Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 74 năm "Ngày học sinh sinh viên và Hội sinh viên Việt Nam", Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức sự kiện ra mắt "Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn". Tại lễ ra mắt Quỹ, cuốn sách “Những lời sẻ chia” của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường góp thêm điểm nhấn của sự kiện.

Một thế hệ mới: Nghĩ mới hơn để làm tốt hơn

“...Học ở trường, học ở đời và học trên nhiều phương diện để đúc rút cho mình. Không ai sinh ra đã có một nhãn quan rộng mở; nó tự hình thành qua những rèn luyện lâu bền...”, trích từ cuốn “Những lời chia sẻ” của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Hơn 360 trang sách khổ 16x24 chỉ là một trong nhiều phiên bản khác nhau của NXB Đại học Sư phạm Hà Nội tập hợp các diễn văn có sức truyền cảm hứng từ những bài diễn văn của giáo sư Nguyễn Văn Minh giai đoạn từ 2012-2023, được chia sẻ rộng rãi trong sinh viên, mạng xã hội và cả báo chí nhân nhiều dịp kỷ niệm, hoạt động khác nhau như lễ khai giảng, kỷ niệm thành lập trường đại học Sư phạm Hà Nội (11/10), các hội nghị về giáo dục... Điều đặc biệt, những bài viết dù ở các thời điểm khác nhau nhưng xuyên suốt đều có những góc nhìn, góc tiếp cận và giống như cuộc tâm tình với người trẻ, thế hệ kế cận gánh vác trách nhiệm xây dựng đất nước.

Cuốn sách gồm 3 phần: Truyền thống và Trách nhiệm; Sứ mệnh và Động lực; Tầm nhìn và Hành động. Tác giả “Những lời chia sẻ” là Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Những bài phát biểu cho lễ khai giảng trong những năm học khác nhau có góc tiếp cận khác nhau nhưng vẫn tuân theo mạch chung trong việc đưa ra và phân tích những vấn đề của người trẻ hôm nay. Ví dụ như bài “Độc lập trong tư duy và hợp tác trong hành động” viết cho cuộc gặp gỡ sinh viên K72 năm học 2022-2023, câu chuyện đại dịch Covid 19 tác động tới cả thế giới được GS Nguyễn Văn Minh tiếp cận ở góc độ sự linh hoạt thích ứng của mọi người, đặc biệt người trẻ để tiếp tục học tập, rèn luyện. Độc giả bắt gặp một lượng thông tin đồ sộ về thế hệ Z, gọi là Zen Z, công dân thời đại kĩ thuật số mà nếu đọc, lớp người có tuổi như hiểu hơn mình đang chung sống với một “lực lượng mạnh mẽ nhường nào”, bớt đi những so sánh kiểu như “ngày xưa thế này, ngày xưa thế khác”.

Trong loạt bài khác, tác giả viết cho những người đang tham gia gánh vác vai trò của người làm giáo dục. Trong bài “Hãy là người dẫn đường” trong lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam năm 2018, GS Nguyễn Văn Minh đã từ chối lối ví von “nhà giáo với thân phận người lái đò”, thay vào đó, thầy cô sẽ “là người đi khai mở trí tuệ và tâm hồn cho những con người thời đại...không muốn nghe những lời ca não nùng, ai oán và cả cảm thương nhà giáo, ...không muốn sự bi lụy như cầu mong ai đó rủ lòng thương với gian truân vất vả nghề mình...”

“Những lời sẻ chia” còn gửi tới phụ huynh, đối tượng có tác động lớn với nhà trường, với quá trình giáo dục toàn diện tri thức, nhân cách của một cá nhân học sinh như trong bài “Một thế hệ mới: Nghĩ mới hơn để làm tốt hơn”. GS Nguyễn Văn Minh đã viết những dòng gửi gắm: “Đừng biến trường học thành nơi sợ hãi của học sinh, và đừng coi trường học là nơi phụ huynh phó mặc con mình cho thầy cô giáo mà hãy đồng hành”.

“Chúng ta đang ở trong tiến trình của thời đại, không thể chậm trễ. Một ngày mới bắt đầu, hãy mở toang cái đầu để đón nhận những điều mới mẻ, hãy tạo bộ lọc tinh tế để gạn đục khơi trong và hãy để con tim hòa nhịp với cuộc đời yêu thương, hãy biết ơn cuộc đời và hãy bắt đầu”, lời nhắn nhủ khép lại “Những lời sẻ chia” của GS Nguyễn Văn Minh.

Đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn

“Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn” chính thức ra mắt vào ngày 12/1. Quỹ được Trường ĐH Sư phạm Hà Nội sáng lập nhằm thực hiện các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tài trợ học bổng, trao thưởng nhằm động viên, khuyến khích học sinh sinh viên vượt khó, phát huy năng lực của bản thân trong học tập và rèn luyện.

Quỹ tiếp nhận và quản lí nguồn tài chính được tài trợ, hỗ trợ, ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và cựu sinh viên theo quy định của Pháp luật nhằm tạo thêm cơ hội để sinh viên trường đại học Sư phạm Hà Nội vượt khó, đạt được thành tích cao trong học tập, rèn luyện, đóng góp cho sự phát triển của giáo dục nước nhà.

Phía trường đại học Sư phạm Hà Nội cam kết đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lí và sử dụng nguồn quỹ, đảm bảo tính công bằng, dân chủ trong xét, chọn đối tượng các em được hỗ trợ.

Ngay trong buổi ra mắt quỹ, đại diện các trường bạn, các đơn vị giáo dục, các cựu sinh viên nhà trường hiện đang ở các vị trí quản lí khác nhau trong ngành giáo dục, UBND quận Cầu Giấy và nhiều cá nhân đã trực tiếp chuyển khoản vào “Quỹ đồng hành với học sinh, sinh viên vùng khó khăn”. Nhưng khoản tiền khác nhau nhưng như lời của GS Nguyễn Văn Minh đều cùng một mục đích “dành cho các học sinh, sinh viên vươn lên trong học tập, tu dưỡng, cho những học sinh vùng khó khăn không phải bỏ học giữa chừng và nhất là những học sinh mong muốn trở thành nhà giáo”.