Mùa tuyển sinh ĐH năm 2023, số thí sinh trúng tuyển đợt 1 là hơn 612.000 em. Tuy nhiên, số thí sinh xác nhận nhập học đợt 1 trên hệ thống là hơn 494.000, chiếm 80,8% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Như vậy, có đến 117.795 em dù trúng tuyển đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học, chiếm tỷ lệ 19,2%.

Nhiều ý kiến cho rằng, con số gần 20% thí sinh không nhập học tương đương với tỷ lệ ảo cao trong xét tuyển đại học và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của hệ thống lọc ảo chung của Bộ GD-ĐT.

Trong cuộc trao đổi với VOV2, TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cho rằng dùng từ "ảo" ở đây là có một sự nhầm lẫn.

20% thí sinh không nhập học không nên hiểu là "ảo"

Theo TS. Phạm Như Nghệ, nếu so với những năm trước đây khi việc tuyển sinh chưa cải tiến, ví dụ năm 2020, ngay đợt 1 số thí sinh nhập học so với thí sinh trúng tuyển chỉ vào khoảng từ 50- 60%. Năm nay số thí sinh đến nhập học so với trúng tuyển đã đạt trên 80%. Đặc biệt, lọc ảo chung trên hệ thống, mỗi một thí sinh chỉ được trúng tuyển một ngành của một trường duy nhất. Điều này cho thấy việc cải tiến, lọc ảo chung đã đem lại hiệu quả cao hơn rất nhiều.

“Năm 2020 nói ảo thì đúng là ảo khi một thí sinh có thể nhận được nhiều giấy báo nhập học và các em có thể trúng tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau. Và một trường đại học không hiểu thí sinh trúng tuyển ở những đâu. Còn năm 2023, ngay trên hệ thống đã thống kê đúng và chuẩn thí sinh đỗ vào đâu, trường nào, ngành nào", ông Nghệ so sánh.

Tuy nhiên, gần 20% các em trúng tuyển nhưng không nhập học hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các em. Hệ thống lọc ảo có phát triển đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể ép thí sinh nhập học nếu các em không muốn, ông Nghệ khẳng định.

Không nhập học, thí sinh đi về đâu?

Theo TS Phạm Như Nghệ có thể lý giải việc thí sinh không nhập học có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên có thể là ngành học, trường học mà thí sinh trúng tuyển không phải là ngành học hoặc trường đại học các em yêu thích nhất. Các em không xác nhận nhập học để chờ cơ hội trường, ngành mình yêu thích xét tuyển bổ sung.

Theo ông Nghệ cũng có một tỷ lệ thí sinh dù trúng tuyển đúng ngành học nhưng chưa đúng trường yêu thích. Các em sẽ dừng lại, tiếp tục ôn và tham gia mùa thi năm sau.

Nguyên nhân nữa theo ông Nghệ, rất nhiều em có lực học tốt, gia đình có điều kiện và mong muốn con em du học. Ngược lại, rất nhiều thí sinh do điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình chưa cho phép theo học đại học sẽ chọn phương án học nghề hoặc bước vào thị trường lao động, tham gia ngay ở các doanh nghiệp tại Việt Nam hoặc đi xuất khẩu lao động.

-Các trường top thấp như mình cũng không quan tâm lắm vì đằng nào cũng thế, biết đâu các em thấy trường mình vui vui lại vào cũng nên, cái này tùy thuộc lựa chọn người học. Nhưng cái này thì phải làm rõ. Đó là từ phổ thông người ta phải làm tốt định hướng nghề cho các em. Cái này rất quan trọng vì thậm chí giờ có sinh viên sắp ra trường cũng không biết mình học để làm gì, rất nguy hiểm.

Ông Đào Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình

-Nhà trường tuyển sinh nhiều năm đều tính đến tỉ lệ nhập học khoảng như thế nào và năm nào cũng có một tỉ lệ nhất định là các bạn nhập học xong nhưng sẽ không theo học vì đồng thời hoặc trước đó cũng đã xác nhận nhập học ở nước ngoài. Các trường đều phải tính đến các phương án để đạt được con số tuyển sinh kì vọng. Trường ĐH Ngoại thương không tuyển bổ sung.

Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương

-Thực ra cũng ảnh hưởng nhưng không nhiều lắm. Mình xác định tuyển nhưng tỉ lệ chỉ đạt 80-90% thôi chứ không phải cứ đăng kí là học. Nhiều em chưa có điều kiện đi học đại học, nhiều em muốn đi làm luôn. Trường Đại học Giao thông vận tải cũng có ngành đạt 100% nhưng cơ bản cũng chỉ khoảng 90% thôi.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải

Cũng về con số thí sinh không nhập học đến gần 20% nhưng nếu các trường tuyển vượt 3% sẽ bị phạt tiền, thậm chí là mất quyền tự chủ tuyển sinh, ông Nghệ cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định giao cho các trường được xác định chỉ tiêu trên cơ sở năng lực từng trường. Chính phủ đã có Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục và do đó để đảm bảo chất lượng đào tạo, các nhà trường không được phép tuyển vượt quá chỉ tiêu đã được xác định theo năng lực. Giữa quy định và xử phạt trong trường hợp này theo ông Nghệ hoàn toàn hợp lý.

Bộ GD-ĐT sẽ cải tiến để việc xét tuyển tốt hơn

Đánh giá chung về mùa tuyển sinh ĐH năm 2023, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học cho rằng công tác tuyển sinh năm nay rất thành công, giữ ổn định đồng thời phát huy tối đa ưu điểm và kinh nghiệm cũng như khắc phục được hạn chế của những mùa tuyển sinh trước.

Thí sinh năm nay thuận lợi khi lựa chọn nguyện vọng. Các em chỉ phải lựa chọn trường và ngành đào tạo mà không phải lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển và tất cả các thao tác được thực hiện trực tuyến, giúp tránh được nhầm lẫn. Tất cả các nguyện vọng của các em được đăng ký vào hệ thống chung của Bộ giáo dục và Đào tạo. Hệ thống chung sẽ lọc để kết quả các em sẽ trúng tuyển vào một nguyện vọng cao nhất trong số những nguyện vọng đã đăng ký và đủ điều kiện trúng tuyển.

Ông Nghệ cho rằng tất những thay đổi cũng như chỉnh sửa của hệ thống chung đã tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi tối đa cho thí sinh khi tất cả những kết quả học tập đã có như kết quả học bạ hoặc kết quả tốt nghiệp trung phổ thông, thí sinh được các nhà trường lựa chọn kết quả tốt nhất để xét tuyển vào đại học.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học với cách làm như vậy sẽ xét tuyển được những thí sinh có kết quả tốt nhất trong số những thí sinh đã đăng ký vào trường mình. Đồng thời điều này cũng đảm bảo sự công bằng, khách quan giữa các cơ sở giáo dục đại học và với cơ quan quản lý.

Một hiệu quả nữa từ việc xét tuyển chung trên hệ thống ở việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có được một hệ thống thông tin đầy đủ, chính xác làm cơ sở quan trọng để hoạch định chính sách cho phát triển giáo dục đại học về mặt lâu dài.

Hiện tại và về lâu dài, những trường đại học có uy tín, có chất lượng đào tạo sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu của mình. Nhưng nhiều trường đào tạo không chất lượng theo cách tuyển sinh hiện tại sẽ ngày càng khó tuyển sinh. Câu chuyện phân hóa trong tuyển sinh sẽ tạo nên bức tranh sống động cho giáo dục đại học bằng việc các trường tốt sẽ tự chủ và trường kém chất lượng sẽ không tồn tại.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện theo Luật giáo dục đại học cho phép các trường được phép tự chủ trong tuyển sinh. Nhưng ở vị trí là đơn vị thay mặt Chính phủ quản lý giáo dục đào tạo, Bộ sẽ có những giải pháp để đảm bảo sự chính xác, khách quan, công bằng giữa các cơ sở giáo dục đại học và ngày càng đảm bảo chất lượng đào tạo, bao gồm cả chất lượng tuyển sinh đầu vào của các cơ sở giáo dục đại học.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: