Đề án được triển khai trên phạm vi toàn quốc đến năm 2030 cho tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước từ 16 đến 35 tuổi đạt giải thưởng uy tín cấp quốc gia, quốc tế.

Mục tiêu của đề án có nêu, đến năm 2030, sau khi được phát hiện tôn vinh, tối thiểu 60% tài năng trẻ được bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức, hỗ trợ cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế - xã hội do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

Tối thiểu 80% cán bộ Đoàn các cấp, trong đó 100% cán bộ Đoàn phụ trách công tác tài năng trẻ được tập huấn trang bị kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ.

Đến năm 2025, cập nhật, khai thác hiệu quả dữ liệu 10.000 tài năng trẻ Việt Nam trong và ngoài nước; đến năm 2030, cập nhật, khai thác hiệu quả dữ liệu của 30.000 tài năng trẻ trên Hệ thống cơ sở dữ liệu Tài năng trẻ Quốc gia.

Đến năm 2025, xây dựng, vận hành Mạng lưới tài năng trẻ Việt Nam toàn cầu và Công viên số Tài năng trẻ Quốc gia.

Đề án "Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022 - 2030" sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp như: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam; Phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ; Tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, hỗ trợ tài năng trẻ; Tăng cường công tác kết nối, phát huy tài năng trẻ.

Theo đó, sẽ tổ chức hỗ trợ cho tài năng trẻ có hoàn cảnh khó khăn, tài năng trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, biên giới, hải đảo được học tập, nghiên cứu và phát triển tài năng.

Định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương với thanh niên trong đó có đối tượng tài năng trẻ nhằm trao đổi thông tin cũng như tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của tài năng trẻ trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tạo điều kiện, hỗ trợ các tài năng trẻ chủ trì đảm nhận thực hiện các công trình, các đề tài, dự án phát triển của ngành, địa phương, đất nước.

Kinh phí thực hiện đề án từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành; nguồn kinh phí lồng ghép thông qua các chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó còn từ nguồn tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng theo quy định của pháp luật và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Theo nội dung đề án, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai Đề án theo từng giai đoạn và hằng năm cũng như phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.