Dự án “Trường học hạnh phúc” do Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục (VIGEF) xây dựng có sự đồng hành của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Công ty Gennetica Châu Á, cùng sự tham gia của 7 Sở Giáo dục và Đào tạo trên cả nước đang trong giai đoạn 1.

Hội thảo “Hiệu trưởng - Người gieo mầm hạnh phúc” được tổ chức vào ngày 20/5 tại Hà Nội được xem như cơ hội để nhìn lại hiệu quả bước đầu của dự án Trường học hạnh phúc.

Tới dự hội thảo có đại diện Vụ Giáo dục-Ban Tuyên giáo Trung Ương, Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam, Cục nhà giáo và Cán bộ quản lí giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các chuyên gia thàng đầu trong lĩnh vực giáo dục và đại diện các Sở giáo dục, hiệu trưởng nhiều trường học. Đặc biệt có sự tham gia theo hình thức trực tuyến từ Paris của TS Satoko Yano, chuyên gia cao cấp chương trình Giáo dục UNESCO. Các đại diện đem đến hội thảo những góc tiếp cận khác nhau nhưng đều nhằm tới mục tiêu chung giáo dục nhằm phát triển con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đặt ra một số vấn đề về quan điểm, cách nghĩ, cách làm để có trường học hạnh phúc.

“Đang có chiều hướng sai lệch so với mục tiêu về trường học hạnh phúc. Ví dụ như trường học hạnh phúc có phải là tổ chức rất nhiều các chương trình văn nghệ khiến học sinh, thầy cô rất vui vẻ. Hay các nhà trường thực hiện trang trí không gian trường lớp rất đẹp, đổi mới cách họp phụ huynh học sinh..." Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, những nội dung này không phải đến khi có dự án “Trường học hạnh phúc” mới thực hiện. Vì vậy, việc cùng đánh giá và hoàn thiện các nội dung để mỗi thành tố trong nhà trường hạnh phúc là điều cần được chỉ ra.

Khẳng định “trường học hạnh phúc” là nội dung quan trọng cần đưa vào các nhà trường, TS Nguyễn Ngọc Ân kiến nghị nội dung trường học hạnh phúc cần làm rõ hơn trong Chiến lược giáo dục Việt Nam đến năm 2035.

Tại Hội thảo, đại diện các nhà trường, các chuyên gia đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, UNICEF Việt Nam đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, tham góp ý kiến, đề cập khả năng áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu của THHP vào Việt Nam, sự tham gia của các bên liên quan cùng quá trình hiện thực hoá trường học hạnh phúc thông qua đầu tư vào các hiệu trưởng - người gieo mầm hạnh phúc.

Xác định hiệu trưởng, người đứng đầu nhà trường với những định hướng, quyết định và ứng xử tác động đến cùng lúc nhiều đối tượng trong môi trường học đường, trong đó học sinh và thầy cô, dự án Trường học hạnh phúc đã đề ra mục tiêu tập huấn, bồi dưỡng cho 10.000 hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước nhằm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường học tập vui vẻ, yêu thương và đầy cảm hứng.

Trong giai đoạn 1 kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 năm 2022, dự án đã tập trung tập huấn, bồi dưỡng cho hơn 1.200 hiệu trưởng thuộc 7 tỉnh, thành phố. Sau quá trình tập huấn trực tiếp, thầy cô đứng đầu các nhà trường được hỗ trợ từ 4-6 tháng thực hành xây dựng trường học hạnh phúc.