Bộ GD&ĐT vừa ban hành văn bản hướng dẫn về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Theo đó, đối với việc in sao đề thi, trước khi in sao, cần kiểm tra các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh, an toàn khu vực in sao đề thi; thành phần cán bộ thực hiện nhiệm vụ in sao đề thi; việc Hội đồng thi bố trí 1 cán bộ giám sát tại vòng 2 khu vực in sao đề thi. Khi hoạt động in sao đề thi đang diễn ra, cần kiểm tra biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực in sao đề thi và việc bố trí, thực hiện nhiệm vụ của các lực lượng tại vòng 3 (vòng bảo vệ ngoài) khu vực in sao đề thi.

Đối với công tác coi thi, trưởng điểm thi cần bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản các vật dụng cá nhân, các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi. Trưởng điểm thi quán triệt đến những người tham gia công tác coi thi; cán bộ coi thi phổ biến cho thí sinh trong phòng thi trước khi phát đề thi về mọi hành vi cung cấp, tiết lộ đề thi trong thời gian làm bài thi được coi là làm lộ bí mật nhà nước độ “Tối mật” và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Về công tác chấm bài thi tự luận, thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng thi, sau khi ban chấm thi hoàn thành công việc chấm điểm và nhập điểm toàn bộ các bài thi vào phần mềm (được trưởng ban chấm thi xác nhận bằng văn bản); trưởng ban làm phách hoặc tổ trưởng tổ phách 1 mới được tổ chức xuất dữ liệu thông tin của thí sinh kèm số phách 1, tổ trưởng tổ phách 2 mới được tổ chức xuất dữ liệu thông tin của phách 2 để phục vụ công tác khớp phách.

Đối với công tác chấm bài thi trắc nghiệm, toàn bộ quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên phần mềm với chu trình khép kín. Sau khi kết thúc quá trình chấm thi, ban chấm thi trắc nghiệm thực hiện sao chép tệp tin danh sách thí sinh dự thi và xuất tệp tin sao lưu kết nối dữ liệu, mã nhận diện, mã cấp phép sử dụng máy trạm tương ứng, tài khoản và mật khẩu truy cập,… của máy chủ và các máy trạm ra đĩa CD. Niêm phong đĩa CD, máy chủ và máy trạm dưới sự giám sát của Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm, thanh tra, công an,…

Huy động khoảng 7000-8000 cán bộ, giảng viên

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT tham mưu cho UBND cấp tỉnh với 4 khâu của kỳ thi là chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi và chấm thi phúc khảo, tham mưu các đoàn tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra phù hợp. Với công tác chuẩn bị thi, tùy điều kiện từng Sở sẽ tổ chức thanh tra hoặc kiểm tra. Công tác coi thi, chấm thi và chấm thi phúc khảo tất cả các Sở GD&ĐT đều tổ chức thanh tra.

Bộ GD&ĐT thực hiện kiểm tra tất cả các khâu kỳ thi, 5 đoàn do 5 thứ trưởng của Bộ GD&ĐT làm trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các tỉnh. "Ngoài đoàn thanh tra chúng tôi tham mưu tổ chức 10 đoàn kiểm tra độc lập tại 20 địa phương. Ban chỉ đạo cấp trung ương sẽ tổ chức các đoàn do lãnh đạo Bộ đi tất cả tỉnh, thành phố”.

Theo ông Cường, năm ngoái do tình hình dịch bắt buộc phải có một số hoạt động kiểm tra trực tuyến còn năm nay sẽ kiểm tra trực tiếp ở các địa phương.

Về công tác coi thi, thành lập các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, giao cho các trường ĐH tổ chức coi thi tại các điểm thi ở 63 tỉnh thành. Năm 2021, khoảng 8000 cán bộ, giảng viên ĐH tham gia. Năm nay căn cứ vào số lượng điểm thi sẽ có điều chỉnh đảm bảo vừa thanh tra của Sở và kiểm tra của Bộ trong 3 ngày thi.

Công tác chấm thi, Bộ tổ chức các đoàn của Bộ kiểm tra suốt quá trình chấm thi tại các hội đồng thi, trong đó giao cho sở GD&ĐT cùng với các trường ĐH một đoàn có từ 5-7 cán bộ công chức, giảng viên trong đó thành phần sở GD&ĐT và trường ĐH để đảm bảo khách quan, trung thực.

Ông Cường nhấn mạnh điểm mới trong công tác chấm thi. Trước đây, Bộ GD&ĐT tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chấm thi tại địa phương do cán bộ công chức của Bộ và trường ĐH thực hiện. “Năm nay chúng tôi có điều chỉnh giao cho các Sở GD&ĐT và các trường ĐH kiểm tra chéo. Ví dụ, đoàn của Bộ do Sở GD&ĐT Hà Nội và một trường ĐH kiểm tra công tác chấm thi tại Bắc Ninh và không có chiều ngược lại là Bắc Ninh kiểm tra Hà Nội để đảm bảo không trùng lặp”.

Công tác chấm thi phúc khảo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra chấm thi xác suất ở một số địa phương nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo.

Năm 2021, điểm thi trên toàn quốc huy động khoảng 8000 cán bộ, giảng viên tham gia công tác thanh, kiểm tra thì năm nay điều chỉnh khoảng 7000-8000 vì không có biến động nhiều số lượng điểm thi.

Tổ chức 4 hội nghị tập huấn

Ông Nguyễn Đức Cường cho biết, 100% cán bộ công chức viên chức tham gia công tác thanh tra kiểm tra kỳ thi đều được tập huấn, đánh giá, đảm bảo cán bộ được lựa chọn phải đạt yêu cầu.

Ngoài hoàn thiện các bộ tài liệu tập huấn, chúng tôi có những clip trực quan ghi lại những kỹ thuật, kỹ năng tình huống xảy ra trong kỳ thi để các cán bộ công chức viên chức tập huấn.

Năm trước, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác tập huấn được tổ chức trực tuyến còn năm nay tình hình đã ổn định nên công tác này được tổ chức trực tiếp. Theo ông Cường sẽ có 4 hội nghị được tổ chức.

Trong đó, hội nghị phía Bắc dự kiến tổ chức 10-11/6. Hội nghị phía Nam được tổ chức từ ngày 13-14/6. Dự kiến có 500 người tham gia, gồm cán bộ cốt cán của các Sở GD&ĐT và các trường ĐH. Trên cơ sở đó Sở và trường ĐH về tổ chức các hội nghị tập huấn cho các bộ tham gia kỳ thi. “Chẳng hạn, trường ĐH huy động tập huấn khoảng 500 người sau đó sẽ về lan tỏa cho hơn 8000 cán bộ giảng viên. Chúng tôi đều có số dư dự phòng khoảng hơn 8000 giảng viên ĐH. Còn Sở tập huấn cho tất cả đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra các khâu của kỳ thi”.

Nhóm hội nghị thứ 2 là tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức, viên chức làm công tác chấm thi, thanh tra, kiểm tra chấm thi sẽ diễn ra từ 17-20/6 tại phía Bắc và phía Nam.

Đoàn chấm thi của bộ sẽ tổ chức tập huấn tất cả các công chức, viên chức/./.