Tại Hội nghị Giáo dục Đại học năm 2024 diễn ra sáng 9/8, đề cập công tác tuyển sinh đại học, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong những năm qua, công tác xét tuyển giữ ổn định khi không có sự thay đổi quy chế tuyển sinh; những điều chỉnh về mặt kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh và hướng tới mục tiêu đảm bảo khách quan, công bằng, bình đẳng, giúp tiết kiệm nguồn lực xã hội, đồng thời đánh giá đúng năng lực của thí sinh vào các ngành đào tạo, ngày càng minh bạch hơn về nguồn tuyển và chất lượng nguồn tuyển.
Đặc biệt, việc ứng dụng triệt để công nghệ thông tin đã cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển theo ngành/chương trình đào tạo, không theo tổ hợp và phương thức xét tuyển đã đơn giản hóa nhiều quá trình đăng ký của thí sinh.
Việc đăng ký xét tuyển, nộp lệ phí xét tuyển thực hiện hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Ban chỉ đạo quốc gia phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học, 2 nhóm trường (56 trường phía Bắc; 87 trường phía Nam) và các trường xử lý nguyện vọng độc lập để thực hiện công tác lọc ảo, hỗ trợ tuyển sinh.
Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT ghi nhận hơn 733.000 thí sinh đã nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển, tương đương 68,5% so với số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024.
Sự ổn định trong quy chế xét tuyển đại học, những điều chỉnh mang tính kỹ thuật để tăng quyền lợi thí sinh… đã góp phần tăng tỉ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Cụ thể, nếu số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tăng 6,9% thì số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 11,12%.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, trong năm 2024 các trường vẫn còn sử dụng nhiều phương thức xét tuyển và có những phương thức gây khó hiểu dẫn đến những khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn nguyện vọng, phương thức xét tuyển phù hợp.
Bên cạnh đó, việc phân bổ chỉ tiêu ở từng phương thức xét tuyển theo bà Nguyễn Thu Thủy vẫn chưa thể hiện sự hợp lý và đôi khi còn gây khó khăn cho cả hệ thống.
“Ngay cả việc xét tuyển sớm hiện nay vẫn chưa thể dự báo chính xác số lượng thí sinh ảo”, bà Thủy cho hay.
Các phương thức xét tuyển phải đảm bảo sự công bằng
Cũng liên quan đến các phương thức xét tuyển đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, kết quả thi tốt nghiệp THPT là một căn cứ tin cậy để các cơ sở đào tạo xét tuyển đại học. Ngoài kết quả thi tốt nghiệp THPT, hiện hai Đại Quốc gia, ĐHSP Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội… có các kỳ thi riêng và các kỳ thi này đều đảm bảo độ tin cậy, đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh đại học.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý tới các cơ sở đào tạo về sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
“Giả sử một ngành có 3 phương thức xét tuyển mà mỗi phương thức xét tuyển lại có một chỉ tiêu riêng thì phải đặt câu hỏi vì sao chỉ tiêu phương thức này cao hơn phương thức kia? Các trường căn cứ vào đâu? Đây là điều còn băn khoăn”, ông Hoàng Minh Sơn nói.
Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT sẽ cùng các cơ sở đào tạo điều chỉnh quy chế tuyển sinh, có những quy định thống nhất, rõ ràng đảm bảo sự tin cậy, công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Liên quan đến công tác xét tuyển Đại học năm 2025 – năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, đổi mới chương trình phổ thông, đổi mới thi tốt nghiệp THPT không có tác động đáng kể đến các phương thức xét tuyển Đại học.
Chương trình học và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 xuất hiện một số môn học mới, các cơ sở đào tạo hoàn toàn có thể bổ sung các môn học này vào tổ hợp xét tuyển.
Mặc dù Bộ GD-ĐT tôn trọng quyền tự chủ trong các phương thức tuyển sinh của các cơ sở đào tạo nhưng Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, các phương thức xét tuyển không được gây ra những tác động tiêu cực tới hoạt động dạy và học ở phổ thông.
“Hiện nay, các trường xét tuyển sớm rất nhiều và học sinh sau khi biết mình đủ điều kiện trúng tuyển nên có sự xao nhãng học tập thì đây cũng là một tác động tiêu cực chúng ta cần phải lưu ý”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nói.