Chương trình mới nhưng vẫn "học để thi"

Thời điểm từ đầu tháng 11 tới giờ, trong các nhóm chat giữa giáo viên - phụ huynh, giáo viên - học sinh tràn ngập những lời nhắc nhở, thúc giục ôn bài, luyện đề chuẩn bị cho bài kiểm tra giữa kì.

“Con trai lớp 2 học bán trú, chiều về mình phải nấu cơm cho ăn trước 6h tối để đúng 7h tối là con ngồi vào bàn học, ông nội hỗ trợ dạy học cho kịp xử lí hết bài vở, đề cương ôn tập giữa kì, chắc đến khoảng 10h đêm. Nhìn có vẻ buồn ngủ lắm đấy”, một phụ huynh có con học lớp 2 theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở nội thành Hà Nội kể. Mấy tuần nay, lịch học của cậu bé lớp 2 trở thành lịch sinh hoạt của đại gia đình.

Một phụ huynh có con học lớp 7 trường THCS Văn Điển Hà Nội kể, khi con bắt đầu học theo chương trình mới, chị và gia đình đều kỳ vọng vào việc con sẽ được giảm tải áp lực bài vở, thi cử. Nhưng thực tế học vẫn đầy áp lực, kiểm tra giữa kì rồi đến cuối kì theo chị phụ huynh này, áp lực còn nhân đôi, nhân ba.

"Giáo viên các bộ môn phát cho cả tập đề cương, yêu cầu học sinh làm, thậm chí còn kiểm tra chấm điểm. Dù xóa bỏ tư duy môn chính, môn phụ nhưng riêng với ba môn Văn, Toán, Anh, nhà trường vẫn chia phòng, chấm chéo. Kiểm tra giữa kỳ như một kì thi chứ không phải như bài kiểm tra trên lớp bình thường”, vị phụ huynh chia sẻ.

“Cháu vừa thi giữa kỳ xong và bản thân cháu cảm thấy rất mệt. Cháu không thấy khác so với hồi cấp 2 khi ôn thi thì cũng phải theo đề cương, luyện rất nhiều đề”, một học sinh lớp 10 chia sẻ.

Việc học, việc kiểm tra đánh giá học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông mới dường như không thay đổi. Vẫn đầy áp lực và mục tiêu học để thi vẫn còn nguyên.

Kiểm tra định kỳ bằng kỳ thi chung là "bánh lái ngược" của đổi mới giáo dục

Ngành giáo dục đã tiến hành đổi mới kiểm tra, đánh giá từ khoảng 5,6 năm nay theo hướng đánh giá gắn liền với giảng dạy và nhằm vào việc điều chỉnh phương pháp dạy học, không chỉ chỉ để xác nhận kết quả học tập của học sinh. Nhưng thực tế, theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Trưởng ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện khoa học giáo dục Việt Nam, việc đánh giá ở nhiều nhà trường phổ thông vẫn diễn ra theo kiểu đồng loạt từ Sở, Phòng xuống và trở thành gánh nặng cho cả thầy, trò và cả phụ huynh học sinh.

“Ngành giáo dục đã hướng đến đánh giá trên lớp học để theo dõi quá trình học tập của các em học sinh, lấy thông tin để điều chỉnh việc học tập của các em. Trong khi các kỳ thi giữa kỳ và cuối kỳ lại tiến hành đánh giá trên diện rộng, tức là chia lớp chia phòng rồi làm các đề thi chung của Phòng giáo dục hay Sở Giáo dục. Tôi cho rằng việc đánh giá kiểu này không đánh giá được toàn bộ năng lực của các em”, TS Chu Cẩm Thơ khẳng định.

Chính hình thức tổ chức đánh giá trên diện rộng đã tạo ra một tâm lý dạy và học để ứng thí, cực kỳ áp lực đối với cả người học và cha mẹ các em. Giáo viên cũng ở trong guồng quay để học sinh của mình đạt kết quả cao trong tất cả các bài kiểm tra giữa hoặc cuối kỳ vì sợ bị đánh đồng kết quả thi thấp với chất lượng giảng dạy của họ có vấn đề.

Việc tổ chức thi/kiểm tra trên diện rộng khiến giáo viên phải dạy theo định hướng, chạy theo cuộc đua điểm số, hoàn toàn không phải những gì quan sát được từ học sinh cũng như những thứ mà họ đang muốn làm cho mỗi đứa trẻ tốt lên.

"Thầy cô phải nghe ngóng, sưu tập các dạng bài, dạng đề thi, kiểm tra có thể sẽ xuất hiện trong bài kiểm tra diện rộng để học sinh mình ôn luyện", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu thực tế.

