Thực hiện chương trình giáo dục mầm non theo Thông tư 52/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thời gian gần đây, một số trường học ở huyện Mù Cang Chải, Yên Bái đã bắt đầu ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến vào giảng dạy. Cô Phạm Thị Vân, chuyên viên phòng GD-ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết, trước đây ngành giáo dục mầm non huyện vẫn mò mẫm triển khai nhưng từ khi được đi tập huấn, cán bộ cốt cán đã tự tin hướng dẫn giáo viên các phương pháp tổ chức dạy học.
Được tập huấn tiếp cận phương pháp giáo dục STEM, được cung cấp các bộ công cụ, các giáo viên đã nhận thấy hiệu quả của phương pháp giáo dục mới. "STEM tốt vì bản chất giúp trẻ lĩnh hội kiến thức qua hoạt động trải nghiệm. Ngày trước thực hiện điểm tại một số lớp dụ án, một số lớp ở huyện Mù Cang Chải nhưng giáo viên không biết hướng đi của mình đúng chưa. Rất may mắn qua khóa tập huấn, chúng tôi hiểu rõ và xác định hướng đi cho các mô hình", cô Vân chia sẻ.
Cũng hơn 1 năm nay, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến tại 33 trường mầm non công lập trên toàn huyện. Cô Mai Thị Hà, Phòng GD-ĐT huyện Đại Từ khẳng định, khi tiếp cận với các phương pháp giáo dục quốc tế, trẻ tự tin khi được tham gia các hoạt động nhóm.
Trước đây khi giáo viên gọi, trẻ không biết đưa ra câu trả lời. Nhưng sau khi đưa vào dạy kỹ năng hoạt động, nhóm trẻ đã biết thảo luận nhóm và đưa ra ý tưởng của cá nhân, trẻ được sáng tạo mà không bị rập khuôn theo ý của người khác.
Theo cô Hà, khi tiếp cận phương pháp giáo dục quốc tế, thay vì giáo viên là trung tâm của lớp học thì giờ đây trẻ mầm non sẽ là trung tâm của các hoạt động giáo dục.
Trực thuộc trường CĐ Sư phạm Trung ương, Trường mầm non Hoa Thủy Tiên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đi đầu trong việc ứng dụng các phương pháp giáo dục mầm non tiên tiến. Bà Trương Thị Minh Phượng, hiệu trưởng nhà trường cho biết, phương pháp Montessori được trường ứng dụng hơn 10 nay. Trong khi phương pháp Reggio Emilia cũng được áp dụng với trẻ mầm non trong 4 năm qua. Thực tế triển khai cho thấy, khi áp dụng các phương pháp tiên tiến, chính giáo viên phải tự trau dồi phương pháp sư phạm, đặc biệt là các kỹ năng sử dụng công nghệ.
Khi áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến của thế giới, các giáo viên đều được bồi dưỡng. Nhưng bản thân các cô phải tự trau dồi, biết công nghệ, khi tổ chức cho các con có nhiều cái phải tự thiết kế, tự tìm hiểu trên internet để làm.
Trong buổi tập huấn cho giáo viên và đội ngũ cán bộ quản lý về phương pháp Reggio Emilia, TS Hoàng Thị Nho, giảng viên giáo dục mầm non, Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc Gia Hà Nội) khẳng định ở phương pháp này, trẻ em là trung tâm của các hoạt động trong khi giáo viên đóng vai trò như nhà nghiên cứu, xây dựng tài liệu lưu giữ thông tin trong quá trình học tập của trẻ.
Hiện nay, trong đào tạo cử nhân giáo dục mầm non, ngoài nhánh chuyên sâu theo chương trình cơ bản, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng đang định hướng chuyên sâu tiếp cận phương pháp Montessori, Reggio Emilia và STEM, hướng dẫn trẻ làm quen với Tiếng Anh.
Trước băn khoăn, khi ứng dụng các phương pháp này vào giảng dạy, cần hệ thống giáo cụ chuyên biệt và sĩ số lớp nhỏ, bà Lại Thị Yến Ngọc, Phó Trưởng bộ môn Giáo dục Mầm non, Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, tất cả các mô hình trường đều có thể áp dụng các phương pháp này.
Ứng dụng các phương pháp giáo dục quốc tế, trẻ mầm non trở thành trung tâm của các hoạt động giáo dục. Các em tự tin hơn trong giao tiếp, làm việc nhóm, hình thành kỹ năng trong cuộc sống....Điều đó giúp các phương pháp này dần lan tỏa, nhân rộng ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài việc giáo viên được bồi dưỡng, các cô cũng phải nỗ lực tự học thông qua các nguồn tài liệu trên internet.
Nghe chương trình tại đây: