Nghị định số 116/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 25/9/2020 quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Một trong những điểm nhấn của Nghị định này là cho phép đào tạo giáo viên theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu.

Theo Bộ GD-ĐT, sau hai năm triển khai Nghị định 116, mặc dù kết quả tuyển sinh khối ngành đào tạo giáo viên rất khả quan, chất lượng đầu vào được nâng lên nhưng nhiều địa phương vẫn không đặt hàng đào tạo giáo viên cho địa phương mình; Một số địa phương đã đặt hàng nhưng lại không chuyển kinh phí cho cơ sở đào tạo…

Chia sẻ khó khăn này tại Hội nghị tuyển sinh 2023 được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 3/3, ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủ đô cho biết, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương hàng năm là rất lớn. Đơn cử như TP. Hà Nội, trung bình mỗi năm tuyển dụng 4-5 nghìn giáo viên. Nhưng đến nay trường không nhận được đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ của TP. Hà Nội cũng như các địa phương khác theo tinh thần của Nghị định 116.

“Năm 2021-2022, trường có tuyển sinh khóa đầu tiên theo tinh thần của Nghị định 116, trường cũng thực hiện đúng quy trình theo hướng dẫn của Nghị định nhưng đến thời điểm này trường chưa được cấp kinh phí. Các địa phương có lý giải là tỉnh không đặt hàng, không giao nhiệm vụ nên những sinh viên đó không được cấp kinh phí”, ông Tuân băn khoăn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuân, năng lực đào tạo các khối ngành sư phạm hiện nay của trường Đại học Thủ đô là khoảng 2000 sinh viên/năm. Hiện mỗi năm trường được Bộ GD-ĐT phân bổ 700-800 chỉ tiêu/năm.

“Với chỉ tiêu được Bộ GD-ĐT cấp đề nghị ngân sách Trung ương sẽ cấp cho các trường để các đơn vị đỡ gặp khó khăn khi làm việc với địa phương”, ông Tuân kiến nghị.

(Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023)

Trước vướng mắc của các cơ sở đào tạo về việc tuyển sinh đào tạo giáo viên theo quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, Nghị định 116 quy định rõ việc đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên do ngân sách địa phương chi trả.

Bộ GD-ĐT cũng đang kiến nghị Chính phủ sửa Nghị định 116. Tuy nhiên dù sửa theo hướng nào thì ngân sách đào tạo giáo viên cũng sẽ qua UBND các tỉnh, thành phố.

Riêng đối với TP. Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, hàng năm thành phố tuyển dụng, sử dụng nhiều nhân lực giáo viên thì cần phải có trách nhiệm chi trả ngân sách trong đào tạo giáo viên.

“Trường Đại học Thủ đô là trường duy nhất trực thuộc thủ đô Hà Nội. Vì sao lại không cấp ngân sách để đào tạo giáo viên? Trường nào thuộc địa phương mà địa phương không giao nhiệm vụ, không đặt hàng và không cấp ngân sách đào tạo giáo viên thì Bộ GD-ĐT sẽ không cấp chỉ tiêu năm nay”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy, năm 2022 tổng chỉ tiêu tuyển sinh Đại học, cao đẳng sư phạm là hơn 48.500 chỉ tiêu. Kết quả tuyển sinh đạt 80,16%. Trong đó, tuyển sinh trình độ đại học là 32.265 thí sinh (đạt 82,32%); Trình độ cao đẳng là 6.650 (đạt 71,13%).

Điểm b, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 116/2020/NĐ-CP:

"Đối với sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu): Căn cứ vào số chỉ tiêu còn lại trong phạm vi chỉ tiêu của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo sau khi trừ đi chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, hằng năm cơ sở đào tạo giáo viên lập dự toán kinh phí và gửi cơ quan cấp trên tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính bố trí dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Kinh phí hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội được cấp cho cơ sở đào tạo giáo viên theo hình thức giao dự toán theo quy định."