Giáo viên và các học sinh không thể tập trung vào việc thay đổi phương pháp giảng dạy. Giáo viên chỉ tập trung vào luyện thi và luyện tập để làm sao cho học sinh của mình đạt được điểm cao. Các công cụ đánh giá khác nhau không được sử dụng trong quá trình giảng dạy. Tức là chúng ta không thể đánh giá được những thái độ hay là kỹ năng vận dụng, kỹ năng thực hành của các em nữa.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ cho rằng, việc đánh giá định kỳ bằng bài thi chung như hiện nay chính là "bánh lái ngược" khiến chúng ta mất phương hướng trong việc tiến tới mục tiêu phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh”.

Cái cớ che đi việc lạm quyền

Ngành giáo dục trong hai năm 2020, 2021 ban hành hai thông tư hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh (Thông tư 27 cho Tiểu học, thông tư 22 cho THCS, THPT) với tinh thần đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực.

Nhưng nhìn trên thực tế, tinh thần từ các hướng dẫn và các văn bản pháp quy chưa được thực hiện đúng. Các cơ quan quản lý trực tiếp, cụ thể cấp phòng giáo dục và Sở giáo dục các địa phương đã lạm dụng, biến việc kiểm tra, đánh giá định kì thành các kì đánh giá trên diện rộng và theo hướng tạo nên những kì thi mang tính chuẩn hóa, trong khi không đủ năng lực để làm các đề thi chuẩn hóa.

Lý do các địa phương đưa ra là cần một bài kiểm tra chung, diện rộng để tránh tình trạng giáo viên vừa “đá bóng, vừa thổi còi”, cụ thể ở đây vừa dạy vừa đánh giá, ẩn chứa nguy cơ đánh mất tính chính xác, khách quan. PGS.TS Chu Cẩm Thơ khẳng định đây chỉ là cái cớ được viện ra nhằm che đi việc “lạm quyền” của một số đơn vị quản lí giáo dục cấp cơ sở.

Về mặt khoa học giáo dục, khi tạo một đề thi chung với mục đích giám sát chất lượng dạy học của các giáo viên, giáo dục sẽ được chứng kiến ngay mặt trái như việc thầy cô sẽ bỏ qua trách nhiệm vì sự phát triển của đứa trẻ ở trong lớp học nơi chính họ theo dõi hằng ngày. Và nguy hiểm hơn, học sinh học chỉ để vượt qua kỳ thi, ngay sau đó các em sẽ quay trở lại "con số không" hết.

“Học để ứng thí không mang lại sự phát triển bền vững về kiến thức cũng như các thành tố khác trong năng lực học tập của học sinh. Cho nên tư duy mang tính chất chủ quan của chúng ta không phù hợp với khoa học phát triển giáo dục và chắc chắn nó sẽ phản tác dụng”.

Cần trao quyền cho giáo viên trong việc đánh giá

Thông tư 22 và 27 hiện nay không cứng nhắc, bắt buộc cho hệ số điểm như thế nào, giáo viên hoàn toàn có thể quyết định. Chẳng hạn như đánh giá giữa kì, chưa chắc một môn đã phải dùng duy nhất một bài thi. Thầy cô có thể dùng các dự án nhỏ cho học sinh thực hiện.

Hiện nay giáo viên được khuyến khích sử dụng nhiều công cụ đánh giá ở trong lớp học của mình, giúp cho việc quan sát và đánh giá học sinh toàn diện hơn, phù hợp với khả năng của các em.

Và cũng theo tinh thần của đánh giá mới không có khái niệm môn chính môn phụ, không môn nào được tính hệ số nhiều hơn. Một học sinh được xếp loại giỏi sẽ phải cần có đủ bao nhiêu môn trên 8, không nhất thiết đó phải là các môn nào.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, muốn thay đổi thực sự cần bắt đầu từ tôn trọng giá trị của đánh giá, nhất là đánh giá trong lớp học, đánh giá quá trình học tập của học sinh và tôn trọng giáo viên, chủ thể của đánh giá.

“Tất cả các giáo viên của chúng ta đều có đủ năng lực để quan sát để đánh giá học sinh của mình nhưng họ cần phải được trao quyền và có trách nhiệm giải trình. Ngược lại, các nhà quản lý và các cơ quan quản lý cần sử dụng đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng sứ mệnh của mình. Trong môi trường giáo dục, chúng ta sẽ hạn chế những kỹ thuật quản lý không đủ tính giáo dục ở đây”.

"Nếu lúc nào cũng dùng công cụ quản lý và lại mang tính thúc ép, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không thu được những kết quả như mong muốn, đồng thời bỏ mất cơ hội để hoàn thiện và phát triển", PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.

Mời các bạn nhấn nút nghe nội dung trao đổi giữa phóng viên VOV2 cùng PGS.TS Chu Cẩm Thơ.