Chiều tối 28/12, tại Trường ĐH Vin Uni, Bộ GD-ĐT tổ chức gặp mặt và giao lưu giáo viên và học sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic và khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2024.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi bày tỏ niềm tự hào khi học sinh Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế và khả năng vượt trội của mình trên đấu trường quốc tế. Những tấm huy chương mà các em đạt được không chỉ là thành tích cá nhân xuất sắc, mà còn là niềm tự hào chung của đất nước, của ngành giáo dục, và là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của nền giáo dục Việt Nam trong thời đại mới.

Thứ trưởng khẳng định, mỗi giải thưởng mà các em đạt được là một hành trình dài của sự kiên trì, học hỏi và sáng tạo. Đằng sau mỗi tấm huy chương là sự cống hiến của các thầy cô giáo, những người đã tận tâm dìu dắt các em từng bước, truyền đạt kiến thức, kỹ năng, cũng như niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, tất cả chỉ là khởi đầu, hành trình phía trước còn gian lao và vất vả bởi đường tới vinh quang không bao giờ dễ dàng.

“Trong thời gian tới, các em sẽ tiếp tục nghiên cứu, học tập ở môi trường đại học trong nước và ngoài nước. Các em hãy đi theo con đường mà mình lựa chọn. Những kết quả đạt được sẽ là khởi đầu giúp các em có những thành công lớn, vang dội hơn nếu các em vẫn giữ kiên trì, mạnh mẽ”.

Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng những tấm huy chương này sẽ là bệ phóng để các em tiếp tục học tập thật tốt, vươn tới chinh phục những đỉnh cao trí tuệ - khoa học, trở thành hiền tài có nhiều đóng góp, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

Thi học sinh giỏi là chạy cư ly ngắn 100m

Tại buổi giao lưu, GS. Đỗ Đức Thái, Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành Toán học; Trưởng Khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội – người từng đoạt huy chương Đồng IMO năm 1978 cũng nhớ lại kỷ niệm vui cách đây 46 năm khi ông và các thành viên trong đội tuyển Olympic Toán quốc tế có dịp gặp gỡ Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

“Trong lần gặp mặt ấy, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hỏi: “Các cháu muốn xin Bác cái gì nhất? Tôi nói thật, còn bao nhiêu kẹo trên mặt bàn chúng tôi xin hết”, GS. Đỗ Đức Thái kể.

Chúc mừng thành tích đội tuyển Olympic đã làm rạng danh Việt Nam trên đấu trường trí tuệ nhưng GS. Đỗ Đức Thái cũng mong muốn các em đừng ngủ quên trên chiến thắng. Bởi vì “nếu các con không mau chóng thoát ra khỏi cảm xúc đấy thì các con bắt đầu cho một thất bại”.

GS. Đỗ Đức Thái ví von, thi học sinh giỏi là chạy cư ly ngắn 100m. Trong khi đó, trở thành một nhà khoa học là chạy marathon cả cuộc đời , chạy cho đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”.

“Muốn trở thành nhà khoa học thì đó là đào tạo marathon, chạy suốt cuộc đời. Bản chất thi học sinh giỏi là làm những bài toán đã có những lời giải, tổng hợp kỹ thuật tương đối kinh điển trong khoa học. Còn sáng tạo trong khoa học là làm những cái chưa ai làm đến, phải làm bằng những kỹ thuật phi tiêu chuẩn. Kỹ thuật tiêu chuẩn thì không bao giờ tạo ra những công trình để lại dấu ấn thực sự”, GS. Đỗ Đức Thái nói và mong muốn các bạn trẻ trong đội tuyển lưu tâm điều đó.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Trưởng khoa Hóa học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Olympic Hóa học quốc tế năm 2024 cho biết, để có được kết quả tốt tại đấu trường quốc tế, đội tuyển Olympic Hóa học Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn. Trước hết là thích nghi nhanh với điều kiện phòng thí nghiệm mới. Những năm gần đây Đội tuyến Hóa học có sự điều chỉnh kế hoạch tập huấn phần thực hành khi được bố trí ở 4 đơn vị: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Bách khoa Hà Nội, Đại học. Điều này giúp các bạn làm quen với việc nay làm ở lab này nhưng mai có thể làm lab khác.

Điều kiện sinh hoạt và chênh lệch múi giờ cũng tạo ra nhiều khó khăn cho đội tuyển Olympic khi dự thi quốc tế. Ngoài ra, vấn đề thời tiết và ẩm thực cũng có ảnh hưởng. Chẳng hạn kì thi ở Ả Rập Xê Út vừa qua, nhiệt độ trung binh luôn khoảng 46 độ. Việc thích nghi và giữ sức khỏe cho các em là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, đoàn Việt Nam ra nước ngoài luôn mang theo mì tôm, phở và các món Việt để có thể sử dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Mong muốn truyền cảm hứng cho thế hệ kế tiếp

Tại buổi nói chuyện, cô Hà cho rằng những tấm huy chương chỉ là đích đến, còn niềm vui chính là ở trên chặng đường cố gắng đạt tới đích đó. Bản thân mỗi thầy cô tham gia tập huấn đều phải học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, để truyền tải được những kiến thức tốt nhất tới các em trong giờ học, cũng như luôn sẵn sàng giải đáp và trao đổi mọi thắc mắc với các em ngoài giờ học.

Tại buổi giao lưu, những học sinh tham dự Olympic quốc tế đã chia sẻ những ấn tượng khi bước ra đấu trường quốc tế. Đặng Tuấn Anh, tân sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội - huy chương vàng Olympic Sinh học quốc tế 2024 cho biết, điều em ngưỡng mộ nhất ở các thí sinh quốc tế là khả năng chia sẻ. “Họ làm việc với nhau tốt. Dù là kỳ thi nhưng không cảm thấy sự cạnh tranh. Ngược lại, mọi người hòa đồng. Đó là điều em mà em chưa từng cảm trước đây. Có lẽ niềm đam mê học tập và say sưa nghiên cứu khoa học là chất kết nối chúng em”.

Trong khi đó, Nguyễn Lê Quốc Bảo, cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM – giải Nhì lĩnh vực phần mềm hệ thống trong Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế lại bất ngờ và choáng ngợp bởi tất cả các cường quốc mạnh trên thế giới về công nghệ là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Singapore... đều chú trọng đào tạo khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, toán-tin cho học sinh từ khi còn rất nhỏ. Chính vì vậy, họ có những dự án đoạt giải thưởng hằng năm phục vụ cộng đồng.

Quốc Bảo hy vọng, thành tích của mình và nhóm dự án đoạt giải sẽ truyền được cảm hứng cho những thế hệ kế tiếp, thúc đẩy việc tham gia nghiên cứu từ sớm và giữ niềm đam mê đến hết đời vì nghiên cứu là quá trình lâu dài./.