Ngày 06/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 14/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” (Quyết định 14), giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện. Kết quả đã được tổng hợp và báo cáo tại Hội nghị tổng kết do Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.

Tham dự trực tiếp Hội nghị tổng kết Đề án “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” có Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài; Đại diện Bộ Ngoại giao; Đại diện các bộ: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Hội nghị có sự góp mặt của 40 Phó giáo sư, Tiến sĩ là những chuyên gia trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Việt, các kiều bào gồm giáo viên, cán bộ đại sứ quán ở các điểm cầu thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Úc và châu Âu tham dự thông qua hệ thống trực tuyến.

Hội nghị nhằm đánh giá những việc làm được và chưa làm được, từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Từ 2017 đến nay, cùng sự phối hợp nhiều bên, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các Bộ ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của kiều bào về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt; vận động bà con khuyến khích con em tham gia học tiếng Việt (tiêu biểu Đức, Pháp, Anh, Séc, Ba Lan, Campuchia, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...); thường xuyên thông tin cho cộng đồng NVNONN về các hoạt động hỗ trợ dạy học tiếng Việt được tổ chức ở trong nước; tổ chức các hoạt động nhằm động viên, khuyến khích các giáo viên, học sinh kiều bào có đóng góp tích cực cho phong trào dạy và học tiếng Việt.

Kết quả Cuộc thi “Biên soạn sách dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” đã lựa chọn được những cuốn sách học tiếng Việt căn bản, hiện đại, dễ hiểu, phù hợp nhất với người học góp phần vào việc bảo tồn, lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt thông qua giáo dục ngôn ngữ, thông qua các kênh đào tạo tiếng Việt mà nguồn học liệu bước đầu này đã đáp ứng được.

Năm 2016 và năm 2017, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo tổ chức biên soạn, biên tập, thiết kế chế bản, in và phát hành hai bộ sách “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt”. Hiện nay, hai bộ sách đã được số hóa, đưa lên mạng để khai thác sử dụng miễn phí. Năm 2020, Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn bộ sách học song ngữ Việt - Anh bậc 1, 2 cho trẻ em người Việt Nam ở nước ngoài.

Việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được duy trì và bước đầu tạo chuyển biến trong việc nâng cao hiệu quả phong trào dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài (tính từ năm 2015 đến năm 2023 là: 622 người).

Tại Hội nghị, ông Đinh Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thông tin-Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đánh giá Đề án đã làm được rất nhiều việc như xây dựng được nhiều bộ giáo trình phù hợp và tiện ích cho bà con sử dụng. Tuy nhiên theo ông Linh, để thực sự theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ cũng như nhu cầu của thế hệ tiếp theo người Việt Nam ở nước ngoài thì cần tiến thêm một bước. Cụ thể như cần có những sản phẩm phù hợp hơn nhu cầu sử dụng thực tế, số hóa tài liệu giảng dạy học tập nhằm lan tỏa đối tượng sử dụng.

Các ý kiến tại Hội nghĩ cũng chỉ ra những hạn chế khi triển khai Quyết định 14. Cụ thể như các giáo trình vẫn đang sử dụng ngôn ngữ miền Bắc, chưa đủ phổ rộng để tiếp cận với các đối tượng trẻ sử dụng tiếng miền Nam, sinh ra và lớn lên trong gia đình người Việt nhập cư gốc miền Nam.

Việc biên soạn tài liệu dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài được giao trong Quyết định 14 cơ bản hoàn thành nhưng cần đáp ứng nhu cầu về tài liệu của kiểu bào trong việc dạy học tiếng Việt, nhất là nhu cầu cần có một bộ sách dạy học tiếng Việt từ bậc 1 tới bậc 6 theo Khung năng lực tiếng Việt do Bộ GD-ĐT biên soạn.

Hội nghị cũng kiến nghị việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài cần được tăng cường và kết hợp các hình thức trực tiếp, trực tuyến để thu hút được đông đảo giáo viên tham gia hơn, đồng thời có chính sách, chế độ đãi ngộ, động viên khen thưởng kịp thời…

Trong thời gian đến năm 2026, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện nhiệm vụ rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, cơ chế quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện đảm bảo chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ năng lực giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng Việt; Đảm bảo tính chuẩn mực và linh hoạt của hệ thống học liệu, tài liệu giảng dạy (theo chương trình tiếng Việt 6 bậc, sách biên soạn cần được chú thích cách dùng từ của hai miền và có sách dành riêng cho giáo viên...).

Xây dựng các văn bản hướng dẫn công tác xã hội hóa để huy động thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; Tăng cường hợp tác nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt giữa các viện, trường của ta với các đối tác tại các địa bàn có đông người Việt sinh sống; Tăng số lượng học bổng cấp cho người Việt Nam ở nước ngoài về nước học tập...