Việt Nam có 3 vùng phương ngữ chính: phương ngữ Bắc, phương ngữ Trung và phương ngữ Nam. Theo tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, ngôn ngữ gồm 3 phần quan trọng nhất là từ vựng, ngữ âm và ngữ pháp. Ngữ pháp là phần ít khi thay đổi, nếu thay đổi cũng rất lâu năm. Từ vựng và ngữ âm là 2 phần biến đổi nhiều hơn cả. Giữa các vùng phương ngữ, sự khác biệt chính nằm ở từ vựng, ngữ âm. Sở dĩ, mỗi vùng đất có lịch sử khác nhau. Chúng ta có những đợt di dân, có sự pha trộn văn hóa giữa cư dân gốc và cư dân mới đến, có những vùng đất được bảo lưu ngôn ngữ tạo ra trầm tích với nhiều từ ngữ cổ... làm nên sự khác biệt về từ vựng và ngữ âm.
Về mặt ngữ âm vùng phương ngữ Bắc, cư dân hầu như phát âm đầy đủ 6 thanh điệu. Với vùng phương ngữ Trung và Nam, một số thanh điệu đã bị "rơi rụng". Về từ vựng, cùng chỉ một sự vật nhưng ở các miền khác nhau lại có cách gọi tên khác nhau. Theo tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ, sự khác biệt về mặt ngữ âm, từ vựng không nên coi là lỗi. "Chúng ta nên coi đây là một bức tranh ngôn ngữ đa dạng, sống động giữa các vùng miền".
Mời các bạn cùng Ngọc Nam và Bảo Yến - sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia thử thách Tiếng Việt vui. Nghe tại đây: