Phụ huynh không còn đắn đo mua thẻ BHYT học sinh

Mỗi buổi sáng phòng y tế trường THCS Văn Quán (Hà Đông-Hà Nội) tiếp nhận hàng chục trường hợp học sinh có vấn đề về sức khỏe như sốt, chóng mặt, đau đầu, ho… Riêng trong giờ ra chơi, cô Đặng Thị Ly, nhân viên y tế của trường luôn chân, luôn tay tư vấn, thăm khám cho học sinh. Những trường hợp nhẹ, cán bộ y tế đo nhiệt độ, huyết áp và cho uống thuốc (nếu cần). Trường hợp nào nặng, Trường sẽ liên hệ ngay với phụ huynh phối hợp đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất.

“Đặc biệt trong mùa dịch, trường tiếp nhận nhiều học sinh có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, cúm B. Khi mùa lạnh đến, rất nhiều học sinh bị bệnh đường hô hấp”, cô Ly nói.

Với số lượng học sinh lên đến hàng nghìn em nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh của trường THCS Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) ngày càng tăng. Rất may, từ nguồn hỗ trợ trở lại của quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) nên điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh ngày càng được cải thiện.

“Cơ sở vật chất phòng y tế của trường ngày một cải thiện. Đảm bảo đủ các trang thiết bị chuyên môn cơ bản phục vụ cho công tác sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh”, cô Ly cho biết.

Để sử dụng tối đa khoản kinh phí được BHYT trích nộp lại cho Trường làm công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, hàng năm, trường THCS Văn Quán phối hợp với các bệnh viên tổ chức các đợt khám sức khỏe sàng lọc cho học sinh toàn trường.

Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Hiệu trưởng trường THCS Văn Quán cho biết việc tổ chức khám, sàng lọc sức khỏe ban đầu cho học sinh là hoạt động quan trọng để sớm phát hiện các trường hợp bất ổn về sức khỏe từ đó phối hợp với gia đình sớm có hướng điều trị.

“Nếu không có nguồn quỹ trích nộp từ BHYT thì rõ ràng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh ngay tại trường học sẽ khó khăn hơn”, bà Thúy nhấn mạnh.

Điều quan trọng, theo bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Hiệu trưởng trường THCS Văn Quán, phụ huynh học sinh của trường ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của chính sách BHYT học sinh, sinh viên. Hiện tỉ lệ tham gia BHYT của học sinh toàn trường đạt 100%.

Trong khi đó, theo cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên trường THCS Văn Quán, nếu như 5-10 năm trước việc học sinh tham gia BHYT còn có những ý kiến khác nhau của phụ huynh nhưng những năm gần đây hầu như giáo viên chủ nhiệm không gặp bất cứ khó khăn, rào cản nào.

Trường học chia nhỏ khoản thu, giảm áp lực tài chính cho phụ huynh

Tại trường THCS Thái Thịnh (Quận Đống Đa, Hà Nội), hơn 10 năm nay, trường duy trì một cán bộ phụ trách y tế học đường. Cán bộ này có chứng chỉ hành nghề do cơ quan chức năng cấp. Từ nguồn trích lại của quỹ BHYT, nhà trường làm tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh ngày từ cơ sở.

Cô Nguyễn Thị Thúy Ngọc, cán bộ y tế trường THCS Thái Thịnh cho biết, tấm thẻ BHYT đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe học sinh và giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình khi các em bị đau ốm, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.

“Năm ngoái, trường có một trường học học sinh bị mắc ung thư thể hiếm. Vì chi phí khám chữa bệnh rất lớn trong khi điều kiện gia đình gặp nhiều khó khăn nên trường cũng tổ chức vận động, quyên góp hỗ trợ gia đình. Tuy nhiên, nếu không có tấm thẻ BHYT thì gia đình sẽ khó có khả năng chi trả viện phí”, cô Nguyễn Thị Thúy Ngọc cho biết.

Trao đổi với phóng viên VOV2, ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, nhiều học sinh của trường bị nhiễm bệnh. Việc có tấm thẻ BHYT đã giúp phụ huynh yên tâm hơn rất nhiều khi đưa con đến điều trị tại các cơ sở y tế.

Theo chính sách của nhà nước, học sinh-sinh viên sẽ được hỗ trợ 30% mức đóng. Do vậy các em chỉ phải đóng 563.220 đồng/năm để hưởng các chính sách BHYT. Tuy nhiên đối với nhiều gia đình đây vẫn là khoản tiền không nhỏ, nhất là vào dịp đầu năm học bị dồn nhiều khoản đóng góp.

“Để giảm gánh nặng kinh tế cho phụ huynh, từ nhiều năm nay, trường đã chia nhỏ các khoản đóng góp thành nhiều đợt. Trong đó việc thu phí BHYT thường được triển khai vào tháng 11 để phụ huynh không bị quá áp lực đóng góp vào đầu năm học. Việc thu BHYT vào những tháng cuối năm vẫn đảm bảo việc học sinh hưởng các chính sách BHYT từ ngày 01/01 hàng năm”, ông Nguyễn Cao Cường cho biết.

Ông Cường cũng cho rằng, trong thời gian tới, y tế học đường cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để mỗi trường học có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh ngay từ tuyến cơ sở.

Bấm nghe Chương trình: