Báo cáo thường niên về Dạy và Học Ngoại ngữ tại Việt Nam 2023 vừa được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia công bố cho thấy, số lượng thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ do có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tăng vọt.

Cụ thể, nếu năm 2021 cả nước có 28.620 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT được miễn thi ngoại ngữ thì năm 2023 đã tăng lên 46.670.

TS. Nguyễn Thị Mai Hữu – Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia cho biết, những thí sinh sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo quy chế thi tốt nghiệp THPT được quy đổi 10 điểm. Nếu điểm số này được cộng vào kết quả thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh thì điểm trung bình môn thi này sẽ được cải thiện thêm.

Phân tích thêm về phổ điểm môn thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong 3 năm gần đây, TS. Nguyễn Thị Mai Hữu cho rằng, điểm trung bình môn thi này không quá tệ và có thể chấp nhận được.

Cụ thể, điểm trung bình thi môn tiếng Anh năm 2021 là 5.6; năm 2022 là 4.8; Năm 2023 là 5.2.

“Kết quả trung bình điểm thi môn tiếng Anh qua các năm đều ở ngưỡng trên 5 điểm. Điều chú ý là bài thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh trong những năm gần đây không phải là dễ. Thậm chí một số người bản ngữ đánh giá, một số câu hỏi thực sự là điều thử thách với họ”, TS. Nguyễn Thị Mai Hữu nói.

Tuy nhiên, bà Hữu cũng trăn trở, số thí sinh có kết quả thi dưới 3 hoặc dưới 5 điểm vẫn rất lớn và đang tồn tại những “vùng trũng” về ngoại ngữ. “Sự chênh lệch về trình độ tiếng Anh giữa học sinh miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với học sinh vùng thuận lợi đang là rất lớn”.

Liên quan đến việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2028 môn tiếng Anh, TS. Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết, năm học 2023-2024, 100% học sinh khối 3 và khối 4 đã được học chương trình mới.

Đồng thời đến năm học 2022-2023, 84% giáo viên tiếng Anh các bậc học phổ thông đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ để triển khai chương trình ngoại ngữ mới. Trong đó cấp tiểu học là 84%, trung học cơ sở là 87%, trung học phổ thông là 77%.

Giáo viên chưa thực sự tự tin kỹ năng nghe, nói

Chia sẻ về kết quả khảo sát học sinh khi học chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, hầu hết học sinh thấy trình độ tiếng Anh của mình cải thiện. Tuy nhiên, trường chuyên đang được đánh giá có mức độ đa dạng về phương pháp dạy học môn Tiếng Anh cao hơn hẳn so với các trường công lập, trường tư thục khác.

“Mặc dù 73% giáo viên tham gia khảo sát tự đánh giá đáp ứng tốt các yêu cầu giảng dạy môn ngoại ngữ, họ tự tin vào năng lực dạy kỹ năng đọc, viết hay ngữ pháp cho học sinh. Tuy nhiên họ thấy thách thức hơn với việc dạy kỹ năng nghe và nói”, ông Vinh nói.

Điều này cũng theo GS.TS Lê Anh Vinh đặt ra vấn đề về phương pháp, cách tiếp cận dạy và học môn tiếng Anh. Tập trung kỹ năng đọc, viết sau đó mới đến kỹ năng nghe, nói hay ngược lại?

“Về quan điểm sẽ có những tranh cãi. Nhưng khi được phụ trách một trường học, tôi quyết tâm đưa các môn khoa học dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên quyết tâm này gặp cản trở vì đội ngũ giáo viên tiếng Anh chưa đáp ứng được. Sau đó phải thay đổi cách làm, học sinh phải đọc được tài liệu, sau đó viết được những điều muốn viết, tự tin để nói ra những điều muốn nói và sau đó là kỹ năng nghe”, ông Vinh nói.

Đánh giá về chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh, GS.TS. Lê Anh Vinh cho rằng, yêu cầu của chương trình tương đối cao so với học sinh ở những vùng khó khăn.

Để triển khai tốt chương trình, theo ông Lê Anh Vinh cần có sự linh hoạt, tiếp cận giảng dạy theo level, trình độ. “Thậm chí học sinh lớp 6 ở Hà Nội có em đã sở hữu chứng chỉ EILTS 8.0. Nhưng đối với học sinh vùng khó khăn, lớp 6 có khi chưa có nền tảng gì về ngoại ngữ. Do vậy, tiếp cận dạy học môn tiếng Anh phải thực sự linh hoạt”.