Ngày 19/1, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục.

Đủ kinh nghiệm và căn cứ mở cửa trường học

Tại Hội Thảo, Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, mặc dù ngành giáo dục chịu nhiều tác động do dịch COVID-19 nhưng sự với sự hỗ trợ từ các bộ ngành, tinh thần trách nhiệm của các địa phương, ngành giáo dục đã đạt được kết quả tốt trong công cuộc chống dịch. Sau thời gian dài dạy học trực tuyến đã phần nào duy trì nhịp độ học tập, đem lại thói quen học, kiến thức phần nào đảm bảo tiến độ.

Tuy nhiên, nếu kéo dài hơn việc học gián tiếp, học qua truyền hình, học qua internet thì sẽ tác động tiêu cực sẽ lớn, dần gia tăng ảnh hưởng sức khỏe tinh thần cả người dạy, người học và các đối tượng liên quan.

Khi điều kiện tiêm vaccine trong cộng đồng, tiêm vaccine cho lứa tuổi 12 tuổi trở lên, với điều kiện y tế dự phòng, kinh nghiệm phòng chống dịch trong suốt thời gian qua, có thể nói thời điểm này chúng ta có đủ căn cứ, kinh nghiệm, điều kiện, có quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa học sinh trở lại trường học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Về quan điểm chỉ đạo ở thời điểm này, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở GD&ĐT cần khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong việc chuẩn bị đưa học sinh trở lại trường, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine cũng như với học sinh mầm non, tiểu học chưa tiêm vaccine cần có kế hoạch và hành động mạnh mẽ, kiên quyết, kịp thời hơn.

Bộ trưởng cho rằng việc đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường học ngay sau Tết âm lịch với các địa phương còn học trực tuyến là yêu cầu. Còn với hệ thống mầm non, tiểu học các địa phương cần khẩn trương chuẩn bị... Trong đó, chuẩn bị về mặt tư tưởng, nhận thức, quan điểm. Cần làm tư tưởng để có sự đồng thuận của phụ huynh, giáo viên, quản lý giáo dục các cấp các ngành, đặc biệt cấp mầm non và tiểu học.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, không có phương án hoàn toàn tuyệt đối nhưng chúng ta phải chọn phương án tốt nhất, nhanh chóng đưa học sinh trở lại trường là phương án tốt nhất. Nguy cơ ảnh hưởng khi học sinh ở nhà học trực tuyến thậm chí còn cao hơn. Cần chuẩn bị điều kiện từ cơ sở vật chất, gia tăng y tế trường học, dự phòng, điều kiện giáo viên, quy trình, tập huấn, lên các kịch bản trong các tình huống.

Đón học sinh trở lại trường học: tránh 2 trạng thái cực đoan

Trong triển khai, Bộ trưởng nhấn mạnh tránh 2 trạng thái cực đoan là chần chừ, e dè, thái quá nhưng cũng tránh cực đoan khi chuyển sang trạng thái mới tích cực đưa học sinh tới trường nhưng lại chủ quan, buông lỏng phó mặc cho thầy cô.

Bộ Y tế sẽ sớm có văn bản điều chỉnh cách xác định cấp độ dịch và những vấn đề liên quan. Bộ GD&ĐT cũng sẽ có những văn bản điều chỉnh văn bản cũ để phù hợp với tình hình mới, một số hướng dẫn riêng cho mầm non dù Bộ GD&ĐT đã ban hành nhưng sẽ rà soát lại để các cấp thuận tiện hơn trong quá trình triển khai.

Về phương diện nội dung chuyên môn, trước khi học sinh trở lại trường học cần được chuẩn bị tinh thần thái độ cho cả phụ huynh, học sinh. Đặc biệt trong ngày đầu trở lại trường cần có hoạt động để hòa nhập trở lại vì sau thời gian dài ở nhà học trực tuyến thì học sinh đã bắt đầu có tâm lý ngại học trực tiếp, giáo viên có tâm lý ngại dạy trực tiếp.

Bộ trưởng chỉ đạo khi học sinh quay lại học trực tiếp sẽ không vì thế mà lãng phí những mặt tích cực của dạy học trực tuyến đã xác lập 2 năm qua. Dạy trực tuyến cũng là "cú hích" cho công nghệ và chuyển đổi số. Khi đưa học sinh trở lại trường không bỏ đi mà tăng cường mặt tích cực cho dạy và học trực tiếp.

Theo Bộ trưởng, hiện nay có trên 90% các trường ĐH, CĐ lên kế hoạch cho sinh viên trở lại. Vì vậy ông đề nghị các địa phương tích cực rà sóat đối tượng để tiêm phòng, hỗ trợ các trường đón sinh viên trở lại trường, đảm bảo an toàn cho trường ĐH, CĐ.

Nguy cơ nặng nề hơn nếu trẻ không đi học trở lại

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, tính đến ngày 18/1/2022 có 14/63 tỉnh, thành phố (chiếm 22.22%) tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh tất cả các cấp học. Có 30/tỉnh, thành phố (47.61%) tổ chức dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình. 19/63 tỉnh, thành phố (30,15%) dạy trực tuyến và qua truyền hình.

Hiện, các trường Đại học, Cao đẳng đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp vào tháng 02/2022. Riêng khối ngành sức khỏe đã tổ chức cho hơn 45.000 sinh viên học trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đến thời điểm này, thống kê của Sở GD&ĐT TP.HCM cho thấy, số lượng học sinh từ khối 7 đến khối 12 đi học trực tiếp đạt tỷ lệ 98,48%. Qua 20 ngày tổ chức học trực tiếp có 130 trường hợp nhiễm là giáo viên, nhân viên và học sinh. Tất cả các trường hợp đã được xử lý theo kịch bản xây dựng nên việc dạy và học tại các trường vẫn triển khai dạy học bình thường. Theo kế hoạch TP.HCM sẽ đánh giá và cho học sinh mầm non đi học trở lại toàn thành phố từ tháng 02/2022.

Còn tại Bắc Giang, trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp đã phát sinh ổ dịch tại 2 trường Tiểu học Ngô Sỹ Liên có 132 học sinh F0, Trường Tiểu học Đông Thành có 47 học sinh F0, ngành giáo dục đã phối hợp cùng ngành y tế triển khai kích hoạt các kịch bản ứng phó nên cơ bản đã kiểm soát được ổ dịch tại 2 trường nên việc dạy và học tại các trường trên địa bàn vẫn triển khai bình thường.

Nhiều chuyên gia dịch tễ khẳng định tỷ lệ nhiễm COVID-19 trong trường học rất thấp, trong khi đó nếu không sớm cho HS trở lại trường thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần còn nặng nề hơn.

Theo PGS.TS. Phạm Mạnh Hà, Trường ĐH Giáo dục (Đại học quốc gia Hà Nội) dẫn số liệu thống kê gần đây của Bệnh viện Sức khỏe tâm thần, tỷ lệ học sinh sinh viên đến thăm khám và điều trị tại bệnh viện tặng vọt, chiếm đến 30% trên tổng số bệnh nhân. Theo nghiên cứu của ĐHQG TPHCM về các vấn đề sức khoẻ tinh thần của sinh viên cho thấy: 56,8% thiếu tập trung và không hứng thú học tập; 48% thấy tự ti, mất phương hướng; 56,2% bị rối loạn giấc ngủ; 35,7% thấy tính tình thay đổi, hay cáu gắt, lo lắng không lý do.

Trong khi đó, ông Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT dẫn số liệu từ UNICEF cho thấy do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tại Ấn Độ tỷ lệ trẻ em có thể đọc hiểu văn bản cấp 1 giảm từ 42% trong năm 2018 xuống 24% trong năm 2020.

Mở cửa trường học: kinh nghiệm từ các nước

Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT Phạm Quang Hưng khẳng định trước khi có vắc xin thì việc học online là một giải pháp hoàn toàn đúng để giảm lây nhiễm trong cộng đồng.

Qua kinh nghiệm quốc tế, khi tỷ lệ phủ vắc xin của quốc gia đạt yêu cầu thì việc quay lại học trực tiếp là tất yếu để đảm bảo chất lượng giáo dục và kể cả sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Trong bối cảnh mô hình “Sống chung với COVID-19” được nhiều nước áp dụng, mở cửa trường học đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo số liệu UNICEF & UNESCO ngày 7/1/2022, khu vực Đông Á Thái Bình Dương với 26 nước có 65% mở cửa hoàn toàn; 35% còn lại mở cửa một phần, trong đó có Việt Nam.

Theo khuyến cáo của UNICEF và UNESCO: “Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng là trường học”.

Tại các quốc gia đều có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc mở cửa trường học, trong đó dựa trên các khuyến nghị của WHO, UNICEF và UNESCO về mở cửa trường học.

Chẳng hạn, Thái Lan cho phép các trường học có giáo viên/nhân viên tiêm chủng vaccine Covid-19 từ 85% trở lên được mở cửa trở lại. Một số quốc gia như Indonesia, Campuchia, Ấn Độ, Malaysia triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi. Hàn Quốc và Singapore hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho học sinh từ 12-18 tuổi.

Việc áp dụng quy định không được cứng nhắc mà phải giao quyền tự chủ cho các địa phương. Ví dụ, Pháp giao từng địa phương quyết định căn cứ tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh, các trường từ tiểu học đến THPT sẽ học trực tiếp nếu là vùng xanh và vàng, còn vùng cam và đỏ sẽ kết hợp học trực tuyến và trực tiếp.

Theo ông Hưng, một vấn đề được các nước quan tâm là quyền tự chủ được giao đến cấp quản lý hành chính nào? Tại Nhật Bản và Thái Lan cho phép hiệu trưởng được quyền quyết định đóng cửa các trường học khi xuất hiện nhiều ca lây nhiễm trong trường học, thời gian đóng cửa tối đa 7 ngày.

Bởi vậy, ông Hưng cho rằng, việc mở cửa trường học là xu hướng chung của các nước trên thế giới theo phương châm “Sống chung với COVID-19”.

“Ở Việt Nam, các biện pháp đảm bảo an toàn để học sinh có thể quay trở lại trường học đã và đang thực hiện khá tương đồng với thế giới. Chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ mở cửa trường học như khuyến cáo của UNICEF và UNESCO. Tăng cường công tác truyền thông nhằm chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích ứng, cho phụ huynh, học sinh và giáo viên”, ông Hưng khẳng định.

Đến ngày 15/01/2022, số học sinh từ 12-17 tuổi được tiêm vắc-xin mũi 1: 6.500.033/7.213.883 (đạt 90,10%); mũi 2: 5.211.874/7.213.883 (đạt 72,24%).

Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vắc-xin mũi 2 là 1.225.688 CBGV/1.494.618 CBGV (đạt 82%); mũi 3 là 422.519/1.494.618 (đạt 28,2%).