dữ liệu hiện nay để minh chứng cho quan điểm này dường như chưa nhiều, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Trong cuộc họp tôi chỉ được nghe Bộ Công thương trích dẫn Nghị định 106 từ năm 2017 rất cũ rồi, là giao cho Bộ này nghiên cứu biện pháp quản lý, thì Bộ vẫn cứ đề xuất như vậy.
Nhưng tôi thấy thực ra, nếu quản lý theo cách nào thì Việt Nam cũng không giỏi hơn thế giới được. Vì thế giới họ cũng rất muốn quản lý, họ cũng có nhiều nguồn lực và rất có năng lực.
Nhưng tại Mỹ, khi họ cho phép quản lý, từ năm 2017 đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá thế hệ mới tăng từ 11% lên 27%, nghĩa là tăng quá nhanh. Mà họ rất giỏi về máy móc, con người, nguồn lực.
Còn tại Anh từ năm 2015 đến năm 2021 tỷ lệ này tăng từ 10% lên 21%. Tại Australia, dù rất cố gắng quản lý là chỉ bác sỹ kê đơn mới được dùng và cấm sản phẩm thuốc lá điện tử có nicotine trên thị trường. Nhưng sau đó trên thị trường lại xuất hiện rẩ nhiều sản phẩm dán nhãn là không chứa nicotine, và giới trẻ tại đây vẫn tìm cách sử dụng sản phẩm có chứa nicotine và họ cũng thất bại trong việc kiểm soát và ngăn ngừa sử dụng trong giới trẻ.
Thực tế, chưa có quốc gia nào cho phép quản lý mà lại ngăn ngừa được giới trẻ bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử. Việt Nam đâu có thể giỏi hơn thế giới?
Vì thế Bộ Công thương chưa đưa ra bằng chứng có thể thuyết phục về quản lý cũng là đúng thôi.
Một khía cạnh nữa, nếu nói là quản lý, vậy thì trên thị trường sẽ xuất hiện cả sản phẩm hợp pháp và hàng lậu, nó sẽ bị trà trộn và chúng ta rất khó kiểm soát. Chẳng hạn tôi có giấy phép mua 100 sản phẩm nhưng tôi bán hàng ngàn sản phẩm không có giấy giờ. Rất khó để quản lý.
Còn ban hành lệnh cấm thì sản phẩm nào bị phát hiện cũng là sản phẩm vi phạm hết, đều có bắt giữ và ngăn chặn. Như vậy sẽ hiệu quả.
Phóng viên: Nhóm đối tượng chính sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên – đây là nhóm kinh tế phụ thuộc vào gia đình, vì thế, có lẽ là không thỏa đáng nếu chúng ta đặt ra câu chuyện giá trị ngành hàng sản xuất ở đây?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Tôi thấy sẽ là vô đạo đức khi cho lựu hành 1 sản phẩm rất có hại để lấy tiền của các em trong khi số tiền đó là để các em mua thức ăn, hay là khát thì để uống nước. Nhưng bây giờ bị cuốn hút mua các sản phẩm độc hại này, chưa kể kẻ xấu trộn ma túy vào có thể gây nghiện.
Tôi thấy việc đó sai trái và không có đạo đức.
Phóng viên: Thực tế xã hội đang hết sức thúc bách để những quyết sách dù theo hướng nào cũng cần phải làm ngay, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Lâm: Tôi cũng đồng ý như vậy, nhưng tất nhiên phải là một quyết sách tốt, cấm các sản phẩm này. Trên thực tế tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang tăng rất nhanh. Điều tra năm 2019 do WHO hỗ trợ thì chỉ có 2,6% tỷ lệ người dân được hỏi hút thuốc lá điện tử thôi, nhưng điều tra của bộ Y tế gần đây tại 11 tỉnh thì đã xấp xỉ 8% rồi. Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh.
Vì thế, cần phải hành động sớm. Nếu chúng ta cứ thả lỏng thì sẽ có một thế hệ trẻ nguy cơ bị nghiện nicotine và thậm chí là nghiện ma túy trộn vào thuốc lá điện tử, chưa kể là tác hại ngắn hạn và dài hạn sẽ trở thành gánh nặng rất lớn cho các em, gia đình và toàn xã hội. Các nhà hoạch định chính xách đã nhìn thấy xu hướng. con đường đi như vậy mà không hành động thì rất không đúng.
Tôi mong qua phiên giám sát này tạo thêm động lực từ Chính phủ, Quốc hội có hành động kịp thời để ngăn chặn thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng.
Chúng ta đã có những điểm thực thi tốt như bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lái xe hay cấm uống rượu khi lái xe.
Mong Chính phủ quyết tâm dành ưu tiên để bảo vệ giới trẻ, tương lai của Việt Nam.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 13/5/2024 về tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Để tăng cường kiểm soát, ngăn chặn kịp thời tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế thông tin, giáo dục, truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với đơn vị, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý; Nghiên cứu, đề xuất ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành giải pháp quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu qua cửa khẩu, khu vực địa bàn kiểm soát của Hải quan, xác lập các chuyên án đấu tranh đối với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; Bộ Quốc phòng chỉ đạo bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới, các đường mòn, lối mở để kịp thời phát hiện và xử lý các đối tượng buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình, xác lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng đầu nậu, buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử để khởi tố, truy tố trước pháp luật; Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý thị trường nội địa, thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhập lậu.
Xin mời nghe cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO):