Tại Hội nghị Phát triển Giáo dục và Đào tạo vùng Trung du và miền núi Bắc bộ được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 23/12, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận những thành tựu trong giáo dục của 14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ.

Tuy nhiên Bộ trưởng cho rằng, trong khi các vùng khác đã đi xa thì các địa phương này vẫn đang “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục. “Công cuộc xóa đói, giảm nghèo trong giáo dục sẽ là vấn đề cần nhìn thẳng, cần đối mặt của cả vùng trong giai đoạn tới đây”, Bộ trưởng nói.

Cụ thể, trong chặng đường trước mắt, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ cần hài hòa giữa phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà với các mức độ khác nhau.

“Vấn đề số 1 của chúng ta là phổ cập, nâng cao dân trí, sau đó mới nói về các câu chuyện khác. Mục tiêu là giảm thấp nhất mù chữ, tái mù chữ. Con em đồng bào dân tộc được đi học, có con chữ, có trình độ giáo dục tối thiểu để có thể thay đổi được đời sống của chính mình”, Bộ trưởng khẳng định.

Các chính sách cho phát triển giáo dục vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã có và có rất nhiều, song hầu như chưa đủ mạnh, chưa bao quát được hết tính đặc thù, chưa mang tính quyết liệt, Bộ trưởng cho biết, sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành rà soát cơ chế, chính sách với khu vực theo hướng gọn lại, tích hợp nhưng cần mang tính đột phá.

Trong đó, 2 vấn đề cần ưu tiên là chính sách về giáo viên - bằng mọi biện pháp giải quyết các vấn đề đặt ra về giáo viên, số lượng, chất lượng và cơ sở vật chất, trường lớp, cố gắng đến năm 2030, toàn vùng sẽ không còn phòng học tạm. Bộ trưởng mong muốn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc và các địa phương sẽ đồng hành, ủng hộ trong việc thực hiện công việc này.

Chia sẻ quan điểm, đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ giáo dục vẫn là việc mà nhà nước phải lo trước khi nói tới việc xã hội hóa, Bộ trường mong rằng, các địa phương đã quan tâm đầu tư cho giáo dục rồi, sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa.

“Bên cạnh việc chúng ta đầu tư cho một số trường, các trung tâm, các trường chuyên, các trường phục vụ cho mục tiêu mũi nhọn, nhưng ở những vùng khác vẫn để phòng tạm, nhà mượn là điều khó chấp nhận được. Do đó, mong các địa phương lưu ý, lãnh đạo các địa phương chia sẻ”, Bộ trưởng lưu ý.

Với hy vọng 3-5 năm tới sẽ nhìn thấy những chuyển biến tốt hơn của giáo dục vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, Bộ trưởng gửi gắm: “Trước khi hội nhập quốc tế, việc hội nhập quốc gia về giáo dục của vùng cũng rất quan trọng. Việc lớn bắt đầu từ việc nhỏ và chúng ta sẽ bắt đầu làm từ những việc nhỏ”.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình.

Năm học 2021-2022, 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có trên 3,3 triệu trẻ em mẫu giáo và học sinh các cấp. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 98,6%, đứng thứ nhất toàn quốc. Tỷ lệ học sinh Tiểu học đến trường đạt 99,9%, tương đương so với mức bình quân chung cả nước và tương đương với các vùng khác.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS cao hơn trung bình chung cả nước và chỉ đứng sau Đồng bằng Sông Hồng. Đến nay, về cơ bản toàn vùng đã đạt được mục tiêu xóa mù chữ, 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1. Hiện toàn vùng không còn xã trắng về giáo dục, mọi thôn bản đều có lớp mầm non, tất cả các xã đều có trường tiểu học.

Tuy nhiên theo Bộ GD-ĐT, dù đã có nhiều nỗ lực, song vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Giáo dục và đào tạo phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ kiên cố hoá trường lớp của vùng thấp nhất cả nước.

Nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn còn thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải, phải học 2 ca, học nhờ, học tạm; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch... Tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp thấp nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở đạt chuẩn thấp nhất trong các khu vực.