Cách đây hơn 2 năm, Hoài An ở tỉnh Hòa Bình lên Hà Nội học đại học. Em cùng hai bạn nữ nữa thuê chung một phòng trọ nhỏ. Cuộc sống êm ả trôi qua cho đến khi An và một người bạn cùng phòng lần lượt xuất hiện triệu chứng sốt. "Em và bạn cùng có dấu hiệu ớn lạnh, chán ăn, mệt mỏi, sốt 38 độ C, mua thuốc về uống nhưng không khỏi”.

Sau khi vào bệnh viện làm các xét nghiệm, An và bạn em được xác định là sốt xuất huyết, phải nhập viện điều trị trong 10 ngày. Với An, điều may mắn nhất là em có thẻ BHYT nên các khoản chi nhẹ nhàng hơn rất nhiều, chỉ phải nộp mấy trăm nghìn cả đợt điều trị. Nhưng bạn của An lại không được may mắn như vậy. “Bạn em sợ tốn tiền không mua BHYT thế là phải trả mấy triệu đồng. Mà bạn cũng chẳng dám nói với bố mẹ, cứ vay mượn lung tung. Bạn bảo biết thế cũng mua BHYT vì bình thường bọn em có mấy khi ốm đau đâu. Phải nằm viện mới thấy tấm thẻ có giá trị.”, An chia sẻ.

An cho biết, nhiều bạn sinh viên hoàn cảnh tương đối khó khăn thường không tham gia mua BHYT từ năm thứ hai. Điều này cũng xuất phát từ suy nghĩ: còn trẻ, khỏe mấy khi ốm đau bệnh tật. Với An, dù điều kiện gia đình cũng không khá giả gì nhưng xuất phát từ câu chuyện thực tế, mẹ em luôn cố gắng dành ra 1 khoản tiền để đóng BHYT cho con. Chị Phương Hoa – mẹ An cho biết: “Nông thôn năm trăm nghìn cũng to đấy. Nhưng không đóng BHYT không được. Nhà bên chồng tôi có đứa cháu phải chạy thận nhân tạo. Không có BHYT thì có mà chết từ lâu rồi. Tốn tiền tấn tiền tỷ. Có thẻ BHYT là may rồi.”

Những ai đã từng ốm đau bệnh tật hay có người thân phải nằm viện với mức chi phí rất cao mới thấm thía hết được những giá trị mà thẻ BHYT mang lại, họ gọi đó là "bùa" may. Nhưng nhiều khi, suy nghĩ thay đổi chỉ đơn giản là tận mắt chứng kiến những câu chuyện xung quanh mình.

Thanh Lan, sinh viên Học viện Báo chí và tuyên truyền vốn là người không đánh giá cao giá trị của tấm thẻ BHYT nhưng đã hoàn toàn thay đổi sau khi thấy một người bạn của mình mắc bệnh thận thường xuyên được BHYT chi trả khoản tiền lớn. “Chúng ta không thể lường trước điều gì xảy ra trong cuộc sống cả, đặc biệt là trong vấn đề sức khỏe, sẽ đến lúc cấp bách khi mà chúng ta gặp vấn đề lớn rồi thì chúng ta mới cảm thấy được ý nghĩa và tác dụng rất là quan trọng của thẻ BHYT. Tự nguyện tham gia thẻ BHYT và giữ bên mình 1 tấm thẻ BHYT là coi như giữ một bùa may”, Thanh Lan chia sẻ.

Thời gian qua, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Nếu như không có thẻ BHYT, bạn thử nghĩ xem, gánh nặng mà gia đình bạn phải gánh chịu sẽ ra sao?

Hiện nay, thủ tục thanh toán bằng BHYT cũng rất thuận lợi, đây là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Phòng Chính trị công tác sinh viên, Trường ĐH KHTN, ĐH QGHN: “Trước đây đúng là việc đấy rất khó khăn, nhiều thủ tục, nhiều giấy tờ. Trong những năm gần đây việc thanh toán bằng thẻ BHYT đơn giản hơn rất nhiều. Chính bản thân các bạn sinh viên có phản ảnh thanh toán qua BHXH càng ngày càng được các cơ quan BHYT và bệnh viện cải tiến rất nhiều trong việc thực hiện chế độ của BHYT”.

Cùng với sự phát triển của công nghệ, hiện nay sử dụng BHYT số thay cho thẻ BHYT giấy vừa thuận tiện lại giúp các bạn trẻ không còn lo lắng về việc mất thẻ hay làm rách thẻ. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để giảm bớt gánh nặng khi bị ốm đau, bệnh tật; đồng thời san sẻ yêu thương với cộng đồng. Đây là điều Th.s Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi muốn nhắn nhủ tới các bạn học sinh sinh viên.

Theo Th.s Hương Giang, tham gia BHYT đầu tiên là trách nhiệm của mình với cuộc đời mình. Khi cuộc sống chúng ta còn khó khăn và khi tương lai có thể mang đến cả điều tốt, cả điều rủi ro khó tránh như ốm đau bệnh tật thì tấm thẻ BHYT sẽ giúp các bạn chủ động vượt qua những khó khăn và đứng lên đi tiếp.

Thứ 2, tham gia BHYT là chúng ta đã chia sẻ những điều không may mắn giúp cho cộng đồng. Mỗi khoản kinh phí mà bạn đóng vào quỹ là bạn đang góp phần bù đắp sự mất mát cho những người không may mắn trong cuộc sống.”

Nghe chương trình Hành trang trẻ để được của ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng Phòng Chính trị công tác sinh viên, Trường ĐH KHTN, ĐH QGHN và Th.s Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, trường ĐH Thủy lợi giải đáp những băn khoăn thắc mắc liên quan đến tấm thẻ BHYT: