Chiều 6/2, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thực hiện Kết luận số 91-KL/TW, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

5 quan điểm và nguyên tắc ban hành Thông tư 29

Liên quan tới thông tư 29 về quản lý công tác dạy thêm và học thêm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, những ngày cuối cùng của năm Âm lịch, Bộ đã tổ chức giao ban với 63 sở GD-ĐT. Cùng với Thông tư 30 về Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, thông tư Thông tư 29 là những nội dung cụ thể hóa việc đổi mới căn bản giáo dục theo nghị quyết của Đảng.

Lâu nay, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên chủ yếu dạy kiến thức. Trong khi đó, nghị quyết hơn 10 năm nay là chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất và năng lực.

Tuy nhiên, lâu nay cứ không có thầy cô là học sinh không thực hiện được. Trong khi đó, chúng ta mong muốn hình thành một xã hội học tập, dạy phương pháp học, tự học là chính.

“Lâu nay chúng ta chỉ chú trọng xây dựng chương trình, xây dựng sách giáo khoa rồi kiểm tra đánh giá mà quên mất hướng dẫn tự học. Đối với giáo viên thì quên mất khả năng tự đào tạo và tự bồi dưỡng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh “không bây giờ làm, không biết bao giờ mới làm được, không phải đợi đồng bộ mới thực hiện”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 10/1/2024 Bộ GD-ĐT nghiên cứu sửa đổi thông tư quy định về dạy thêm, học thêm. Ông Thưởng cho rằng, thông tư 17 ban hành từ năm 2012 đã quá cũ và quá lạc hậu, cần phải thay đổi.

Thứ trưởng cũng nêu 5 quan điểm và nguyên tắc ban hành thông tư.

Thứ nhất, phù hợp với Luật giáo dục 2019 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh.

Thứ hai, xây dựng, hình thành khả năng, phương pháp tự học, xây dựng xã hội học tập suốt đời.

“Dạy thêm học thêm là hoạt động giáo dục liên quan tới hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, liên quan tới học sinh cho nên Bộ GD-ĐT phải có trách nhiệm ban hành các quy định về quản lý hoạt động này theo quy luật chuyên ngành cũng như phù hợp với các quy định khác. Quan điểm của Bộ là không cấm hoạt động dạy thêm học thêm mà chỉ cấm những điều vi phạm về quy định dạy thêm học thêm không đúng quy định”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.

Thứ ba, dạy thêm học thêm phải không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông chính khóa trong nhà trường. Tức là không cắt xén, không trùng lặp.

Thứ tư, dạy thêm học thêm phải phù hợp với lợi ích của học sinh. Tức là không được ép buộc và không có bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh. Ở quan điểm này, Thứ trưởng cho rằng, quy định dạy thêm học thêm là để giữ gìn hình ảnh, đảm bảo sự tôn nghiêm của nhà giáo và ngành giáo dục.

“Những thầy cô chân chính, đủ năng lực, tâm huyết thì không bao giờ lại có những hành vi ép buộc đối với học sinh mình để dạy học có thu tiền. Cho nên quy định một cách minh bạch chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô”.

Thứ năm, từng bước hình thành ở từng cấp học phương pháp, thói quen tự học của học sinh.

Không thể "đổ lỗi" chương trình nặng - nhẹ

Thứ trưởng cũng nêu quan điểm, trong các trường công lập, giáo viên đã ăn lương nhà nước, cơ sở vật chất của nhà nước thì không có chuyện dạy thêm thu tiền của phụ huynh và học sinh.

Ở trường công lập có ba đối tượng được bổ trợ kiến thức. Một là, phụ đạo bổ trợ kiến thức cho những học sinh chưa đạt chuẩn theo chuẩn đầu ra của chương trình. Hai là bồi dưỡng học sinh giỏi. Ba là bồi dưỡng cho học sinh thi chuyển cấp, thi cuối cấp.

Ông Thưởng nhấn mạnh, đây là hoạt động bổ trợ kiến thức chứ không phải là dạy thêm. Với những đối tượng này, Sở GD-ĐT có thể tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho giáo viên tổ chức lớp. Bộ GD-ĐT cũng đang tham mưu với Thủ tướng về vấn đề này. Đồng thời làm việc với Văn phòng Chính phủ, thống nhất đưa nội dung các tỉnh có trách nghiệm bố trí kinh phí để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Còn trách nghiệm dạy học đảm bảo chuẩn kiến thức, hình thành phẩm chất, năng lực, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình là trách nghiệm của thầy cô giáo và nhà trường chứ không thể nói chương trình nặng hay nhẹ.

Ông Thưởng cho rằng, quan điểm chương trình nặng hay nhẹ chỉ là ý kiến của cá nhân. Bộ sẽ tổng kết ý kiến của chuyên gia đánh giá chương trình một cách toàn diện.

Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức họp với các tổng chủ biên, chủ biên. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, đánh giá lại chương trình nhưng quan điểm chung là sẽ “vi chỉnh” chứ không có thay đổi lớn.

Thứ trưởng cũng đề nghị tránh hiện tượng cực đoan khi triển khai thông tư. Trước đây, việc tổ chức dạy thêm tràn lan khiến dư luận kêu ca, thậm chí những thầy cô dạy tốt cũng bị ảnh hưởng, mang tiếng dùng mọi cách ép buộc học trò. Điều này tạo ra sự tổn thương cho nhiều nhà giáo. Bây giờ khi có thông tư này, có thể có nơi buông lỏng, không bổ trợ cho học sinh nữa.

Truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành giáo dục, các thầy cô giáo và nhà trường trong việc đảm bảo tốt hoạt động thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT.

“Các em chưa đạt chuẩn thì chúng ta phải có trách nhiệm bổ trợ kiến thức cho các em đạt chuẩn. Các em còn đang lo lắng, lúng túng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới thì nhà trường phải có các hình thức bổ trợ một cách phù hợp, không được buông lỏng”.

Nâng cao tự tôn, tự trọng của ngành giáo dục

Để quản lý hiệu quả hoạt động dạy thêm, học thêm, ông Thưởng nêu ra các giải pháp trước mắt và lâu dài. Về giải pháp hành chính, chúng ta ban hành các quy định, thông tư 29 là một trong số đó.

Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định, ngoài các giải pháp hành chính, cần có những giải pháp về chuyên môn. Ví dụ, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ giáo viên để hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh. Điều này liên quan tới công tác đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm.

Chúng ta cũng phải tiếp tục đổi mới kiểm tra đánh giá, phù hợp với học sinh, không có những câu “hỏi xoáy đáp xoay” để học sinh buộc phải đi học thêm để làm bài.

Ngoài ra, cần có biện pháp bố trí giáo viên đồng đều giữa các cơ sở giáo dục, tránh hiện tượng học thêm để chạy đua vào các trường điểm. Về cơ sở vật chất, cần có đủ hệ thống trường học với sĩ số vừa phải để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh... Dù đây là mơ ước của ngành giáo dục. Tuy nhiên Thứ trưởng khẳng định chúng ta phải từng bước thực hiện.

Ngoài giải pháp thanh tra, kiểm tra mà thông tư đã nêu, cần tuyên truyền vận động, nâng cao tự tôn, tự trọng của ngành giáo dục, của các thầy cô, nói không với chuyện dạy thêm, không đúng quy định./.