Khi nào các nhóm trở thành bè phái?

Trong một lớp học, có những bạn hợp tính nhau, chơi thân với nhau và lập thành một nhóm riêng là điều hết sức bình thường. Việc một lớp phân thành nhiều nhóm nhỏ rất phổ biến đặc biệt khi học cấp 2, cấp 3 và cả khi trở thành sinh viên. Tuy nhiên, nếu như các nhóm đó nói xấu nhau, muốn gia tăng quyền lực của nhóm mình bằng cách lôi kéo các thành viên khác vào nhóm, không hòa đồng, không hòa thuận và không muốn tham gia các hoạt động chung…như vậy các nhóm đó đã chia bè kết phái.

Trong thực tế giảng dạy, Ths Phùng Năm nhận thấy việc chia bè nhóm thể hiện rất rõ khi phân chia lớp thành nhóm để học tập hay hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Các em thường chỉ thích được chọn những bạn mà mình hay chơi và phản ứng khi cùng nhóm với những bạn mà mình không thích.

Tuy nhiên, là một giáo viên tâm lý, theo Th.s Phùng Năm, trong một lớp học nếu cứ chỉ làm việc với các bạn trong nhóm mình sẽ không luyện cho các con cách hợp tác hay tôn trọng sự khác biệt của các bạn khác trong lớp. “Nhiều khi được phân công với những bạn nhóm khác, các em đã thay đổi suy nghĩ, rằng những thứ không hay về người bạn đó chỉ là tin đồn và từ đó các bạn lại kết nối được với nhau.”

Chia bè kết phái: người thiệt thòi nhất chính là các em

Được học tập trong một môi trường đoàn kết sẽ giúp các em học sinh phát triển thuận lợi. “Cảm giác thuộc về một tập thể nào đấy làm cho các con có cảm giác an toàn về mặt tâm lý”.

Còn nếu như sống trong một tập thể chia bè kết phái, các em sẽ luôn lo lắng liệu một lúc nào đấy mình sẽ không còn trong nhóm này nữa và mình có an toàn hay không. Sự chia bè phái đôi khi khiến các em có những hành động thiếu kiểm soát, thậm chí có thể gây hại hoặc làm tổn thương người khác một cách vô tình mà không biết trước.

Việc chia bè kết phái trong một lớp học còn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung của tập thể. Hiện nay, hầu hết trương nào cũng có những hoạt động ngoại khóa giúp các em được thể hiện năng lực, tập thể lớp thể hiện được màu sắc riêng của lớp mình. Nhưng nếu chia bè chia phái, các em thiếu sự hợp tác chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm, đến sức mạnh của cả một tập thể lớp.

Hãy để quãng thời gian học sinh trôi qua thật tươi đẹp

Chơi theo nhóm là chuyện bình thường, tuy vậy khi lớp có việc chung, hãy cùng xắn tay để hoàn thành nhiệm vụ. “Việc chia bè phái, nói xấu nhau không giải quyết được vấn đề gì cả”, Ths Phùng Năm nhấn mạnh.

Khi lớp không đoàn kết, các em cán bộ lớp có thể chia sẻ tình hình với cô giáo chủ nhiệm. Các em có thể cùng cô tổ chức những chuyên đề như “Tôn trọng sự khác biệt”… Điều này không phải ngày một ngày hai giúp một tập thể trở nên đoàn kết nhưng những buổi như vậy sẽ gieo dần hạt mầm cho các em biết rằng hóa ra cái chúng ta thiếu chỉ là thiếu tôn trọng nhau một chút thôi.

Quãng đời học sinh rất tươi đẹp và nó sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu như các em được sống trong một tập thể lớp tình thương mến thương, thực sự đoàn kết. Như vậy, các em sẽ được tham gia rất nhiều hoạt động, học hỏi được rất nhiều điều hay.

“Hãy chậm lại một chút, hãy quan sát xem liệu có phải tất cả những điều mà mình đang nghĩ xấu về nhóm khác là đúng, rất có thể các bạn ấy cũng có rất nhiều những điểm sáng mà bạn không nhìn ra”, Ths Phùng Năm khuyên các bạn trẻ.

Những năm tháng học trò luôn là quãng thời gian đẹp nhất của mỗi con người, đừng vì cái tôi nhỏ nhen mà làm mất đi sự đoàn kết. Hãy tham gia, hãy lắng nghe từ nhiều phía, tôn trọng quan điểm của người khác, cộng với một chút nhường nhịn, hi sinh để có một tập thể đoàn kết. Đừng để đến ngày chia tay phải hối hận vì những hành động bồng bột, thiếu suy nghĩ của mình.

Nghe thêm những chia sẻ của Th.s Phùng Năm trong chương trình "Hành trang trẻ" của VOV2: